Covid-19 cũng như nhiều virus khác, có khả năng ảnh hưởng và làm tổn thương hệ thống thần kinh, hệ thống tai trong và tiền đình, gây chóng mặt.
Bác sĩ Lê Minh Kỳ, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, giải đáp những thắc mắc thường gặp về triệu chứng chóng mặt ở F0 khỏi bệnh.
Vì sao bị chóng mặt hậu Covid-19?
Covid-19 ảnh hưởng hệ thống thần kinh, gây các triệu chứng về thần kinh như mất ngủ, trầm cảm, lo lắng, rối loạn tiền đình, trong đó phổ biến là triệu chứng chóng mặt.
Chóng mặt là cảm giác hay ảo giác về chuyển động của cơ thể hoặc vật xung quanh trong khi thực ra không có sự chuyển động. Cảm giác thường gặp nhất là xoay tròn kèm theo buồn nôn, đi đứng không vững, dáng đi lệch lạc, có thể khởi phát hay nặng lên khi cử động đầu. Cơn chóng mặt có thể rất ngắn, chỉ vài giây hoặc dài đến vài ngày, vài tuần, biểu hiện rất khác nhau từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân có thể chỉ biểu hiện như choáng thoáng qua nhanh khi thay đổi tư thế đầu, hoặc cảm giác chòng chành khi đi lại, mất thăng bằng, cho đến các cơn nhà cửa nghiêng ngả, quay tròn kèm theo buồn nôn và nôn…
Có nguy hiểm?
Điều này tùy vào vị trí và mức độ tổn thương do virus gây ra. Có những tổn thương tự hồi phục sau khi hết triệu chứng nhiễm virus, như viêm thần kinh tiền đình một bên. Ở tình trạng này, dây thần kinh tiền đình đã tổn thương song lâu dài sẽ được tiền đình trung ương hoạt động bù trừ, bệnh nhân có thể không nhận ra sự khác biệt về thăng bằng và hết chóng mặt.
Một số bệnh như viêm dây thần kinh tiền đình (Ménière), chứng chóng mặt kịch phát tư thế lành tính (BPPV), viêm mê nhĩ (nhiễm trùng do vi khuẩn ở tai trong), tổn thương khu trú tiền đình trung ương, triệu chứng nặng nề và tái phát nhiều lần, gây mất chức năng tiền đình và thính giác tăng dần, chóng mặt quay dữ dội đột ngột, thậm chí đột quỵ…
Sau khi khỏi Covid, bất kỳ khi nào có vấn đề bất thường về thần kinh như chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai, nghe kém, bạn đều nên đến bác sĩ khám. Điều trị càng sớm, cơ hội hồi phục chức năng tai trong và tiền đình càng cao.
Kéo dài bao lâu?
Triệu chứng chóng mặt có thể xảy ra cùng lúc với mắc Covid-19, hoặc sau nhiễm một vài tuần. Triệu chứng kéo dài tùy vào từng tổn thương cấu trúc cơ quan tiền đình của mỗi bệnh nhân. Chóng mặt nói chung là tác dụng phụ thường gặp của Covid-19 cấp tính.
Trong nhiều trường hợp, chúng sẽ biến mất khi các triệu chứng khác của Covid-19 kết thúc. Phần lớn chóng mặt kéo dài một vài tuần đến vài tháng. Tuy vậy, đại dịch mới diễn ra khoảng hai năm nên chưa thể đánh giá được ảnh hưởng của chúng sẽ kéo dài bao lâu. Tới nay, nhiều bệnh nhân cho biết triệu chứng của họ không hề thuyên giảm.
Có thể tự khỏi không?
Đa phần những chóng mặt nhẹ do Covid gây ra thường sẽ tự biến mất khi các triệu chứng điển hình khác của Covid trên đường hô hấp hết mà không cần phải điều trị gì. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương tiền đình, hoặc tổn thương các cơ quan khác ngoài tiền đình do virus gây ra mà chóng mặt có thể tự khỏi hoặc diễn biến kéo dài và cần sự can thiệp y tế.
Người bị rối loạn tiền đình, mắc Covid-19 bệnh có nặng thêm?
Covid-19 có khả năng kích hoạt tình trạng tiền đình ở những người bệnh BPPV, Ménière, viêm dây thần kinh tiền đình… giai đoạn thuyên giảm hoặc ổn định. Virus gây rối loạn chuyển hóa tai trong nên có thể làm tái phát đợt bệnh BPPV, làm nặng thêm tình trạng bệnh Meniere và các bệnh lý tiền đình khác.
Một số bệnh nhân sau khi điều trị Covid kéo dài, dùng các loại thuốc kháng virus, kháng sinh và nằm lâu ngày, cũng suy giảm chức năng tiền đình có trước đó.
Bác sĩ Kỳ hướng dẫn người bệnh tập phục hồi chức năng tiền đình. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Cách giảm chóng mặt
Trong cơn cấp: Khi có cơn chóng mặt cấp, cần hạn chế vận động, nên nghỉ ngơi tại giường. Tập trung nhìn vào một điểm cố định trước mặt; cố gắng bám vào hoặc tựa vào các bề mặt xung quanh; giữ bình tĩnh, tránh căng thẳng vì lo lắng sẽ làm tăng các triệu chứng. Ngoài ra cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, tránh rượu bia thuốc lá và nên gối đầu cao khi ngủ.
Ngoài cơn cấp: Sau mắc Covid-19, khi bị chóng mặt kéo dài, nên hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, vận động tại chỗ (quay đầu, đứng lên/xuống thường xuyên, đứng xoay người…). Đây là những cách tốt để kích thích hệ thống tiền đình và giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.
Cần phân biệt cơn chóng mặt cấp do bệnh của hệ thống tiền đình chức năng, không gây nguy hiểm tính mạng, với chóng mặt cấp do cơn đột quỵ tiểu não có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, khi có cơn chóng mặt cấp xuất hiện sau Covid, người bệnh cần đến bệnh viện khám, điều trị sớm, tránh các biến chứng đáng tiếc như đột quỵ.
Quỳnh Phương