Những ‘đại kỵ’ khi ăn sầu riêng không phải ai cũng biết

TPO – Sầu riêng là món ăn yêu thích của nhiều người. Loại quả này cũng có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe, nhưng không phải ai ăn sầu riêng cũng tốt. Thậm chí với một số người mắc bệnh hoặc khi ăn sầu riêng kết hợp với một số thực phẩm ‘đại kỵ’ có thể gây hại cho cơ thể.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết sầu riêng cũng như các loại quả khác, đều có tính hai mặt, lợi ích và những tác hại với cơ thể.

Sầu riêng tuy có mùi không dễ chịu nhưng nó lại có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng protein, glucid, lipid, các chất khoáng và giá trị năng lượng cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác.

Để đảm bảo sức khỏe và không bị tăng cân, bạn chỉ nên ăn sầu riêng với số lượng vừa phải, tối đa 2 múi một ngày và mỗi tuần chỉ nên ăn 1 đến 2 lần.

Việc ăn sầu riêng một cách khoa học sẽ có tác dụng giúp tăng cường và phục hồi sức khỏe cho người ốm yếu, có ích cho cơ bắp, duy trì sự chắc khỏe của xương, giúp duy trì và điều hòa hoạt động của tuyến giáp, bảo vệ sự khỏe mạnh cho răng và lợi…

Phương pháp ăn tốt cho sức khỏe khi ăn sầu riêng trong mùa hè, có thể cho sầu riêng vào ngăn đá tủ lạnh, sau đó rã đông, đợi đến khi sầu riêng mềm thì ăn. Lúc này sầu riêng vừa ngọt, mềm, hơn nữa hương vị cũng dễ chịu hơn.

Để tận dụng tối đa những giá trị dinh dưỡng cũng như trung hòa “tính nóng” của trái sầu riêng, bạn cần ăn sầu riêng đúng cách, khi ăn nên kết hợp cùng các loại quả mang tính hàn như măng cụt, dứa, thanh long…

Những thực phẩm tuyệt đối không kết hợp với sầu riêng:

Không ăn khi uống rượu

Theo lời một nhà khoa học cho rằng, sầu riêng làm cho con người ta có một cảm giác như “sắp chết” nếu ăn xong rồi sau đó không lâu lại uống một loại chất có cồn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người bình thường nếu ăn 2 món này cùng nhau sẽ sinh nhiệt không tốt cho cơ thể. Còn đối với người bị tiểu đường, cao huyết áp nếu ăn cùng một lúc sẽ dẫn đến nhức đầu, tim đập nhanh, nghiêm trọng hơn sẽ gây xuất huyết và đột quỵ cao.

Những 'đại kỵ' khi ăn sầu riêng không phải ai cũng biết ảnh 1

Để tận dụng tối đa những giá trị dinh dưỡng cũng như trung hòa “tính nóng” của trái sầu riêng, bạn cần ăn sầu riêng đú. Ảnh minh họa: Internet

Không ăn cùng một số loại thịt

Không ăn sầu riêng cùng với các loại thịt như bò, cừu, chó và hải sản. Sầu riêng là loại trái cây chứa rất nhiều đường, kali, chất béo, glycemic. Trong khi đó, các loại thịt trên đều là nguồn bổ sung protein dồi dào và nhiều chất béo.

Đặc biệt là chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol trong máu. Khi sử dụng cùng lúc hai loại này sẽ khiến cholesterol trong cơ thể tăng cao đột ngột, mạch máu vì thế sẽ không tải nổi.

Không ăn cùng các thực phẩm cay nóng

Nếu chế biến sầu riêng làm món ăn thì nên nhớ rằng, tránh sử dụng chung sầu riêng với các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng, tỏi… vì chúng sẽ làm giảm hương vị của nó, lại kết hợp với tính nóng của sầu riêng, gây ra tình trạng nóng bứt rứt khó chịu trong người.

Sầu riêng rất kỵ cà phê

Gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa và bạn sẽ có một hơi thở rất nặng mùi. Do trong sầu riêng có chứa một lượng lớn dầu có sulfur kết hợp với cafein trong cà phê gây ức chế hoạt động của men aldehyd dehydrogenase, nguyên nhân dẫn đến 70% chất oxy hoá trong tế bào không được chuyển hoá và từ đó gây độc cho cơ thể.

Theo TS Sơn khuyến cáo, những người sau đây không ăn sầu riêng:

Phụ nữ mang thai, người bị cao huyết áp: Lượng đường trong sầu riêng khá cao, bên cạnh đó nó lại là thực phẩm nóng, nếu bà bầu ăn sầu riêng có thể gây nên chứng đầy hơi, khó tiêu, bốc hỏa do tăng huyết áp. Điều này sẽ có hại cho thai nhi và những người bị cao huyết áp.

Những 'đại kỵ' khi ăn sầu riêng không phải ai cũng biết ảnh 2

Không ăn sầu riêng cùng với các loại thịt như bò, cừu, chó và hải sản. Sầu riêng là loại trái cây chứa rất nhiều đường, kali, chất béo, glycemic. Trong khi đó, các loại thịt trên đều là nguồn bổ sung protein dồi dào và nhiều chất béo. Ảnh minh họa: Internet

Những người bị mụn nhọt, nóng trong: Bản chất của sầu riêng là thực phẩm nóng do đó, nếu bạn đang bị nổi mụn, nhiệt miệng thì nên tránh xa món này.

Những người có tình trạng âm hư, nội nhiệt: Biểu hiện của tình trạng này là người gầy ốm, da khô, nóng bứt rứt, lòng bàn tay bàn chân ấm, khát nước, khó ngủ, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, đi tiểu ít, nước tiểu vàng, đại tiện táo bón, di mộng tinh… cũng cần hạn chế ăn sầu riêng.

Sầu riêng nóng và gây đờm, do đó, những người đau họng, ho, bị cảm lạnh, âm hư và khí quản nhạy cảm, người đang bị táo bón, trĩ không thích hợp ăn sầu riêng.

Những người tì vị yếu nếu ăn nhiều trái sầu riêng sẽ dễ gây đầy bụng, khó tiêu.

Người bị tiểu đường, béo phì, bệnh nhân huyết áp: Sầu riêng là loại quả có chỉ số đường rất cao (lên đến 70%), giàu calo và cholesterol, ngay sau khi ăn sầu riêng xong, đường huyết tăng cao rất nhanh, nên đây là loại quả phải kiêng đối với bệnh nhân tiểu đường. Người béo phì, bệnh nhân huyết áp cao và người có chỉ số cholesterol máu cao cũng nên tránh ăn.

Người mắc bệnh thận, bệnh tim: Sầu riêng có hàm lượng kali cao, vì vậy những người mắc bệnh thận và bệnh tim nên hạn chế ăn. Chất kali bị ứ đọng lại trong cơ thể khi bị suy thận sẽ cực kỳ nguy hiểm vì có thể làm tim loạn nhịp và đưa tới ngừng tim đột ngột, gây tử vong bất cứ lúc nào mà không có triệu chứng báo trước.

Những bệnh nhân có khối u phụ khoa, vấn đề tuyến tiền liệt hoặc đang bị viêm nhiễm không nên ăn sầu riêng.

Sầu riêng rất giàu cellulose, người già nên hạn chế ăn vì sẽ gây tắc ruột và táo bón.

Bệnh nhân mắc bệnh ngoài da và viêm thanh quản không nên ăn sầu riêng, ăn uống sẽ dẫn đến tình trạng nặng thêm.

Hòa Thuận (tổng hợp)

Rate this post

Viết một bình luận