Chia Sẻ:
ĐẠO CỤ
Đạo cụ là những dụng cụ mà diễn viên sử dụng để biểu diễn. Đạo cụ trong tuồng cũng là một trong những nhân tố góp phần hỗ trợ và tăng tính ấn tượng cho loại hình nghệ thuật này. Không nằm ngoài những đặc điểm đặc biệt vốn có của nghệ thuật tuồng, đạo cụ nó cũng mang tính ước lệ, tượng trưng và luôn hài hòa với trang phục, giúp cho động tác của diễn viên thêm phần thẩm mỹ. Tùy theo mỗi loại đạo cụ mà nghệ thuật hát bội hình thành ra các động tác múa phù hợp với loại đạo cụ đó. Múa đạo cụ là những tổ hợp động tác múa khi diễn viên có cầm đạo cụ. Cách cầm đạo cụ có ảnh hưởng đến sự tạo hình và động luật múa của mỗi loại đạo cụ. Trên sân khấu hát bội, đạo cụ gồm những dụng cụ lao động (cái búa, cái thúng, mái chèo, cần câu…), tư liệu sinh hoạt (quạt, chén, rượu), vật trang trí (hoa), vật biểu tượng (cờ các loại), binh khí (Chùy, côn, cung, kiếm giáo, kích, mã tấu, đại đao, xà mâu, trường thương…)
Sau đây là một số loại đạo cụ thường được sử dụng trong biểu diễn tuồng:
* Binh khí:
Binh khí là các loại khí giới dùng cho tướng sĩ trên sân khấu hát bội, hầu hết đều làm giả, bằng kim loại hay gỗ, mây, tre, giống ngoài đời, nhưng tuyệt đối không bén, nhọn, tránh nguy hiểm cho người sử dụng, ngoài ra các loại binh khí còn phải nhẹ nhàng cho dễ huơ múa và phải tô điểm hoa mỹ, hòa đồng cùng với trang phục.
01. Đao: Lưỡi giống như dao bầu, dài lối 0,5m, mũi cong lên, có ngạnh cong ở giữa sóng. Có 2 loại: đoản đao và trường đao. Đoản đao là loại cán ngắn lưỡi to bản, bằng nhôm hay gỗ nhẹ, dùng 1 cái gọi là độc đao, 2 cái gọi là song đao. Nhân vật sử dụng đoản đao là các kép núi, quân hầu, quân đao phủ. Trường đao là đao cán dài,cán bằng song mây, cao vừa tầm người, còn gọi là siêu. Chỉ một vài nhân vật đặc biệt mới sử dụng trường đao: Quan Công, Lưu Kim Đính, Chung Vô Diệm. Trên phần sống thanh long đao của Quan Công có tạc hình con rồng xanh. Động tác chém đao ngang trái ngang phải gọi là vớt đao.
02. Siêu: tương tự như đao
03. Xà mâu: Hình thức giống cây thương, nhưng phần lưỡi tạo hình con rắn uốn khúc, đuôi chĩa về phía trước làm mũi nhọn. Trương phi sử dụng xã mâu làm khí giới tùy thân.
04. Kích: là loại đạo cụ hình thức giống cây thương, nhưng phía trên sóng lưỡi có bộ ngạnh hình trăng lưỡi liềm. Nhân vật sử dụng kích như Lã Bố, Tiết Đinh San.
05. Mã tấu: Hình thức giống như đao, nhưng lưỡi nhỏ hơn. Mã tấu dùng cho binh sĩ Phiêu, Liêu, hay bọn cướp đường.
06. Chùy: Khối tròn, đường kính từ 0,20 đến 0.30cm, có cán để nắm và xoay tròn trong lòng bàn tay. Chùy làm bằng vật liệu nhẹ cho dễ sử dụng. Quả chùy làm bằng hai cái rổ bằng tre hoặc bằng nhựa úp lại, kết chặt nhau, bong giấy bìa bên ngoài rồi tô màu sơn đen hoặc bạc. Có song chùy (2 quả) và độc chùy (1 quả). Nhân vật sử dụng song chùy trong hát bội là các vai kép con như Đào Phi long, Hoàng Phi Hóa, Lý Nguyên Bá (Thuyết đường), La Nhơn (La Thông Tảo Bắc).
07. Côn: Còn gọi là roi, dài 1m60 bằng tre hoặc gỗ, thường sơn màu đỏ. Côn dùng làm roi phạt đồn hoặc khí giới của lâu la, quần chúng.
08. Roi ngựa: là đạo cụ vô cùng độc đáo và sinh động trên sân khấu tuồng. Được coi là hình thức ước lệ đặc sắc, tạo nên một nét văn hóa rất đặc sắc trong tuồng. Đây là đạo cụ mà diễn viên dùng để biểu diễn các động tác thể hiện lúc dắt ngựa, lên yên, phóng ngựa, ngựa đi nước kiệu, ngựa phóng, ngựa phi, ngựa dụm vó, ngã ngựa… Roi ngựa làm bằng một ngọn roi mây dài độ 0.7m, quấn suốt bằng một lớp vải mỏng, thường được chẻ làm ba rồi tết lại để cho mềm dịu, khi huơ lên có thế tạo hình đẹp. Trừ 0.20m cán, cứ mỗi 10 phân, người ta buộc một túm chỉ màu (tượng trưng sắc lông con ngựa) cho đến đầu ngọn roi. Phần còn lại là tay cầm, có buộc một vòng nhỏ ở đầu để khi biểu diễn, người diễn viên đeo vào ngón tay út bên phải.
Nói chung khi người diễn viên biểu diễn trên sân khấu với chiếc roi ngựa, nếu có cảnh dùng ngựa thì chỉ có chiếc roi ngựa diễn viên cầm trong tay, vừa biểu trưng cho con ngựa, vừa thể hiện cho chiếc đuôi ngựa. Thông qua thủ pháp ước lệ, tượng trưng của nghệ thuật biểu diễn Tuồng, khán giả sẽ thấy có lúc nó là con ngựa như: dắt ngựa, gò ngựa, ngựa trở chứng, lên ngựa, ngựa giận dữ, ngựa hiền… Có khi nó lại là chiếc roi ngựa để thuần phục những con ngựa dữ (Xem trích đoạn Mạnh Lương bắt ngựa). Có khi nó là chiếc đuôi ngựa để khán giả phân biệt được các tình huống ngựa đi chậm, đi nhanh…
Diễn viên thực hiện động tác đưa roi ngựa lên cao, quay tròn cùng với động tác chân đi gập ghềnh một vòng trên sân khấu, vậy là đủ để khán giả hiểu là nhân vật đang phi ngựa trên đoạn đường dài đầy gian nan, vất vả. Nếu roi ngựa đưa lên cao, rung nhẹ, kết hợp với bước đi khoan thai, ấy là thể hiện trạng thái ung dung của người cưỡi. Còn nếu trên đường đi, ánh sáng có sự thay đổi một lần sáng một lần tối, ấy là thể hiện cảnh nhân vật ấy đã đi ngựa liên tục trọn một ngày đêm.
09. Chiếu chỉ: Lệnh viết của nhà vua được làm bằng hai tấm bìa dày bọc vải vàng gấp đôi lại, dùng trong lúc vua viết – ban chiếu chỉ.
10. Cờ: Cờ có nhiều loại. Sáu hay bốn lá cờ giắt sau lưng các tướng võ mặc giáp nam hay giáp nữ, gọi là lệnh (lệnh tiễn). Đại kỳ đi đầu hàng quân hình vuông, mỗi cnahj trên 1m, dùng trong các lớp đề cờ cử binh như Phàn Định Công chém sử đề cờ (Sơn hậu), Đào Tam Xuân đề cờ (Trảm Trịnh Ân). Cờ soái hình chữ nhật buông xuôi, có chữ Soái hay Tướng bên trong, dùng cho quân hầu đi hội yến như Quan Công hầu cờ trong “Giang Đông phó hội”.
11. Phất trần: đạo cụ làm bằng một cán tre dài khoảng 0.20m, trên đầu buộc một túm lông đuôi ngựa, dài độ 0.3m. Người cầm phất trần là bậc tu tiên, thoát ly thế tục (Lý Tịnh trong tuồng Hồ Nguyệt Cô) hoặc địa tiên, loài cầm thú tu đắc đạo thành người (Dư Hồng tuồng Lưu Kim Đính), phe phẩy trước ngực như người cầm quạt, ý nói phủi sạch bụi trần gian.
12. Quạt: là loại đạo cụ cầm tay của diễn viên. Cây quạt vải vàng có thêu rồng giúp thêm vẻ uy nghi của nhà vua, cây quạt hoa giúp công chúa cầm tay, che mặt. Cây quạt dùng cho lão thái sư gian thần phe phẩy trên đĩnh đầu mình. Ngoài ra còn có cây quạt hầu to tướng để cung nữ hầu cạnh đức vua hoặc hoàng hậu.
13. Ấn: Ấn vua hay ấn soái hình giống chiếc hộp nhỏ sơn vàng (vua) hay đỏ (tướng) dùng trong các tôn vương hay tôn soái. Ấn còn được cách điệu bằng một khối gỗ vuông đặt trên bàn để khi cần đóng ấn vào chiếu chỉ hay công văn. Gặp lúc nóng giận, nhà vua hay vị tướng thộp lấy chiếc ấn, đạp xuống bàn nghe bốp bốp từ đó, chiếc ấn còn có tên là “cục thộp” hay “cục giận”.
14. Bàn ghế: sân khấu hát bội bài trí đơn giản bằng một cái bàn, 2 cái ghế có lưng tựa, 2 cái đôn, ở giữa có ngai vua. Chính nơi đây có thể là cung vua, nhà giàu, nhà nghèo, núi rừng… Bàn ghế được che phủ bằng những tấm vải có thêu hoa văn cho phù hợp với bộ bàn tàn trướng và phục trang của diễn viên, người ta gọi đó là quần bàn, áo ghế.
15. Biểu văn: là tấm vải, hai đầu cặp thẻ tre, cuốn lại cầm tay
16. Bộ bút nghiên: Gồm cái khay, ống đựng cây bút, một cái nghiên và một cây mực. Dùng để vua phê chiếu, quan viết biểu văn, hoặc các nhân vật lập tờ để vợ, làm giấy cam đoan.
17. Bộ đồ rượu: Gồm một cái khay, một bát bầu và hai cái chén nhỏ, dùng để thết khách. Chỉ với bộ đồ rượu đơn giản đó, khán giả hiểu là một bàn tiệc thịnh soạn, linh đình.
18. Bộ đồ trà: Gòm một cái khay, một cái bình và hai chén nhỏ, dùng tiếp khách trong các nhà quan, nhà giàu.
19. Bộ tàn trướng: Bộ đồ trang trí cho sân khấu đình miếu khi có hát bội. Bộ tàn trướng gồm có bộ tàn soái (Tàn: chiếc lọng làm bằng vải thêu rồng, phụng treo dưới mái nhà, dài hơn 1m – soái là lá cờ vải thêu hoa văn, ở giữa có chữ Soái hoặc Tướng) và bộ trướng (gồm tấm trướng ở giữa bằng gấm thêu rồng phụng, hai bên có sáu tấm nghin môn thêu tử linh, treo ngăn cách sân khấu và hậu trường).
20. Cung tên: giống như cung tên ngoài đời. Trên sân khấu, mỗi lần bắn cung người diễn viên dương cung, buông tên, mũi tên không bay tới, mà chập ngược trở về dây cung, người bị bắn sẽ dung mũi tên khác cắm vào mình, diễn tả bị trúng tên, như lớp Tiết Đinh San bắn lầm Tiết Nhơn Quý vì phát hiện Bạch Hổ (Đường Chinh Tây)
21. Lệnh bài: là một miếng gỗ mỏng, dày chừng nửa phân, nhỏ, hình chữ nhật có thể nắm gọn trong lòng bàn tay là tượng trưng cho quyền hạn và uy lực tối thượng.
Những loại đạo cụ giới thiệu như trên đa số được dùng biểu diễn các vở tuồng cổ, tuồng cung đình. Ngoài những đạo thường được sử dụng như trên thì tùy theo nội dung các vở tuồng mang tính dân gian, dân dã thì sử dụng thêm các loại đạo cụ như nón, gậy, búa, rìu, thúng… những loại đạo cụ này cũng được chế tác và sử dụng như trong cuộc sống hằng ngày.
Hòa chung với Nghị quyết V của Ban chấp hành TW khóa III về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng một nền sân khấu vừa mang tính cổ truyền vừa kết hợp hiện đại, nhiều vở tuồng với đề tài hiện đại ra đời. Các loại đạo cụ phù hợp với nội dung tuồng hiện đại cũng phong phú hơn. Ngày nay với dụng cụ máy móc tiên tiến, kiến thức cũng nâng cao, nhiều sáng kiến, người ta có thể tái chế lại các phục phẩm và đạo cụ cổ xưa. Theo đó, sự bài trí đạo cụ trên sân khấu có thêm những thứ cải tiến mới hơn, lộng lẫy, rực rỡ hơn như lọng vàng có thêm tua rua nhiều màu sắc, tàn quạt bằng lông chim phượng nhiều màu sắc, lệnh bài lệnh tiễn, cờ theo những màu sắc đẹp, bắt mắt… làm cho cảnh trí thêm rực rỡ, huy hoàng. Điều này góp phần làm cho vở tuồng đạt kết quả mỹ mãn, giá trị nghệ thuật cao, diễn viên hứng khởi, diễn xuất linh hoạt, hay thêm vì cảm nhận được như nhập thân vào vai mình đóng, góp phần truyền tải giá trị to lớn của loại hình nghệ thuật cổ truyền dân tộc đến với khán giả.
BÀI VIẾT CỦA NHÀ HÁT TUỒNG NGUYỄN HIỂN DĨNH
DỰA TRÊN TƯ LIỆU SƯU TẦM CỦA CÁC THẦY