Nguyên nhân cá tra có thịt màu vàng
Cá tra thịt vàng không được các nhà máy chế biến ưa chuộng, do khó tiêu thụ. Giá giảm từ 10-20% so với cá tra thịt trắng. Cá tra nuôi có thịt vàng do một số nguyên nhân sau:
Di truyền và giống
Có một loại cá da trơn màu vàng mà người dân gọi là cá tra nghệ. Đây là loại cá có da thịt màu vàng như nghệ nhưng thịt có mùi vị thơm ngon rất đặc trưng. Sản lượng của cá không nhiều, chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện ở chợ, giá bán từ 40.000-50.000 đồng/kg, người bán hàng thường gọi là cá bông lau nghệ. Loại cá này Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống thuỷ sản An Giang đã cho sinh sản nhân tạo năm 2001.
Do bệnh
– Bệnh có liên quan đến gan và mật:
Tác nhân gây bệnh là giun sán ký sinh trong túi mật. Cá bị bệnh này da sẽ bị vàng, cá bỏ ăn rồi chết. Khi cá đã vàng da, việc điều trị rất khó khăn do chức năng chuyển hoá thức ăn và hấp thụ thuốc ở thời điểm này không hiệu quả.
– Biện pháp phòng trị:
Sử dụng Navet Fenla, Invermecin… trộn vào thức ăn cho cá ăn. Định kỳ tẩy giun sán cho cá nuôi.
Tuy nhiên, có một thực tế khách quan là, thuốc chuyên dùng tẩy giun sán cho cá chưa có nên thường sử dụng thuốc của gia súc gia cầm… Vì vậy khi sử dụng thuốc cần phải có sự cân nhắc cẩn thận.
Cùng với bệnh giun sán, cá tra nuôi với mật độ cao nếu các biện pháp kỹ thuật hay quản lý môi trường không tốt, cá nuôi bị vi trùng, vi khuẩn tấn công.
– Bệnh đốm trắng trên gan:
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Edward ictaluri. Bệnh xuất hiện ở An Giang năm 1998, thời gian xuất hiện vào tháng 7-8. Nhưng hiện nay bệnh xuất hiện hầu như quanh năm.
– Triệu chứng: Cá không có dấu hiệu bất thường ở bên ngoài; giai đoạn đầu vẫn ắn mồi; giai đoạn phát bệnh cá đang ăn mồi chạy tản; bơi lờ đờ rồi chết.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chủng vi khuẩn này kháng với một số loại kháng sinh thông thường như: Oxytetra, Oxolinic acid, Sulponamid… Vì vậy phải dùng loại kháng sinh đặc trị là Enrofloxacin, Norfloxacin, Ciprofloxacin ( nhóm thuốc này vừa bị cấm sử dụng).
Vì thế biện pháp tốt nhất là phát hiện bệnh sớm (giai đoạn đầu của bệnh). Dùng Heparenol trộn vào thức ăn. Kinh nghiệm một số hộ nuôi cá dùng thảo dược: cây mần ri hoa tím, lá cây sa kê… cần được nghiên cứu, phổ biến rộng rãi.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi nếu cá bị bệnh kéo dài hoặc lặp đi lặp lại, thịt cá sẽ có màu vàng.
Nguồn: Kinh tế nông thôn, số 32 (518), 7/8/2006