Những năm tháng đầu đời là thời gian quan trọng nhất của các bé, vì đây là giai đoạn tiền đề để trẻ em hoàn thiện về mọi mặt. Trong đó, vấn đề phát triển não bộ và tư duy của bé luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh.
Việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng từ những nhóm thực phẩm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo và nhóm rau củ sẽ giúp bé khỏe mạnh và não bộ của bé hoạt động thêm phần hiệu quả. Hãy cùng Prudential tìm hiểu kỹ hơn về các loại thực phẩm ấy thông qua bài viết này.
Chất béo – tác nhân quan trọng giúp bổ não
Nhóm chất béo chính là thực phẩm bổ não quan trọng nhất cho bé, cung cấp nhiệt lượng chủ yếu cho việc hoạt động của não và chiếm đến 60% cấu trúc não bộ. Trong đó, Omega 3, Omega 6, Phospholipid là những chất béo quan trọng giúp tăng cường trí não cho trẻ.
Bạn có thể cung cấp chất béo cho bé bằng việc thêm vào khẩu phần ăn các thực phẩm bổ dưỡng quen thuộc. Ví dụ như Omega 3 (đặc biệt là DHA và EPA) chứa nhiều trong các loại rau xanh, dầu nành, dầu hạt lanh hay những loại cá béo như: cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá mòi, cá basa, cá trích… Riêng với nhóm cá béo, ngoài việc cung cấp Omega 3 thì còn bổ sung cho cơ thể bé các chất dinh dưỡng có lợi: Vitamin A, Vitamin E, Vitamin B2, Vitamin PP, Canxi, Magie, Kẽm, Sắt… Trong giai đoạn đầu đời, 3 lần ăn cá mỗi tuần là con số tối thiểu. Nếu bé nhà bạn không khoái ăn cá vì mùi hơi tanh, bạn hãy thử làm phi lê cá chiên bột, chả cá hoặc làm chà bông – bé sẽ thích thú hơn rất nhiều đấy!
Chất béo Omega 6 (đặc biệt là GLA và AA) thì có thể tìm thấy ở những loại dầu thực vật phổ biến như: dầu mè, dầu hướng dương, dầu bắp, dầu nành… Khi bé ăn dặm, bạn chỉ cần cho vài giọt dầu vào bột cũng đủ cung cấp dưỡng chất Omega 6 cho bé rồi. Bước vào giai đoạn bé ăn cơm, bạn hãy tiếp tục dùng dầu thực vật cho các thức ăn quen thuộc như: cá kho, thịt kho, rau xào… Và đặc biệt đừng quên cho phần nước béo từ món ăn vào cơm để trẻ hấp thụ trọn vẹn chất dinh dưỡng nhé! Bạn cũng có thể chọn phương án đơn giản hơn: đó là khi dọn cơm canh ra cho cả nhà, hãy múc cho bé một phần ăn riêng có cho thêm một muỗng canh dầu ăn vào khi canh còn nóng.
Cuối cùng, bạn có thể tìm thấy chất béo Phospholipid (giúp tăng trí nhớ, nổi bật là Choline) khá nhiều trong các thực phẩm như: lòng đỏ trứng, nước nho, bơ đậu phộng, gan, bông cải… Bật mí cho bạn một món dễ làm dễ ăn lại cung cấp nhiều Phospholipid cho bé đó là dùng lòng đỏ trứng để làm bánh flan tráng miệng, vừa bổ cho não bộ lại giúp kích thích vị giác cho trẻ vô cùng hiệu quả.
Muốn tăng cường sức khỏe não bộ, đừng quên Acid Amin
Có thể bạn chưa biết: Acid Amin là dưỡng chất giúp bổ não không thua gì chất béo đấy! Chúng có nhiều trong các món ăn giàu đạm như: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa… Nếu bạn lo lắng bé sẽ ngán ăn các món quen thuộc chứa Acid Amin, thì bí quyết của Prudential là đừng lặp lại một món quá nhiều lần trong tuần mà hãy thay đổi thực đơn linh hoạt, mỗi loại xuất hiện cỡ 2 – 3 lần là hợp lý. Bên cạnh đó, bạn hãy để trứng sẵn trong tủ lạnh để “chữa cháy” cho thực đơn hàng ngày nếu bỗng nhiên trẻ ăn ít hoặc không muốn ăn món bạn đã chuẩn bị – thay thế bằng các món như trứng chiên, trứng luộc hay ốp la cho bé ăn kèm.
Vitamin và Khoáng Chất – Chất xúc tác giúp não bộ hoạt động linh hoạt
Dù đã bổ sung chất béo và Acid Amin, bạn cũng đừng quên những loại vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp 2 nhóm thực phẩm bổ não trên hoạt động như: Vitamin B, Vitamin C, Acid Folic… Rất dễ dàng để tìm thấy chúng trong ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và trái cây. Kẽm và Iot cũng giúp não bộ hoạt động linh hoạt hơn, bạn có thể bổ sung bằng cách cho bé ăn hải sản và rong biển.
Nếu bé nhà bạn ngại ăn rau xanh, hãy thay đổi cách chế biến đa dạng với chút nguyên liệu kích thích vị giác như: tỏi, dầu hào… Hoặc đơn giản hơn: một ly nước ép trái cây hàng ngày với vị thanh nhẹ, ít đường sẽ giúp hoàn thiện thực đơn dinh dưỡng của bé.
Prudential chúc bạn thành công trong việc cân đối thực đơn bằng những thực phẩm bổ não, để bé nhà mình được phát triển toàn diện từ trong những thực phẩm quen thuộc thường ngày!
BS.CK1 Phan Thị Hiền Thu