Nguyên nhân cá có thịt màu vàng

Nguyên nhân cá có thịt màu vàng

Do môi trường

Trong ao nuôi có nhiều mùn bã hữu cơ, tảo… Nên vét bùn, bón vôi trước khi thả nuôi cá. Trong quá trình nuôi có thể sử dụng Zeolite để xử lý mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa, Zeolite hấp thu các độc tố NH 3, H 2S, NO 2, kim loại nặng ở nền đáy…

Cá tra nuôi bè có thịt trắng hơn cá tra nuôi ao. Tuy nhiên cần lưu ý: Vào mùa nước nổi tháng 6-7 có những thay đổi lớn về chất lượng nước sông. Cá nuôi bè, nuôi đăng quầng hoặc nuôi ao (sử dụng nước sông để thay) thì thịt bị vàng.

Giải pháp:

– Thay 20 đến 30% lượng nước ao trong một ngày.

– Có thể sử dụng sục khí đáy ao.

Những tác động từ thức ăn của cá

Thức ăn nên nghiên cứu cân đối về đạm (nên cho ăn trên 18 độ đạm). Các nghiên cứu về dinh dưỡng cá tra gần đây cho thấy việc cân đối về đạm trong thức ăn của cá tra ngoài cải thiện (giảm) tích luỹ mỡ trong cơ thể cá còn giúp cá tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi.

Trong khẩu phần thức ăn nên bổ sung thêm khoáng vi lượng, vitamin C định kỳ.

Việc sử dụng cá biển làm thức ăn cho cá cũng phải chú ý về chất lượng (tươi, ươn, các hoá chất tẩm ướp trên cá biển ngoài ảnh hưởng đến màu trắng của thịt cá nuôi còn có tác động thành phần đạm trong thức ăn và sự tiêu hoá của cá).

Cá suy dinh dưỡng: Thức ăn dư thừa làm tăng tích luỹ vật chất trong ao nuôi dẫn đến chất lượng nước xấu và tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh.

Sắc tố trong thức ăn gây màu trên thịt cá: Trong tự nhiên, nhiều động, thực vật chứa Carotenoid gây màu vàng, cam đỏ trên cơ thịt, da, trứng cá.

– Trên động vật, carotenoid oxy hoá thành Astxanthin Cathaxanthin tạo nên màu đỏ và da cam như trên cá hồi, giáp xác.

– Trên thực vật, 2 carotenoid là Lutein (Xanhthopin) và Zeaxan-thin tạo nên màu vàng và vàng cam ở bắp, bột cỏ, rong tảo.

Khi carotenoid hấp thụ vào trong ruột cá, ở đây carotenase biến đổi một phần carotenoid thành vitamin A. Một phần khác vào gan liên tục biến đổi thành vitamin A. Phần dư thừa đi vào máu, gây màu vàng trên cơ thịt, da, trứng cá. Vì vậy không nên cho cá ăn những thức ăn có sắc tố gây vàng thịt như: bắp, bí đỏ, rau muống…

Sử dụng chế phẩm sinh học

* Các chế phẩm sinh học được sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản nhìn chung có 2 tác dụng:

– Nhóm vi sinh vật sống, qua đường thức ăn cư trú trong ruột động vật và giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột như: Vi khuẩn Lactobacillus tăng cường khả năng tiêu hoá, một dòng của Bacillus spp có khả năng ức chế vi khuẩn Vibrio gây bệnh…

– Nhóm vi sinh cải thiện môi trường như nhóm vi khuẩn Nitrosomonas và Nitrobacter chuyển hoá thành Nitric, Nitrat và Nitrogen tự do.

* Việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi cá tra nhằm cải tạo môi trường nuôi là một biện pháp kỹ thuật cần khuyến khích. Tuy nhiên nếu những vi sinh này có nguồn gốc nước mặn mà cho vào nước ngọt thì hiệu quả không cao, hoặc khi ao nuôi thay nước thường xuyên hay nuôi đăng quầng thì không hiệu quả (nếu không nói là lãng phí).

* Một số thuốc có chứa các chất hỗ trợ chức năng của gan (Sorbito…) về nguyên lý thì không có trở ngại, tuy nhiên vì chưa có những nghiên cứu khoa học chứng minh nên khi dùng nên cân nhắc.

* Một loại hoá chất có tên là Pond Oxygen dạng hạt, khi rải vào ao sẽ cung cấp oxy cho tầng nước ở đáy ao, là giải pháp tốt cho các ao nuôi có trở ngại trong biện pháp thay nước và giúp cho quá trình nitrat hoá các chất hữu cơ dư thừa dưới đáy ao.

Nguồn: Kinh tế nông thôn, số 33 (519, 14/8/2006

Rate this post

Viết một bình luận