Định nghĩa nhân hóa là gì, cách nhận biết biện pháp nhân hóa, các kiểu nhân hóa, ví dụ về nhân hóa và bài tập minh họa dễ hiểu.
“Nhân hóa là gì?” Chắc hẳn đây không phải là thắc mắc của riêng học sinh nào khi bước đầu tiếp cận với biện pháp tu từ này. Trên thực tế biện pháp nhân hóa vô cùng thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Nhân hóa cũng được sử dụng rất phổ biến trong văn chương. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu các kiến thức xoay quanh biện pháp nhân hóa nhé.
Nhân hóa là gì?
Phép tu từ nhân hóa là việc dùng các từ ngữ sử dụng khi miêu tả con người để gọi tên, miêu tả con vật, đồ vật hay sự vật nào đó. Từ đó khiến sự vật, hiện tượng đó trở nên hấp dẫn, sinh động và gần gũi hơn.
Vậy cách nhận biết phép nhân hóa là gì? Các em hãy thực hiện những bước sau:
Bước 1: Chỉ ra sự vật nào được nhân hóa, các từ ngữ dùng để nhân hóa sự vật là gì.
Bước 2: Chỉ ra tác dụng của biện pháp nhân hóa
- Tăng tính gần gũi, thân thiết của sự vật với con người
- Giúp thể hiện tình cảm của sự vật cũng như của tác giả đối với sự vật
Các hình thức nhân hóa
Dùng các từ nhân xưng, từ gọi người để gọi vật
Gọi vật bằng các từ như bác, anh, em, cậu, bạn…
Ví dụ: chị sáo sậu, chú dế mèn, ông mặt trời, bác chim ri…
Dùng từ hoạt động của người cho vật
Dùng các từ ngữ chỉ hoạt động hay đặc tính của người để miêu tả hoạt động, đặc tính của vật.
Ví dụ: Dòng sông uốn mình: “uốn mình” là từ ngữ chỉ hoạt động của con người
Ông mặt trời ban phát tia nắng: “ban phát” là hoạt động được con người thực hiện
Trò chuyện xưng hồ với vật như với người
Ví dụ: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
Vật tự xưng là người
Ví dụ: Tớ là chiếc xe lu
Các bài tập về phép nhân hóa
Bài 1: Tìm và nêu tác dụng của biện pháp nhân hóa trong đoạn văn dưới đây:
“ Bến cảng lúc nào cũng đông vui. Tàu mẹ, tàu con đậu đầy mặt nước. Xe anh, xe em tíu tít nhận hàng về và chở hàng đi. Tất cả đều bận rộn.”
Đáp án
Hình ảnh nhân hóa được thể hiện ở các từ ngữ như: bến cảng đông vui, tàu mẹ, tàu con, xe anh, xe em, tíu tít, bận rộn
Tác dụng của biện pháp nhân hóa:
- Giúp cho khung cảnh nơi bến cảng trở nên sinh động và gần gũi hơn với người đọc, người nghe. Gợi liên tưởng đến một bến cảng đông đúc, nhộn nhịp với nhiều tàu thuyền.
- Miêu tả niềm vui, sự phấn khởi của con người trong quá trình lao động và sự tấp nập, khẩn trương trong nhịp độ lao động.
- Thể hiện niềm hạnh phúc, sự tự hào của tác giả khi trông thấy quang cảnh bến cảng.
Bài 2: Nêu cách hình thành biện pháp nhân hóa và tác dụng
- Núi cao chi lắm núi ơi – Núi che mặt trời chẳng thấy người thương!
- Nước đầy và nước mới thì cua cá cũng tấp nập ngược xuôi, thế là bao nhiêu cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng két ở các bãi sông xơ xác tận đâu cũng bay về kiếm mồi.
Đáp án
Câu a:
- Từ nhân hóa “ơi”
- Biện pháp nhân hóa: trò chuyện với vật như với người
- Tác dụng: Khiến cho ngọn núi vô tri vô giác như cũng như có hồn. Từ đó giúp người nói có thể giãi bày suy nghĩ của mình với ngọn núi.
Câu b:
- Từ nhân hóa “tấp nập”
- Biện pháp nhân hóa: Dùng từ chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động của vật
- Tác dụng: Giúp người đọc/người nghe dễ dàng hình dung ra cuộc sống của những loài vật ở bãi sông.
Trên đây là khái niệm nhân hóa là gì cũng như cách nhận biết biện pháp tu từ nhân hóa và các hình thức nhân hóa. Mong rằng bài viết này đã cung cấp cho các em học sinh những kiến thức hữu ích.
- Xem thêm: Ẩn dụ là gì? Các hình thức ẩn dụ và ví dụ minh họa
Thuật Ngữ –