Với vị trí đặc biệt, Tri Tôn giữ vai trò kết nối với các địa phương khác tạo thành các tuyến du lịch liên hoàn Châu Đốc – Tịnh Biên – Tri Tôn – Thoại Sơn, kết nối du lịch An Giang xuống Hà Tiên – Phú Quốc (Kiên Giang). Tại Tri Tôn, có nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách khám phá.
Vùng đất anh hùng
Trong thời kỳ chống Mỹ xâm lược, rồi chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Tri Tôn là vùng cứ điểm quan trọng. Hòa bình lập lại, nơi đây vẫn còn ghi dấu những chiến công hào hùng năm xưa. Các căn cứ cách mạng đã được trùng tu, nâng cấp, cải tạo lại để phục vụ cho những du khách yêu thích khám phá lịch sử, tìm hiểu về truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Một trong những điểm đến hấp dẫn khó có thể bỏ qua là Khu di tích lịch sử cách mạng đồi Tức Dụp (xã An Tức). Tuy chỉ là một ngọn đồi nhỏ của Phụng Hoàng Sơn với độ cao 216m, diện tích trên 2km², nhưng nhờ có cấu trúc độc đáo với nhiều hòn đá lớn xếp chồng lên nhau, bên dưới có rất nhiều hang sâu (lò ảng) liên thông với nhau, tạo thành những lối đi chằng chịt, địa thế hiểm trở nên đồi Tức Dụp đã được Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện chọn làm căn cứ kháng chiến.
Từ tháng 11/1967 đến tháng 3/1968, Mỹ đã huy động hơn 18.000 quân cùng nhiều phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại, treo thưởng 2 triệu đô-la cho đơn vị nào chiếm được ngọn đồi này trước nhưng vẫn thất bại. Hiện vật, hình ảnh căn cứ năm xưa đã được tái tạo lại tại đây, đồng thời nhiều hạng mục mới cũng được đầu tư để phục vụ du khách đến vui chơi, khám phá.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tại Tri Tôn còn một địa điểm khác cũng được chọn làm căn cứ Tỉnh ủy giai đoạn 1962 – 1967 là Ô Tà Sóc. Đây là một bộ phận của dãy núi Dài, thuộc địa bàn xã Lương Phi. Trên Ô Tà Sóc có nhiều lò ảng, các hang động lớn làm nơi trú ẩn, bảo vệ an toàn cho căn cứ cách mạng trước các đợt tấn công, càn quét dồn dập của địch.
Mới đây, UBND huyện Tri Tôn phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức lễ khánh thành công trình cải tạo và nâng cấp Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Việc nâng cấp nhằm tăng hiệu quả giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời kết nối tour du lịch liên hoàn trên địa bàn huyện Tri Tôn, xây dựng nơi đây thành khu du lịch văn hóa lịch sử gắn với tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Ngược hướng Lương Phi về thị trấn Ba Chúc, một địa chỉ thu hút rất đông du khách là Khu di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc. Khu di tích này là một quần thể gồm: chùa Phi Lai – Tam Bửu (Tổ đình của Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa), nhà trưng bày chứng tích tội ác chiến tranh và nhà mồ (nơi lưu giữ 1.159 bộ hài cốt của nhân dân xã Ba Chúc bị Polpot sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam). Các công trình này đã và đang được đầu tư tôn tạo, xây dựng mới nhiều hạng mục, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, cúng viếng của khách thập phương.
Khi đến với chùa Tam Bửu, du khách sẽ được nghe kể về sĩ phu yêu nước Ngô Lợi, người lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp, có công khai phá vùng đất Ba Chúc và sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Hàng năm, nơi đây diễn ra các lễ cúng chính của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa như: ngày khai sáng đạo, ngày giỗ Đức Bổn sư Ngô Lợi, ngày giỗ tập thể tưởng niệm các nạn nhân bị quân Polpot sát hại…
Nằm đối diện chùa Tam Bửu là chùa Phi Lai, được tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu nghĩa xây dựng vào ngày 19/1/1877. Nơi đây còn ghi dấu tích tội ác của quân diệt chủng Polpot khi sát hại hơn 250 người dân vô tội ngay tại chùa vào ngày 13/4/1978. Chùa Phi Lai hiện đang trong quá trình trùng tu, xây mới nhiều hạng mục để phục vụ khách thập phương.
Những cảnh quan độc đáo
Trong 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn hùng vĩ, có 4 ngọn núi nằm trên địa bàn huyện Tri Tôn là núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn) và núi Tượng (Liên Hoa Sơn). Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên gắn với nhiều giai thoại huyền bí, tâm linh, dưới chân núi còn có các hồ nước rộng lớn, khí hậu mát mẻ quanh năm (cả hồ tự nhiên và hồ được đầu tư nhân tạo), trở thành điểm đến yêu thích cho du khách.
Một góc hồ Soài So
Trong số các hồ dưới chân núi thì hồ Soài So nổi tiếng lâu nay. Đây là hồ nước tự nhiên dưới chân núi Tô, hứng trọn lượng nước từ suối Vàng đổ xuống. Hồ Soài So cách trung tâm huyện Tri Tôn chưa đầy 2km, nằm ngay con đường chính lên núi Tô, giúp du khách thuận tiện khám phá cảnh đẹp hoang sơ của ngọn núi cao thứ 2 trong dãy Thất Sơn (sau núi Cấm).
Đến Sân Tiên, nơi còn in dấu bàn chân Tiên dài 5-6 gang tay, du khách có thể thỏa sức “check in” với chữ “TRI TÔN” cao 7m (chưa kể bệ đỡ cao 1,5-2m), bao quát toàn cảnh vùng Bảy Núi.
Cũng nằm khá gần trung tâm huyện Tri Tôn là hồ Tà Pạ, được biết đến với biệt danh “hồ trên núi”. Hồ có mặt nước trong xanh, mát lành, nhìn thấu tới đáy. Phía trên hồ là chùa Tà Pạ, có tháp Phật Thích Ca vừa mới xây xong theo kiến trúc Khmer. Tại đây, du khách được ngắm toàn bộ thị trấn Tri Tôn ở độ cao khoảng 50m, nhìn bao quát cánh đồng ruộng trên rộng lớn và ngọn núi Tô hùng vĩ.
Hồ Ô Tà Sóc
Những hồ dưới chân núi khác cũng rất quyến rũ du khách là hồ Ô Tà Sóc (nằm dưới chân núi Dài), Ô Thum (dưới chân núi Tô), đặc biệt là hồ Soài Chék (nằm dưới thung lũng đồi Tà Pạ và núi Tô), có vị trí sát với sân đua bò mới vừa được UBND huyện Tri Tôn đầu tư xây dựng.
Đến Tri Tôn, du khách còn bị cuốn hút với những ngôi chùa độc đáo nơi đây. Trong đó chùa Xvayton (Xà Tón) là ngôi chùa cổ lâu đời của người Khmer, nổi tiếng cả nước bởi lối kiến trúc đặc thù, cảnh quan đẹp mắt, nằm ngay trung tâm thị trấn Tri Tôn. Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa Xvayton là ngôi chùa lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá tại Việt Nam.
Cùng với nông nghiệp, lĩnh vực du lịch được huyện Tri Tôn xác định là ngành kinh tế động lực, mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững. Với lợi thế có nhiều cảnh đẹp tự nhiên kết hợp di tích lịch sử cách mạng hào hùng, món ăn ngon kết hợp con người hiền hòa, chân chất, Tri Tôn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Để khai thác lợi thế ngành “công nghiệp không khói” này, thời gian qua, Tri Tôn đã tập trung đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, các cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến Tri Tôn.
Cùng với nhiều khu di tích lịch sử – văn hóa có giá trị, Tri Tôn còn có 37 ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo, có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp, văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú. Huyện đang phối hợp các đơn vị ứng dụng công nghệ, xây dựng bản đồ du lịch, ẩm thực trực tuyến, kết nối các tour, tuyến để thu hút nhiều du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí
Hoàng Xuân/ baoangiang.com.vn