Ngày 07/8/2018, tại Phòng Khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP. HCM, một bệnh nhân nữ, sinh năm 1976, sống tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã đến khám bệnh do có triệu chứng ngứa, sưng mí mắt, nổi mẫn đỏ trên da.
Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy trên mặt của bệnh nhân đã phát hiện thấy một vài ấu trùng mò (Hình 1).
Hình 1. Hình thể ấu trùng mò tìm thấy trên mặt bệnh nhân
(1. A: Độ phóng đại 100X; 1. B: Độ phóng đại 400X)
Mò và bệnh sốt mò
Mò (Acari: Trombiculidae) phân bố khắp thế giới và ký sinh trên nhiều động vật xương sống. Ở những vùng địa lý khác nhau, mò có tên gọi khác nhau như: Bắc Mỹ, châu Á (Harmòst bug, harmòst mite, harmòst lice, red bug, red mite, berry mite, scrub-itch mite), châu Âu (Harmòst mite), Pháp (Aoutats, rouget, bête rouge), Ireland (Orange tawny), Đức (Augustelingen), Nam Mỹ (Bicho colorado, coloradilla, ácaro rojo), Peru (Isango), Mexico (Tlazahuate), Mònezuela (Coloradita, chivacoa) [1].
Trombiculidae là một trong những họ lớn nhất của nhóm mò bét, bao gồm hơn 3.000 loài [1], hơn 50 loài có khả năng đốt người, và khoảng 20 loài có vai trò y học quan trọng. Năm 2017, Nguyễn Văn Châu, đã thống kê họ mò Trombiculidae ở Việt Nam có 99 loài, 25 giống, 2 phân họ [2].
Mò vừa là vật chứa vừa là véc tơ của O. Tsutsugamushi gây bệnh sốt mò. Mò bị nhiễm tác nhân gây bệnh thông qua cơ chế lan truyền lan truyền dọc là chính (mò bị nhiễm O. tsutsugamushi sẽ truyền sang các thế hệ sau). Lan truyền ngang từ động vật bị nhiễm bệnh truyền sang mò thường ít xảy ra, và các vi khuẩn lây truyền theo cách này thường không được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Mò đốt các động vật gậm nhấm dễ lan truyền Orientia hơn các động vật khác. Tuy nhiên, vi khuẩn O. tsutsugamushi chỉ có thể được truyền sang người theo cơ chế lan truyền dọc [7].
Bệnh sốt mò hay bệnh tsutsugamushi (từ tiếng Nhật: tsutsuga = bệnh; mushi = mò) là một bệnh lan truyền bởi ấu trùng mò ở giai đoạn cấp tính, bệnh có thể dẫn đến tử vong. Bệnh khó phân biệt với các bệnh sốt khác, bệnh phổ biến ở các khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bệnh lây truyền sang người qua vết đốt của mò thuộc giống Leptotrombidium spp. và tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Orientia tsutsugamushi. Các nghiên cứu khác cho thấy các loài Orientia khác cũng là tác nhân gây ra bệnh giống như sốt mò.
Tác nhân gây bệnh sốt mò là O. tsutsugamushi (trước đây gọi là Rickettsia orientalis hoặc Rickettsia tsutsugamushi), là một α-proteobacteria đã được phân loại lại là một giống mới tách ra từ Rickettsia dựa trên kiểu hình và kiểu gien khác nhau. Orientia khác Rickettsia về mặt cấu trúc của tế bào, kháng nguyên, và kích thước bộ gien gần gấp đôi kích thước của bộ gien Rickettsia [5]. Có ba chủng gốc: Gilliam, Karp, và Kato; Tuy nhiên, hơn 20 tuýp huyết thanh kháng nguyên khác nhau đang hiện diện trong các vùng lưu hành bệnh, và hiện đang có hơn 70 chủng O. tsutsugamushi đã được biết đến [6]. Mò là môi trường sống thích hợp cho tác nhân gây bệnh này, nhưng chủng O. tsutsugamushi có thể đã bị biến đổi ở các vùng địa lý khác nhau, kết quả là túyp huyết thanh khác nhau tùy thuộc vào vùng phân bố [1].
Hình 2. Chu trình dịch tễ học của bệnh sốt mò. O. tsutsugamushi tồn tại ở giai đoạn mò trưởng thành và mò thanh trùng (3-6) và mò lan truyền cho các các thế hệ sau qua lan truyền dọc (1-2) [4]
Sốt mò thường xuất hiện theo mùa phụ thuộc vào thời điểm xuất hiện của mò do con người bị nhiễm qua vết đốt của ấu trùng mò. Ở vùng ôn đới, mùa xuất hiện bệnh sốt mò chủ yếu là vào mùa thu, đôi khi cũng xuất hiện vào mùa xuân. Hơn 45 loài mò mang tác nhân truyền bệnh O. tsutsugamushi trong tự nhiên, nhưng chỉ có loài Leptotrombidium pallidum, L. akamushi, L. scutellare, L. deliense, L. arenicola, L. imphalum, L. chiangraiensis, L. fletcheri, L. gaohuensis, và L. Pavlovsky đã được chứng minh là véc tơ truyền bệnh sốt mò [8, 9].
Viêm da do mò gây ra có nhiều tên gọi khác nhau như: Trombiculiasis, trombiculosis, trombidiosis, chigger dermatitis, scrub itch, hoặc seasonal dermatitis. Nó gây ra phản ứng dị ứng ở da do nước bọt của mò tiết ra khi đốt người, bệnh này phổ biến ở Mỹ, châu Âu và cũng thường dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. [9].
Hơn 3.000 loài mò đã được biết, nhưng khoảng 15 loài thường xuyên đốt người và vật nuôi gây ra phản ứng ở da. Các loài được xem là nguyên nhân gây viêm da thường gặp nhất là E. alfreddugesi ở châu Mỹ, N. autumnalis ở châu Âu, Eutrombicula batatas ở Nam Mỹ, và Eutrombicula wichmanni ở khu vực Đông Nam Á, Úc, và các đảo Thái Bình Dương [10].
Hình 3. Viêm da do mò đốt [10]
Mò phát triển qua 4 giai đoạn chính: trứng (egg), ấu trùng (larva), thanh trùng (nymph), trưởng thành (adult) và 3 giai đoạn phụ: thanh trùng giai đoạn 1 (protonymph), thanh trùng giai đoạn 2 (deutonympha) và thanh trùng giai đoạn 3 (tritonymph) (Hình. 2). Trứng được đẻ trên đất; mỗi ngày từ 1-7 trứng. Trứng phát triển thành tiền ấu trùng trong thời gian 4-7 ngày [3, 4].
Từ tiền ấu trùng đến ấu trùng diễn ra từ 8-10 ngày. ấu trùng rất nhỏ bé, chiều dài 200-2000 micron; chiều rộng 150-660 micron. Sau khi nở, ấu trùng bò trên cỏ hoặc những bụi cây thấp, đám lá mục để đợi vật chủ như chim, thú, bò sát hay người đi qua để bám vào ký sinh. Khi ký sinh trên người, mò chọn những nơi kín đáo, nơi quần áo bó sát da, thắt lưng, bẹn, nách. Vết đốt của mò có thể gây ngứa ngáy và dị ứng da. Ấu trùng mò bám vào da vật chủ để kiếm ăn trong thời gian từ 2 ngày đến 1 tháng, tùy theo từng loài (Rozeedaal, 1998). Sau đó chúng rơi xuống và chui vào đất nằm im không hoạt động trong 2-3 ngày; để phát triển sang nhộng thanh trùng cần 2 hoặc 3 ngày nữa. Sau đó 6-7 ngày nhộng thanh trùng nở ra thanh trùng (nymph), có 8 chân. Thanh trùng giống như mò trưởng thành về hình dáng ngoài, nhưng nhỏ hơn và chưa phân biệt đực, cái. Giai đoạn thanh trùng chiếm 20-26 ngày sau đó thêm 2-3 ngày nữa thì chuyển sang giai đoạn III thanh trùng (tritonymph). Sau 10 ngày thanh trùng lột xác thành mò trưởng thành. Mò trưởng thành lớn hơn ấu trùng một tí, có màu đỏ sáng hay nâu đỏ [3, 4].
Hình 4. Vòng đời phát triển của mò (Trombiculidae). (1) mò cái đẻ trứng; (2) ấu trùng ba chân; (3) thanh trùng giai đoạn 1; (4) thanh trùng giai đoạn 2; (5) thanh trùng giai đoạn 3 [4]
Thanh trùng và trưởng thành, cơ thể có hình số tám 8, phủ nhiều lông phân nhánh, có 4 đôi chân và sống tự do trong đất, rác và các chất nền khác; thức ăn của chúng là nhộng và ấu trùng của các chân đốt khác [3, 4].
Biện pháp phòng chống mò
Diệt mò, tiêu hủy ổ mò và bảo vệ cá nhân.
Ở những nơi có lưu hành sốt mò nặng, ổ mò hình thành có thể nhiều, không thể cùng lúc diệt nhiều ổ được. Bởi vậy cần phát hiện và diệt trước tiên những ổ mò có liên quan nhiều đến hoạt động của người như xung quanh làng bản, doanh trại quân đội, cơ quan, bến tàu xe, tăng gia vv…
Cải tạo môi trường:
Phát quang bờ bụi, quét nạo sạch mùn đất, rác rưởi, làm nơi đó trở nên kho ráo, san bằng những chổ mấp mô, nện chặt những nơi khẽ đất vv.. mặt khác, đẩy mạnh công tác diệt chuột và các vật chủ của mò.
Sử dụng hóa chất diệt mò:
Diệt mò trên đất, trong hang ổ súc vật, trên những bãi cỏ, bụi rậm, thuốc có hiệu quả nhất là hóa chất thuộc nhóm pyrethroid (Permethrin, Deltamethrin, γ-cyhalothrin, λ-cypermethrin) bằng phun tồn lưu.
Bảo vệ cá nhân:
Tuyệt đối không nằm đất, sàn phải cao ít nhất 0.40m
Không phơi, treo quần áo trên cỏ nhất là khi tắm suối, sông.
Phải đi dày, thắt ống quần áo khi đến khu vực có nhiều mò; Không ngồi bệt xuống đất bãi cỏ.
Không mặc quần đùi, áo cộc khi làm việc đi lại trong rừng, nên bôi hóa chất xua côn trùng lên những chỗ da hở: DMP, DETA. Trong những điều kiện phải thường xuyên tiếp xúc với vùng nhiễm mò, cách tốt nhất là tẩm quần áo bằng hóa chất và cho quần vào trong tất. Quần áo có thể tẩm bằng một hoặc hợp chất của các chất xua với một hóa chất thuộc nhóm pyrethroid (permethrin, cyfluthrin).
Hàng ngày vào buổi chiều nên giũ, phủi quần áo cho sạch mò lấy khăn ướt lau nách bẹn và toàn thân, nếu thấy nốt loét phải điều trị dự phòng khẩn cấp.
Điều trị dự phòng khẩn cấp
Điều trị bệnh nhân bằng Tetracycline 2 gam/ngày đầu,và 1 gam/24 giờ ngày sau, tới khi cắt sốt 2-3 ngày, tổng liều 6-7 gam; hoặc Doxycycline 100-200 mg/24 giờ, tiếp theo 100 mg/24giờ những ngày sau; hoặc Chlorocid nếu Tetracycline chống chỉ định; khi can thiệp sớm (trong 3 ngày đầu), sau 6 ngày nghỉ thuốc, nên chỉ định đợt II trong 3-4 ngày, để chặn tái phát; khử trùng, tẩy uế hàng ngày và lần cuối không có ý nghĩa cắt lây lan; thu dung: thể thông thường điển hình tại bệnh xá; thể nặng có biến chứng tại Bệnh viện; tiêu chuẩn ra viện: hết sốt 7 ngày, ổn định [11].
TS. Đoàn Bình Minh, ThS. Đỗ Thị Phượng Linh
CN. Phạm Thị Thu Giang, CN. Nguyễn Thị Lài
Tài liệu tham khảo:
- Fournier PE, Siritantikorn S, Rolain JM, Suputtamongkol Y, Hoontrakul S, Charoen‐ wat S, Losuwanaluk K, Parola P, Raoult D. Detection of new genotypes of Orientia tsutsugamushi infecting humans in Thailand. Clin Microbiol Infect. 2008; 14:168-173.
- Nguyễn Văn Châu. (2017), “Các loài động vật chân đốt ký sinh đã phát hiện ở Việt Nam”. Hội nghị côn trùng toàn quốc, lần thứ 9, Tr. 770 – 782.
- Nguyễn Văn Châu, Đỗ Sĩ Hiển, Nguyễn Thu Vân (2007), Họ Mò đỏ Trombiculidae – Acarina, Bọ chét Siphoapter. Động vật chí Việt Nam. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, Tập 16, 306.
- A. F. Azad. (1986). Mites of public health importance and their control. World health organization.
- Traub R, Wisseman CL, Jones MR, O’Keefe JJ. The acquisition of Rickettsia tsutsugamushi by chiggers (trombiculid mites) during the feeding process. Ann NY Acad Sci. 1975; 266:91-114.
- Tamura A, Ohashi N, Urakami H, Miyamura S. Classification of Rickettsia tsutsugamushi in a new genus, Orientia gen. nov., as Orientia tsutsugamushi comb. nov. Int J Syst Bacteriol. 1995; 45(3):589-591.
- Seong SY, Choi MS, Kim IS. Orientia tsutsugamushi infection: overview and immune responses. Microbes Infect. 2001; 3:11-21.
- Kim IS, Walker DH. Scrub Typhus. In: Guerrant RL, Walker DH, Peter WF (ed.). Tropical infectious diseases. Principles, pathogens and practice. 3th edition. Elsevier; 2011. p334-338.
- Mullen G, O’Connor B. Mites (Acari). In: Durden L, Mullen G (ed.). Medical and Veterinary Entomology. Academic Press. 2002. p449-516.
- Arlian LG. Chiggers and Other Disease-Causing Mites. In: Resh VH, Cardé RT (ed.). Encyclopedia of Insects. Second edition. Elsevier; 2009. p152-156.
- http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1124/benh-sot-mo