Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, Việt Nam có đến 73% trường hợp tử vong do các căn bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, phổi mãn tính và tiểu đường. Tuy có thể phát hiện sớm và điều trị nhưng chi phí bỏ ra là không hề nhỏ.
Các căn bệnh hiểm nghèo thường gặp đe dọa tính mạng của người mắc phải
Bệnh hiểm nghèo đang là mối lo chung của cả xã hội, bởi sự gia tăng về cả số lượng ca mắc phải, cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Sau đây là một số căn bệnh hiểm nghèo mà người Việt thường gặp phải nhất.
Tai biến mạch máu não
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người tai biến mạch máu não. Trong số đó, phải kể đến hơn 50% trường hợp tử vong, những người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ thì phải chịu những di chứng nặng nề về thần kinh và vận động.
Tiểu đường
Theo thống kê vào tháng 4/2016 của Bộ Y tế, có hơn 3 triệu người Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường. Căn bệnh này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy thận, giảm thị lực, tàn phế hoặc thậm chí là tử vong. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi mắc tiểu đường lại ngày càng trẻ hóa chứ không chỉ tập trung vào tuổi trung niên như trước đây.
Suy thận
Suy thận là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm, khiến cơ thể không đào thải hoàn toàn được các chất độc hại, do đó dẫn đến tình trạng nhiễm độc niệu hay ure máu cao. Đáng lo ngại hơn, bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn 4 có tỷ lệ tử vong lên đến 46%. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như tăng huyết áp, bệnh xương khớp, thiếu máu, đột quỵ…
Ung thư
Tại Việt Nam, số người mắc ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và ước tính vượt 190.000 vào 2020. Đây là một con số đáng báo động đối với chúng ta. Hơn thế nữa, độ tuổi mắc bệnh cũng ngày càng “trẻ hóa” khiến nhiều người lo ngại. Những căn bệnh hiểm nghèo này đều có thể được chữa trị nếu phát hiện kịp thời nhưng chi phí thường rất cao. Điều này đã khiến nhiều người đi đến quyết định đầu tư bảo hiểm bệnh hiểm nghèo cho gia đình mình.