Làn da thường có xu hướng khô và bong tróc vào mùa đông. Tình trạng này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng phần nào làm giảm tính thẩm mỹ của da. Bằng những mẹo đơn giản, bạn có thể phòng ngừa và khắc phục da khô, bong tróc một cách đơn giản.
Các biện pháp khắc phục da khô, nứt nẻ vào mùa đông
Mùa đông là thời điểm độ ẩm xuống thấp, không khí hanh khô. Các yếu tố này khiến bề mặt da bị bào mòn, dẫn đến tình trạng mất nước và bong tróc, nứt nẻ. Mặc dù khô da không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng tình trạng này có thể khiến bạn khó chịu và khiến nếp nhăn dễ hình thành hơn.
Bạn có thể khắc phục da khô vào mùa đông bằng cách bổ sung độ ẩm cho da và điều chỉnh những thói quen sinh hoạt.
1. Không tắm quá lâu
Khi độ ẩm xuống thấp, quá trình bay hơi sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Vì vậy, việc tắm quá lâu có thể khiến da dễ bị khô căng.
Thoát bệnh á sừng đầy ÁM ẢNH chỉ sau 1 tháng nhờ bài thuốc quý
Suốt nhiều năm chịu đựng căn bệnh á sừng đầy “ám ảnh”, ông Nguyễn Thế Tình (Hạ Long, Quảng Ninh) đã lành bệnh chỉ sau 1 tháng sử dụng Thanh bì Dưỡng can thang.
Xem ngay
- Đóng cửa phòng tắm để tránh hơi lạnh
- Giới hạn thời gian tắm trong khoảng 5 – 10 phút
- Sử dụng nước ấm, không dùng nước nóng. Nhiệt độ quá cao có thể khiến màng ẩm trên bề mặt da bị bào mòn.
- Dùng sữa tắm và sữa rửa mặt nhẹ dịu, độ pH khoảng 5.5. Hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa nhiều xà phòng và hương liệu.
- Lau khô da bằng khăn sạch ngay khi tắm. Để nước khô tự nhiên sẽ khiến độ ẩm của da giảm xuống đáng kể.
2. Thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm
Khác với thời tiết mùa hè, ở mùa đông độ ẩm thường rất thấp. Lúc này da dễ bị khô do lượng nước trên bề mặt có xu hướng bay hơi nhanh. Do đó, bạn cần cung cấp độ ẩm cho làn da.
Việc dùng kem dưỡng ẩm không chỉ giảm tình trạng da khô, bong tróc mà còn tạo màng bảo vệ, hạn chế hiện tượng thoát hơi nước.
Bạn nên tập trung vào những sản phẩm chứa nhiều thành phần dưỡng ẩm như Vitamin E, Glycerin, Hyaluronic acid, Dimethicon, Dầu khoáng,… Nếu có làn da nhạy cảm, bạn nên trao đổi với dược sĩ để lựa chọn được sản phẩm thích hợp.
Có thể thoa kem dưỡng ẩm 2 – 3 lần/ ngày, nên dùng sau khi tắm và rửa mặt. Hoặc dùng bất cứ lúc nào bạn cảm thấy da khô căng khó chịu.
3. Sử dụng son dưỡng môi
Nhiều người chỉ chú trọng vào da mặt, toàn thân mà bỏ quên vùng da ở môi. Môi có thể bị bong tróc, nứt nẻ và chảy máu nếu không được dưỡng ẩm vào mùa đông.
Bạn nên dùng son dưỡng môi thường xuyên, nhất là khi ngủ. Thời điểm này nhiệt độ xuống rất thấp và có thể gây tổn thương lên vùng da này. Nếu môi bạn dễ kích ứng với những loại son dưỡng thông thường, bạn có thể tận dụng mật ong, dầu ô liu, dầu dừa,… để thay thế.
4. Hạn chế các sản phẩm dưỡng da đặc trị mạnh
Các thành phần dưỡng da đặc trị mạnh như BHAs, AHAs, Retinoids có khả năng giảm lượng dầu và gây khô da nếu dùng vào mùa đông. Mặc dù các hoạt chất này đem lại nhiều lợi ích nhưng các chuyên gia da liễu khuyên bạn nên giảm tần suất sử dụng để tránh tình trạng khô căng.
5. Đeo găng tay và giữ ấm cơ thể
Để giảm hiện tượng thoát hơi nước ở da tay và da toàn thân, bạn nên đeo găng tay và giữ ấm cơ thể.
Thói quen này không chỉ giúp bạn giữ cho da ẩm mịn mà còn hạn chế được sự xâm nhập của virus gây cảm lạnh và cảm cúm.
6. Tạo độ ẩm cho không khí
Nếu không khí quá khô, bạn có thể cải thiện bằng cách dùng máy phun sương để tạo độ ẩm. Ngoài tác dụng giảm khô da, không khí ẩm còn giúp bạn dễ dàng hô hấp và hạn chế tình trạng viêm mũi, viêm xoang trong thời gian này.
7. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Da khô không chỉ tạo cảm giác khó chịu mà có thể gây hư hại cấu trúc và làm đứt gãy các sợi collagen. Vì vậy, ngoài các biện pháp chăm sóc da từ bên ngoài, bạn nên bổ sung những thành phần cần thiết cho da qua chế độ dinh dưỡng.
Nên bổ sung thực phẩm giàu các thành phần sau:
- Khoáng chất và nước: các thành phần này sẽ cung cấp cho da một độ ẩm vừa phải, đồng thời tăng cường quá trình trao đổi chất. Quá trình này giúp hồng cầu đem oxy đến các mô da và sửa chữa những hư tổn ở cơ quan này. Các thực phẩm giàu khoáng chất và nước bao gồm: xà lách, súp lơ, mồng tơi, cà tím, cà chua, dưa leo,…
- Omega 3: là một loại axit béo không bão hòa, có khả năng dưỡng ẩm và chống oxy hóa. Thành phần này giúp da đàn hồi và ẩm mượt hơn. Các thực phẩm giàu Omega 3 bao gồm: cá hồi, hạt hạnh nhân, bơ, dầu ô liu,…
- Vitamin C: là một chất chống oxy hóa có khả năng giảm sự hình thành nếp nhăn và chảy xệ. Thành phần này giúp làm sáng da đồng thời kích thích các collagen hình thành. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: cam, quýt, lựu, khoai lang, xoài, dứa,…
Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế bổ sung những đồ uống khiến cơ thể mất nước như rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas,…
8. Tránh các chất gây dị ứng
Vào mùa đông, nhiệt độ và độ ẩm thay đổi khá đột ngột. Điều này khiến cơ thể và da nhạy cảm hơn bình thường. Vì vậy, bạn nên tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng theo mùa, nên uống thuốc chống dị ứng để phòng ngừa tình trạng này.
Phản ứng dị ứng có thể khiến da trở nên khô và bong tróc dữ dội hơn. Do đó, việc chủ động phòng tránh dị ứng là điều rất cần thiết.
Nếu bạn bị da khô mãn tính, bạn cần trao đổi với bác sĩ da liễu để có các biện pháp điều trị thích hợp. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Đồng thời không có giá trị thay thế cho tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.