Nhội – Công Dụng – Liều Dùng – Kiêng Kỵ

Tên khoa học: Bischofia javanica Blume

Mô tả: Cây gỗ lớn cao tới 15-20m. Lá kép mọc so le, cuống chung dài, mang 3 lá chét hình trứng, gốc và đầu đều nhọn, lá chét giữa lớn hơn hai lá bên, dài 10-15cm, rộng 5-6cm; mép lá chét khía răng cưa nông. Cụm hoa hình chuỳ, mọc ở nách lá, dài 6-13cm, cuống chung dài 2-3cm. Hoa đơn tính, màu lục nhạt. Quả thịt hình cầu, màu nâu, đường kính 12-15mm, mọc thành chùm thõng xuống.

Ra hoa tháng 2-3, quả tháng 6-8.

Bộ phận dùng: Rễ, vỏ thân, lá – Radix, Cortex et Folium Bischofiae Javanicae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố từ Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Inđônêxia, Philippin, Nhật Bản tới Ôxtrâylia. Thường mọc hoang ở rừng thưa, ẩm, ven suối có nhiều ánh sáng. Cũng được trồng làm cây bóng mát. Thu hái lá và ngọn non quanh năm, dùng tươi hoặc hái lá vào tháng 4-5 đem phơi hay sấy khô.

Thành phần hoá học: Lá chứa vitamin C và tanin. Vỏ thân chứa tanin. Hạt chứa một chất dầu khô. Trong 100g lá non có: nước 76,9g, protid 4,1g, glucid 13g, xơ 3,9g, tro 2,1g, caroten 2,6mg, vitamin 30mg.

Tính vị, tác dụng: Vị hơi cay, chát, tính mát; có tác dụng hành khí hoạt huyết, tiêu thũng, giải độc.

Công dụng: Quả Nhội ăn được. Ngọn, lá non, thái nhỏ, rửa kỹ, vò qua xào hoặc nấu canh ăn. Lá non cũng dùng để ăn gỏi cá. Lá và ngọn non dùng chữa: Ỉa chảy; Phụ nữ khí hư, bạch đới, viêm âm đạo, lở ngứa do trùng roi; Mụn nhọt, lở ngứa. Còn dùng chữa răng lợi sưng đau, đau họng.

Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch lá cây làm thuốc trị loét.

Ở Trung Quốc, người ta dùng vỏ thân và rễ trị phong thấp đau xương; dùng lá để trị ung thư đường tiêu hoá, ung thư dạ dày, viêm gan truyền nhiễm, trẻ em cam tích, viêm phổi, viêm hầu họng và dùng ngoài trị mụn nhọt, lở ngứa.

Rate this post

Viết một bình luận