Nhiều cây sống ngàn năm, liệu có cây nào bất tử?

Nhiều cây sống ngàn năm, liệu có cây nào bất tử? - Ảnh 1.

Cây thông bristlecone 5.000 năm tuổi ở California, Mỹ – Ảnh: ATLASOBSCURA

Theo thống kê không đầy đủ, thế giới có khoảng hơn 500.000 loài thực vật, gồm thực vật có hạt, rêu, dương xỉ và cận dương xỉ.

Hầu hết thực vật trên Trái đất đều có vòng đời. Một số loài như ngũ cốc, rau ngắn ngày thường sẽ già và chết, một số loài sống vài chục hay hàng trăm năm, nhưng một số ít cây lại sống tới vài nghìn năm. Nhiều cây cổ thụ hiện vẫn đang còn sống và được bảo vệ nghiêm ngặt.

Một câu hỏi được giới khoa học tranh cãi từ lâu là: nếu không vì những lý do ngoại cảnh thì các cây này có trường sinh bất tử hay không.

Nhiều nhà khoa học lập luận rằng thực sự có những loài cây bất tử. Nhưng nghiên cứu mới được công bố hôm 27-7 trên tạp chí Trends in Plant Science của Đại học Barcelona, ​​Tây Ban Nha, lại cho thấy cây không bất tử. Ngay cả những cây cổ đại nhất thế giới cuối cùng cũng sẽ chết.

Nhiều cây sống ngàn năm, liệu có cây nào bất tử? - Ảnh 2.

Cây thủy tùng 4.000 năm tuổi ở Wales, Anh – Ảnh: JEFF BUCK

Theo giáo sư sinh vật Munné-Bosch, những cây cổ thụ trên thế giới sống rất lâu bởi vì chúng có nhiều cơ chế để giảm bớt sự lão hóa.

Giáo sư Munné-Bosch thực hiện khảo sát về một số cây lâu đời nhất trên Trái đất, bao gồm cả cây bạch quả tại Nhật Bản, và nhận thấy không cho thấy bằng chứng nào về sự lão hóa ở những cây cổ thụ hàng thế kỷ.

Cây bạch quả được cho là có thể sống tới 1.000 năm, và ở tuổi 600, cây vẫn có thể quang hợp, sinh sản và tái tạo mô sống mới dưới vỏ cây hệt như khi nó chỉ được 20 năm tuổi.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu lão hóa không có nghĩa là chúng bất tử. Những cây này cũng có những hạn chế nhất định để giảm đi khả năng sống lâu. Ví dụ, càng lâu năm thì các mô sống được cây tạo ra càng mỏng và yếu.

“Tuy nhiên khi nào chúng chết là câu hỏi không trả lời được”, giáo sư Munné-Bosch thừa nhận.

Do cây cổ thụ khá hiếm trên thế giới nên việc nghiên cứu chúng rất khó khăn. Tìm thấy một cây chết vì ảnh hưởng lão hóa tự nhiên thậm chí còn hiếm hơn.

Hầu hết cây chết vì các nguyên nhân khác, bao gồm gió lốc, sâu bệnh, cháy rừng và con người khai thác.

Quan trọng hơn cả là tuổi thọ của con người quá ngắn so với một cây cổ thụ. Một nhà khoa học dù dành cả đời để nghiên cứu một vấn đề về một loài cây thì cũng chỉ hiểu được một phần bí mật rất nhỏ trong vòng đời cây ấy. Sang đến đời nhà khoa học hậu bối thì phương pháp nghiên cứu hoặc kiến thức thu thập được có thể đã lỗi thời.

Tiếc nuối nhìn cây cổ thụ ở Cung Thiếu nhi Hà Nội bị chặt bỏ Tiếc nuối nhìn cây cổ thụ ở Cung Thiếu nhi Hà Nội bị chặt bỏ

TTO – Cây xà cừ cổ thụ trước sân Cung Thiếu nhi Hà Nội gắn bó kỷ niệm với bao thế hệ người Hà Nội vừa bị chặt bỏ, chỉ còn đống gỗ ngổn ngang và vết gốc cây trên mặt đất như vết thương hở miệng khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Rate this post

Viết một bình luận