Đề bài: Em hãy chứng minh câu tục ngữ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”
Bài làm
Nhân dân ta có câu “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Thật vậy từ xưa đến nay đạo lí tôn sư trọng đạo luôn được đề cao trong xã hội. Người thầy tuy không có công sinh ra ta nhưng lại có công giáo dục, dìu dắt nâng đỡ bước chân ta không bị lạc lối trên con đường đời. Những bài học về đạo lí, kiến thức của ta chính là nhờ thầy chỉ bảo, dẫn dắt. Cho nên công lao của người thầy là vô cùng to lớn mỗi chúng ta cần mãi mãi khắc ghi. Tục ngữ Việt Nam đã gói trọn lời căn dặn ấy thông qua câu nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là câu nói dùng từ Hán Việt. Trong đó, “Nhất” là một, “Tự” là chữ, “Vi”: là, “Bán” nghĩa là nửa, “Sư” là thầy. Như vậy câu nói có ý nghĩa một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thông qua câu tục ngữ trên dân gian muốn nhắc nhở chúng ta về đạo thầy trò, phải biết tôn sư trọng đạo, tôn trọng, kính yêu và nhớ ơn thầy cô.
Đối với người Việt chúng ta “Công cha-Nghĩa mẹ-Ơn thầy” là ba công lao lớn nhất mà mỗi người cần phải khắc ghi. Cha mẹ là người có công sinh thành và thầy cô chính là người đã giáo dục góp công to lớn trong việc định hướng phát triển nhân cách của mỗi người. Khi cha mẹ sinh ra chúng ta như một tờ giấy trắng ngây ngô không biết gì. Khi ta được cắp sách đến trường được tiếp thu những tri thức mới ta bắt đầu viết lên tờ giấy trắng kia những bài học đường đời đầu tiên. Thầy cô không chỉ là người cho ta tri thức mà còn dạy ta cách biết rung cảm với cái đẹp ở đời, dạy ta biết yêu thương , biết ăn ở,…Thầy cô được ví như người cha người mẹ thứ hai trong cuộc đời của chúng ta. Chính vì vậy ta luôn phải nhớ ơn, khắc ghi công lao của thầy cô.
Ai trong chúng ta ắt hẳn cũng biết đến Khổng Tử một nhà hiền triết lỗi lạc, một thầy giáo nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Với kiến thức uyên thâm của mình ông được rất nhiều học trò theo học. Người xưa còn kể về điển tích “Chuyện nồi cơm của Khổng Tử”. Thời Đông Chu chiến tranh liên miên, nhân dân đói khát, Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong đám học trò đó có hai học trò yêu của ông là Nhan Hồi và Tử Lộ. Chuyến đi đó trải qua bao khó khăn, gian lao, vất vả, đói khát học trò của ông vẫn một lòng theo thầy đến cùng. Khi sang đến nước Tề họ may thay được cho ít gạo nấu cơm. Khổng Tử cử học trò mà ông đặt niềm tin nhất là Nhan Hồi đi nấu. Trong lúc ngồi đọc sách trên nhà Khổng Tử bất ngờ thấy Nhan Hồi mở vung nồi cơm và nắm những nắm cơm nhỏ. Ông đã vô cùng thất vọng cho rằng học trò vụng thầy vụng bạn. Ông đâu biết được rằng vì nồi cơm bị bụi bẩn mà Nhan Hồi đã ăn chỗ cơm bẩn đó phần thầy và bạn phần cơm sạch. Qua câu chuyện ta thực sự thấy khâm phục tấm lòng cũng như nhân cách của Nhan Hồi. Hành động tuy nhỏ nhưng lại chứng minh rằng người học trò này luôn biết ơn và kính trọng người thầy của mình. Đó chính là phẩm chất mà mỗi học trò chúng ta cần noi theo.
Câu chuyện kia cũng nhắc nhở về cách nhìn người. Khổng Tử cũng vì thấy cái trước mắt mà hiểu nhầm học trò của mình. Cho nên thông qua đây ta cũng thấy rằng mỗi người thầy cũng cần có cái nhìn đa chiều về học trò, luôn luôn trau dồi làm mới mình, tích lũy tri thức để truyền đạt nhiều nhất có thể cho học trò.
Bên cạnh đó, dân gian lại có câu “Học thầy không tày học bạn”. Câu nói này không phải hạ thấp vai trò người thầy mà nhân dân muốn nhắn nhủ chúng ta không chỉ học kiến thức trong nhà trường mà còn cần học từ những người xung quanh. Thầy của chúng ta không chỉ là thầy cô ở trường lớp mà còn là những người xuất hiện trong cuộc sống giúp ta có thêm những bài học đường đời bổ ích.
“Không thầy đố mày làm nên” nếu không có thầy cô thì chúng ta không thể trưởng thành một cách toàn vẹn về tri thức cũng như đạo đức. Vì thế mỗi người cần luôn ghi nhớ công lao người thầy của mình. Câu tục ngữ đúng đắn đã cho ta bài học sâu sắc về đạo lí làm người.
Minh Nguyệt