Thực trạng trên xảy ra tại Công viên Văn Lang (quận 5, TP HCM). Điều đáng nói là tình trạng cây xanh hàng chục năm tuổi (cổ thụ) chết dần chỉ xảy ra trong công viên, còn hàng cây bên ngoài, dọc các tuyến đường Hùng Vương, An Dương Vương, Ngô Gia Tự…, vẫn xanh tốt và rợp bóng.
Ngỡ ngàng đến khó tin
Khu vực tập trung nhiều cây chết nằm ở phía khán đài công viên – nơi phục vụ việc tổ chức các chương trình. Những cây chết đã cưa trụi ngọn, đứng chơ vơ. Quan sát tại các gốc cây ở Công viên Văn Lang, dù xung quanh đều có khoảng đất hở nhưng nhiều gốc, nước vẫn đọng thành vũng, không ngấm xuống dưới dù không có dấu hiệu vừa tưới hay có mưa.
Anh Lê Nguyễn Minh, một kiến trúc sư đang làm việc tại TP HCM, khẳng định quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy nhiều cổ thụ tại Công viên Văn Lang đang sinh trưởng kém, trong khi những cây này thuộc họ dầu, lim xẹt, tuổi đời dài. Biểu hiện rõ nhất là cây chết, yếu tập trung ở công viên, không có ở xung quanh. Các cây chưa chết cũng èo uột, còn lưa thưa các tán lá, nhánh khô nhiều hơn. “TP đang mùa mưa và số lượng cây chết, yếu, chỉ tập trung một chỗ cho thấy cây xanh tại công viên đang bị tổn thương” – anh Lê Nguyễn Minh nhận định.
Hàng loạt cây xanh lớn tại Công viên Văn Lang (quận 5, TP HCM) chết khô, trong khi nhiều cây cũng sinh trưởng yếu Ảnh: GIA MINH
Ghi nhận vào buổi chiều mỗi ngày, nhiều người lui tới công viên tập thể dục, đa số là học sinh và người lao động như xe ôm, bán vé số… vui chơi, nghỉ mát. Thế nhưng, do các tán cây thưa dần nên nắng rọi thẳng xuống mặt sân bê-tông, hắt lên hơi nóng rát. Nhiều hàng ghế đá tại công viên cũng trơ trọi, không có người ngồi vì nắng nóng. Ông Phương, chạy xe ôm ở gần công viên, cho biết vài năm trước, khu vực này cây cối um tùm nhưng xảy ra nhiều tệ nạn. Sau này được xây thành công viên có đài phun nước, hệ thống đèn điện khang trang nên người dân rất phấn khởi.
“Vậy mà nhiều cây chết dần dù vẫn thấy công nhân cây xanh đến chăm sóc, tưới nước nên tôi nghĩ có vấn đề và rất tiếc. Chưa kể, những cây thiếu sức sống và đang có dấu hiệu chết dần rất dễ gãy cành, bật gốc, gây nguy hiểm. Việc cổ thụ ở công viên đua nhau chết khiến không chỉ tôi và rất nhiều người đi từ ngỡ ngàng đến khó tin. Tại sao các cây xanh cùng thời với các cây trong công viên ở các tuyến đường xung quanh luôn xanh tốt?” – vừa hỏi ông Phương vừa chỉ về những hàng cây xanh tốt xung quanh Công viên Văn Lang.
Do già cỗi?
Hai năm trước, tháng 5-2017, Công viên Văn Lang bắt đầu được “bê-tông hóa” làm quảng trường, sân khấu nhạc nước, thành điểm sinh hoạt văn hóa thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt, tập thể dục, vui chơi, giải trí… Toàn bộ công viên gần 10.000 m2 được lát đá granit cùng hệ thống đèn màu, hầm triển lãm hiện đại. Toàn bộ kinh phí cải tạo Công viên Văn Lang được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, theo một số người thường xuyên tới công viên này, sau khi công trình hoàn thành vào cuối năm 2017, dù khuôn viên bên trong trở nên khang trang, sạch đẹp và tệ nạn cũng giảm nhưng cũng từ lúc đó cây bắt đầu có dấu hiệu sinh trưởng yếu.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện UBND quận 5 (đơn vị quản lý Công viên Văn Lang) cho biết Công viên Văn Lang hiện tồn tại các loại cây lâu năm, thuộc họ dầu và lim xẹt. Tuy nhiên, người đại diện này cho rằng cây xanh đô thị cũng như các loài thực vật khác, có quá trình sinh lý bình thường nên khi già cỗi thì sẽ có dấu hiệu phát triển chậm, rụng lá. “Khi thấy cây có dấu hiệu yếu sinh trưởng, nguy cơ chết khô, UBND quận đã liên hệ các cơ quan, đơn vị chuyên ngành lên phương án phục hồi. Cụ thể, từ tháng 5-2018 đã bắt đầu lên phương án “giải cứu” cây xanh tại công viên này, trong đó giải pháp mở rộng thêm đường kính 1 m2 ở các bồn xung quanh gốc cây, đồng thời tăng cường bón phân, tưới nước” – đại diện UBND quận 5 thông tin.
Trả lời câu hỏi vì sao đến nay các cây xanh ở công viên ngày càng chết khô, theo chính quyền địa phương, năm 2018 khi phát hiện nhiều cây xanh có chiều hướng chết dần, quận đã nhờ Công ty TNHH Cây xanh Công Minh phối hợp Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 triển khai phương án truyền dịch dưỡng cây. “Sở dĩ chọn đơn vị này là bởi từng có kinh nghiệm cứu hàng loạt cây xanh ở TP Trà Vinh thành công. Rất tiếc tại đây không mang lại kết quả tốt nên quận đã thay đổi phương án chăm sóc cây” – đại diện UBND quận 5 cho biết.
Trong khi đó, theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM, đơn vị cũng vừa nhận được báo cáo đề xuất của UBND quận 5 về hướng xử lý cây chết tại Công viên Văn Lang. Trong đó, đề xuất Sở Xây dựng TP chấp thuận đốn hạ, di dời các cây không có khả năng phục hồi, bị chết và nguy cơ đổ ngã. Đồng thời, đang liên hệ với một số đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc bảo dưỡng cây xanh nhằm đưa ra đánh giá khách quan và có biện pháp xử lý khác.
Đơn vị này cho rằng từ khi thực hiện việc chỉnh trang lại Công viên Văn Lang đã cùng các chuyên gia cảnh báo về việc nâng nền, “bê-tông hóa” có thể gây họa cho cây xanh, song những cảnh báo đó được cho là không có tác dụng và minh chứng là tình trạng nhiều cây đang chết khô tại công viên.
Tiếc, xót
Chứng kiến nhiều cổ thụ lớn tại công viên đang dần biến mất, không ít người cho biết họ không chỉ tiếc nuối mà còn bức xúc. “TP đang thiếu trầm trọng mảng xanh và để trồng được một cây lớn như vậy tốn hàng chục, hàng trăm năm, với bao công sức nuôi dưỡng, chăm sóc. Vì vậy, khi thấy những cây rợp bóng mát đang chết dần, tôi cảm thấy tiếc nuối, xót xa” – chị Hạ Giang (ngụ quận 5, TP HCM) chia sẻ.
Theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh, TP HCM hiện có trên 102.000 cây xanh, trong khi nhân viên chăm sóc, quản lý rất ít. Trung bình một người phải chịu trách nhiệm kiểm tra bằng mắt thường hơn 1.000 cây/ngày, trong khi đó thiết bị kỹ thuật để đoán bệnh, nắm bắt được sự sinh trưởng cây xanh lại đang rất hạn chế.