Cá bảy màu vốn là loài cá rất dễ nuôi, bản tính ôn hòa, dễ thích nghi với điều kiện sống. Thế nhưng, Cá bảy màu thỉnh thoảng cũng mắc bệnh do thời tiết thay đổi đột ngột. Hoặc xảy ra tình trạng làm chết cá hàng loạt. Blog Cá Cảnh Mini chia sẻ với các anh em mới tập chơi cá những bệnh thường gặp ở cá bảy màu và cách chữa trị cho cá bảy màu. Anh em cùng theo dõi nhé!
Cá bảy màu bỏ ăn
Cá bảy màu bỏ ăn do đã ăn quá nhiều
Chủ nuôi cho quá nhiều thức ăn, cá bảy màu đã ăn no và không thể ăn được nữa. Cách tốt nhất là khi mới mua cá về, bạn nên cho ăn một lượng ít rồi điều chỉnh thích hợp theo khẩu phần của cá bảy màu. Không nên cho một lúc quá nhiều vì thức ăn thừa có thể làm ô nhiễm nguồn nước.
Cá bảy màu bỏ ăn do thức ăn có vấn đề
Cá bảy màu bỏ ăn có thể do nguồn thức ăn đã hư hỏng, hết hạn. Thức ăn không được bảo quản tốt, lên nấm mốc, có mùi hôi… Hoặc thức ăn tươi sống đã bị chết. Đây là những nguyên nhân khiến cá bảy màu bỏ ăn. Chủ nuôi cần kiểm tra lại nguồn thức ăn hoặc đổi thức ăn mới.
Không thay nước thường xuyên
Do chủ nuôi không vệ sinh bể và thay nước thường xuyên, khiến nồng độ Ammoni trong nước cao, dẫn đến cá bảy màu bỏ ăn hoặc ngộ độc. Xem xét một số dấu hiệu như cá bị hóp bụng, lượng thức ăn dư thừa nhiều hơn thường ngày. Nước trong bể bị đục, có mùi tanh…
Nhiệt độ nước trong bể không ổn định
Nhiệt độ phù hợp nhất với cá bảy màu là từ 22 đến 28 độ C. Nếu nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao có thể khiến cá hoạt động chậm, lờ đờ, bỏ ăn, không linh hoạt như thường ngày.
Bệnh đốm trắng ở cá bảy màu
Bệnh đốm trắng ở cá bảy màu thường xuất hiện các đốm trắng ở phía đuôi cá, tựa như các hạt muối. Sau một thời gian, những đốm này có biểu hiện sưng tấy lên, lây lan. Và còn có thể làm cho cá chết nếu người nuôi không xử lý kịp thời. Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng gây ra. Để chữa trị, anh em sử dụng Sulphat đồng hoặc Malachite Green, Formalin hay Methylene Blue. Tuy nhiên, trong trường hợp anh em dùng Malachite Green nên đeo găng tay và tránh ánh sáng mặt trời trong suốt quá trình điều trị.
Bệnh thối đuôi, bệnh túm đuôi, bệnh cụp đuôi ở cá bảy màu
Ở bệnh thối đuôi, túm đuôi, cụp đuôi ở cá bảy màu là do bị ô nhiễm nguồn nước. Hoặc trong một số trường hợp là do chủ nuôi thường xuyên thay nước hoặc trong nước có quá nhiều muối hột. Nếu cá bảy màu của anh em gặp phải một trong những bệnh này. Thì cách điều trị là sử dụng Tetra Nhật loại 5g, bỏ 1/20 gói vào hồ cá chứa 25 lít nước. Sau đó, ổn định nhiệt độ nước trong khoảng từ 31 đến 32 độ C. Rồi thả cá vào và một ngày sau đó, thay 1/2 nước trong hồ.
Ngày thứ 2 có thể chưa cần thay nước. Đến ngày thứ 3, tiếp tục thay 1/2 nước trong hồ và cho vào một ít muối. Khi tình trạng bệnh của cá được cải thiện, phần đuôi cá sẽ bình phục lại sau 3 ngày.
Bệnh lắc ở cá bảy màu
Khi bị các bệnh thối đuôi, bệnh túm đuôi, bệnh cụp đuôi, cá bảy màu có thể cũng mắc bệnh lắc. Biểu hiện là cá thường bơi trên mặt nước, vẩy túm và không linh hoạt. Thậm chí, khi bị bệnh lắc, cá bảy màu có thể bỏ ăn, chán ăn, ốm và chết. Để chữa trị bệnh lắc ở cá bảy màu, anh em hãy cho vào hồ một ít muối hột. Và giữ nhiệt độ nước từ 31 đến 32 độ C. Sau đó, thay khoảng 20% phần nước trong hồ và nhỏ thêm vài giọt Tetra Nhật để cho cá mau bình phục.
Bệnh xù vảy ở cá bảy màu
Bệnh xù vảy ở cá bảy màu xảy ra khi lượng muối quá nhiều trong nước. Nếu bạn nuôi chung nhiều em cá bảy màu trong cùng một hồ thì nên tách những em bị bệnh ra một hồ riêng để điều trị. Đặc biệt, cần để ý lượng muối trong bể và dùng máy sủi oxy bật ở chế độ nhẹ. Ngoài ra, có thể tạm ngưng cho cá ăn trong khoảng vài ngày. Lưu ý quan trọng là cá bảy màu bị bệnh xù vảy nếu không được chữa trị kịp thời có thể sẽ làm bệnh trầm trọng hơn. Triệu chứng như vảy cá bị ăn mòn và rụng nhiều hơn, thậm chí chết cá.
Bệnh tóp bụng ở cá bảy màu
Cá bảy màu bị tóp bụng là bệnh về đường ruột khá khó chữa. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh. Chẳng hạn như thức ăn không đủ dinh dưỡng, cá bỏ ăn. Hoặc có khi là do môi trường nước bẩn, chủ nuôi không vệ sinh và không hút phân thường xuyên. Một số triệu chứng của bệnh như cá có phần đầu to nhưng bụng lại nhỏ. Đi phân dài, có màu trắng…
Để cải thiện bệnh tóp bụng ở cá bảy màu, chủ nuôi cần thay nước, vệ sinh bể cá và vệ sinh máy lọc thường xuyên. Đồng thời, thay đổi nguồn thức ăn hàng ngày. Có thể đổi món cho cá bằng các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngoài ra, cũng có thể trộn một ít men tiêu hóa vào thức ăn, để cá bảy màu hấp thu tốt hơn.
Bệnh sình bụng ở cá bảy màu
Khác với triệu chứng khi cá bảy màu bị bệnh tóp bụng. Cá bảy màu bị bệnh sình bụng thì sẽ có phần bụng căng phồng và sình to lên. Nguyên nhân có thể là do cá bảy màu bị nhiễm virus, cá bảy màu bị tổn thương nội tạng, bị suy thận do chủ nuôi dùng thuốc quá mạnh hay quá liều… Những em cá bị bệnh cần được cách ly và có hướng điều trị thích hợp.
Khi có dấu hiệu cá bảy màu bị sình bụng, anh em chủ nuôi nên xác định nguyên nhân chính xác gây ra bệnh. Trong trường hợp vẩy cá bị xù lên, có thể là bệnh đã diễn biến trầm trọng. Bạn nên ngâm cá bảy màu trong nước muối và dùng thuốc chuyên trị để chữa bệnh cho cá. Các loại thuốc ngoài da có thể sẽ không có tác dụng.
Bệnh stress ở cá bảy màu
Cách nhận biết bệnh stress ở cá bảy màu là cá thường tụ ở một gốc hồ. Khi bạn vỗ vào thành hồ, cá xảy ra hoảng loạn, bắn mình lên mặt nước rồi rơi xuống… Ở một số trường hợp cột sống của chúng bị cong. Cách điều trị thích hợp cho các bảy màu bị bệnh stress là dùng thuốc Tetra Nhật. Theo tỉ lệ 1g tương ứng với 200 lít nước và thay khoảng 30% phần nước trong hồ mỗi ngày.
Tóm lại, để cá bảy màu có sức khỏe tốt, sức đề kháng cao, anh em chủ nuôi nên để ý đến lượng muối trong hồ không quá nhiều. Đồng thời, nên thay nước và vệ sinh hồ thường xuyên, ít nhất 1 lần/tuần anh em. Bên cạnh đó, lời khuyên cho các anh em là nên cung cấp nguồn thức ăn bổ dưỡng cho cá bảy màu nhé!
Hoàng Tâm
Nguồn Cacanhmini.com
Kinh nghiệm nuôi cá bảy màu siêu hot tại Blog Cá Cảnh Mini:
Những bệnh thường gặp ở cá bảy màu và cách chữa trị
Cá bảy màu và các loại cá bảy màu đẹp nhất hiện nay
Dấu hiệu cá bảy màu sắp đẻ làm gì khi cá bảy màu sắp đẻ
Thức ăn cho cá bảy màu con
Tất cả các dòng cá bảy màu đắt nhất thế giới