Eat clean có thể tác động tích cực tới sức khỏe nhờ việc ăn uống lành mạnh hơn. Tuy nhiên, cần tránh để khái niệm này trở thành gánh nặng về tâm lý.
Thức dậy vào lúc 7h sáng, như thường lệ, L.Q.T. (24 tuổi, nhân viên truyền thông, trú tại Đống Đa, Hà Nội), uống một cốc nước đầy trước khi ăn sáng bằng bát sữa chua ngâm yến mạch đã chuẩn bị từ tối qua.
T. cũng tranh thủ lấy phần ức gà trong ngăn cấp đông của tủ lạnh để chuẩn bị luộc cho bữa trưa.
Những thực phẩm này đã đồng hành cùng T. trong gần một tháng qua. T. cho biết đã rất vui sau khi giảm tới 4 kg chỉ sau 3 tuần tuân thủ lời khuyên về “eat clean”. Tuy nhiên, T. bắt đầu cảm thấy “sợ” việc ăn uống và chán nản mỗi khi chuẩn bị tới bữa cơm.
Cách hiểu sai
Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mọi người đang hiểu và áp dụng không đúng về chế độ ăn “eat clean”.
“Eat clean có nghĩa là ‘ăn sạch’, lựa chọn các thực phẩm sạch, không bị ô nhiễm hoặc có hại cho sức khỏe, đồng thời duy trì sự cân bằng dinh dưỡng”, vị chuyên gia nêu khái niệm.
Việc hiểu sai và cố gắng “eat clean” có thể trở thành nỗi ám ảnh không cần thiết, thậm chí tác động không tốt tới sức khỏe. Ảnh minh họa: mike_von.
Tuy nhiên, hiện có nhiều người không lựa chọn thực phẩm theo những nguyên tắc này. Thay vào đó, một số trường hợp thậm chí chỉ uống nước hoa quả, số khác chỉ ăn thịt và rau củ quả để giảm cân, đốt mỡ.
PGS Nhung cho rằng việc cắt giảm quá nhiều carb (tinh bột, đường) trong khẩu phần ăn có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với cơ thể.
Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề trích dẫn nghiên cứu trên tạp chí Lancet năm 2018 cho thấy với chế độ ăn giảm tới 40% lượng carb (tức khoảng dưới 200 g gạo/ngày), những người áp dụng có nguy cơ bệnh tật và tử vong cao hơn tới 40%.
Ngoài ra, những người cắt bỏ carb còn có tình trạng choáng váng, ảnh hưởng tới giấc ngủ và tăng stress.
PGS Nhung nói thêm: “Các chế độ ăn ngắt quãng, tăng lượng thịt cũng gây mất cân bằng chất dinh dưỡng, gây tổn thương đường ruột, rối loạn tiêu hóa và giảm sức đề kháng của cơ thể”.
Huấn luyện viên Hồ Khánh Thiện (Hà Nội) cho biết về góc độ khoa học, “eat clean” không phải một chế độ ăn cụ thể.
“Eat clean không ‘thần thánh’, thậm chí là sai lầm nếu chúng ta cho rằng ‘clean’ là sạch, tốt và giảm cân trong khi những thứ không ‘clean’ là bẩn, không tốt”, HLV Khánh Thiện nói.
Mặt khác, vị chuyên gia này cảnh báo việc ám ảnh với “eat clean” thậm chí có thể trở thành một dạng bệnh lý với tên gọi “Eating disorder”.
Hiện tượng này gặp phổ biến ở những vận động viên chuyên nghiệp khi kết thúc hành trình thi đấu. Những người này có thể cảm thấy buồn nôn, nôn, chán/bỏ ăn hoặc ăn quá nhiều khi trở lại việc ăn uống bình thường trong xã hội.
Không có thực phẩm xấu hay tốt
Theo HLV Hồ Khánh Thiện, một số thực phẩm được cho là xấu và không “clean” thường xuất hiện 3 yếu tố:
- Góp phần vào việc gây dư thừa calo, từ đó tăng cân.
- Khiến cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng.
- Ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề về sức khỏe.
Với yếu tố đầu tiên, huấn luyện viên này khẳng định không có loại thức ăn nào khiến cơ thể đẩy nhanh tốc độ hay dễ tích mỡ hơn thực phẩm khác. Điều này cũng tương tự việc không có thực phẩm nào khiến chúng ta giảm cân.
“Nguyên nhân phổ biến nhất khiến một cốc trà sữa, một chiếc bánh kem khiến chúng ta dễ tăng cân là lượng calo trên mỗi đơn vị tiêu thụ của những loại đồ ăn này lớn hơn yến mạch, bánh mỳ đen,… nhưng lại ít mang lại cảm giác no hơn”, Khánh Thiện giải thích.
Tuy nhiên, điều này không khiến những món ăn kia trở nên “xấu”. Nhiều calo và ít đem lại cảm giác no hơn không đồng nghĩa chúng không có lợi ích với cơ thể. Mặt khác, chúng ta được quyền quyết định việc ăn chúng với lượng bao nhiêu.
“Kể cả với những món ăn lành mạnh, việc ăn thừa vẫn có thể khiến chúng ta tăng cân và bỗng trở nên ‘xấu’ theo định nghĩa trên”, HLV Khánh Thiện nhấn mạnh.
Nếu hamburger là “xấu”, bột mỳ, thịt bò hay cà chua cũng không nên ăn? Ảnh minh họa: haseeb_jamil.
Bên cạnh đó, với một số trường hợp, việc phải nạp các món ăn làm thỏa mãn tâm lý cũng như cung cấp nhanh một lượng calo với lượng ít lại rất quan trọng ở những thời điểm nhất định (thi đấu thể thao, stress,…).
Với yếu tố thứ 2 của một món ăn được cho là không lành mạnh, trên thực tế, không có thực phẩm nào khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Điều này trở nên rõ ràng hơn khi đặt trong ví dụ về hamburger. Nếu món ăn này được đánh giá là dạng calo rỗng, bẩn và xấu, bột mỳ, thịt bò, cà chua,… có lẽ sẽ không đem lại cho cơ thể chút dinh dưỡng nào.
Với yếu tố thứ 3, việc một thực phẩm gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể có thể đúng nhưng không phải theo hướng loại dầu này không tốt cho tim mạch, thực phẩm kia gây ung thư,…
HLV Khánh Thiện khẳng định: “Việc một loại thực phẩm có hại hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố gồm: Lượng chúng ta ăn và vấn đề của cơ thể”.
Trên thực tế, lượng các chất được xem là độc hại xuất hiện không nhiều trong đời sống thường ngày, đặc biệt ở thực phẩm. Trong khi đó, vấn đề cơ thể mới đáng được lưu tâm hơn như gluten với người bị dị ứng, vỏ động vật giáp xác ở trường hợp có phản ứng bẩm sinh,…
Nhìn chung, sự cân bằng và cân đối chung trong tổng thể chế độ ăn mới là điều cần chú ý.
Eat clean chỉ nên là sự lựa chọn
Theo GS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hệ miễn dịch của cơ thể như một thành trì với dinh dưỡng là nguyên liệu xây nên nó. Các “viên gạch” lúc này gồm protein (chất đạm), chất béo, carbohydrate,…
Các chất này đồng thời đóng vai trò mắt xích mấu chốt, truyền tin và giữ cho hàng rào miễn dịch luôn kết nối vững vàng, cung cấp nguồn năng lượng giúp hệ miễn dịch vận hành trơn tru, hiệu quả.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ăn uống cân bằng, lựa chọn đa dạng loại thực phẩm, đúng tháp dinh dưỡng, tránh chạy theo trào lưu ăn kiêng không phù hợp. Đồng thời, cần lắng nghe nhu cầu của cơ thể, thay đổi thói quen xấu, ăn uống lành mạnh hơn.
Với những người có mong muốn giảm cân, HLV Khánh Thiện cho hay xét trên tháp dinh dưỡng, yếu tố tác động mạnh nhất tới kết quả (80%) là tổng lượng calo và tỷ lệ các chất dinh dưỡng.
“Eat clean, theo định nghĩa hiện đại, là cách lựa chọn thức ăn. Tuy nhiên, chúng ta cần loại bỏ cách nghĩ sai lệch về việc phân biệt thực phẩm tốt, xấu, cần tránh món ăn không tốt, hay ‘eat clean’ làm giảm mỡ,…”, HLV Thiện nói.