Những điều cần làm và không nên làm khi bị bỏng

Vậy khi bị bỏng, chúng ta cần phải làm gì?

4 nhóm nguyên nhân gây bỏng

– Bỏng nhiệt độ: bỏng nhiệt độ chia làm 2 dạng là bỏng khô và bỏng ướt:

+ Bỏng khô: do các nguyên nhân như bỏng lửa, bỏng bô xe máy, bỏng kim loại, bỏng tia lửa điện.

+ Bỏng ướt: bao gồm các nguyên nhân như bỏng nước sôi, bỏng dầu mỡ, bỏng hơi nước, bỏng nóng do thức ăn.

– Bỏng hóa chất: có 2 loại hóa chất là axít và bazơ:

+ Bỏng do axít: là loại bỏng hay gặp gồm một số loại axít sau: axít sunfuric (H2SO4), axít nitric (HNO3), axít clohydric (HCL)…

+ Bỏng do bazơ: các loại bazơ đặc mạnh gây bỏng: NaOH, KOH, Ca(OH)2. Vôi đang tôi là một loại bỏng vừa do sức nhiệt, vừa do độ bazơ.

– Bỏng điện: bỏng do luồng điện dẫn truyền qua cơ thể. Bỏng do tia lửa điện là một bỏng nhiệt. Bỏng điện thường do bị điện giật hoặc sét đánh.

– Bỏng do các tia vật lý: là bỏng do các loại tia: tia hồng ngoại, tử ngoại; tia X (tia rơnghen); tia phóng xạ (gama, bêta). Loại bỏng này thường hiếm gặp trong cuộc  sống hàng ngày.

Khi bị bỏng, da là bộ phận đầu tiên bị tác động. Da người vốn mỏng và nhạy cảm nên rất dễ bị tổn thương. Nếu thời gian tiếp xúc với chất gây bỏng lâu, diện tích tiếp xúc lớn thì tổn thương có thể ảnh hưởng qua lớp da, tới lớp cơ, xương, mạch máu…

Bỏng được chia làm 3 cấp độ

– Cấp độ 1: mức tổn thương lớp ngoài cùng của da, vùng da bị đỏ, đau rát, sau một vài hôm sẽ khỏi và thường không để lại sẹo.

– Cấp độ 2: xuất hiện những nốt phỏng như bong bóng nước, bên trong mọng nước. Cấp độ này được chia làm 2 mức: mức 1, bỏng với diện tích nhỏ chỉ là những bong bóng nước nếu điều trị đúng cách sẽ không bị nhiễm trùng và không để lại sẹo; mức 2, bỏng nặng hơn, dễ có biến chứng như: bệnh nhân bị choáng, nhiễm trùng máu, nếu nhiễm trùng kéo dài sẽ dẫn đến suy nhược toàn thân, để lại sẹo.

– Cấp độ 3: vết bỏng ăn sâu vào trong, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, phải đưa đi cấp cứu kịp thời.

Những điều cần làm khi bị bỏng

Khi bị bỏng, dù là bỏng nặng hay nhẹ thì việc sơ cứu rất cần thiết. Nhiều trường hợp do xử lý sai nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc.

Một nguyên tắc chung trong sơ cứu bỏng ban đầu là cần xả ngay nước lạnh vào vết bỏng càng sớm càng tốt trong 15 – 20 phút để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da, có tác dụng giảm độ sâu của bỏng.

Chú ý, chỉ dùng nước lạnh bình thường như nước máy, nước giếng, không dùng nước đá. Sau đó, đắp chỗ bỏng bằng gạc hoặc khăn bông thấm nước lạnh để bớt đau.

Tiếp đến, tùy tình trạng vết bỏng mà có thể mua thuốc trị bỏng bôi tại nhà hoặc đến cơ sở y tế. Nếu tại chỗ bị bỏng có xuất hiện các bóng nước thì không tự ý chọc vỡ chúng.

Ngoài nguyên tắc chung, với mỗi nguyên nhân gây bỏng sẽ có các cách sơ cứu khác nhau. Khi bị bỏng điện, cần ngay lập tức ngắt nguồn điện hoặc tìm cách tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện.

Nếu thấy tim ngừng đập cần hô hấp ấn ngực tại chỗ rồi mới đưa đi cấp cứu. Khi bị bỏng do hóa chất, cần lập tức cởi bỏ quần áo, rửa vết bỏng liên tục bằng nước lạnh để làm loãng nồng độ của hóa chất.

Nếu bỏng do axít thì nên rửa vết thương bằng nước có pha bicarbonat. Nếu bỏng do chất kiềm thì rửa bằng nước có pha giấm hoặc chanh.

Trong trường hợp bỏng mắt do bất cứ 1 loại hóa chất nào, chỉ được rửa mắt bằng nước sạch, ngâm mắt trong nước khoảng 20 phút, dùng vải mỏng băng mắt lại và đưa đến bệnh viện.

Nếu bỏng do lửa thì khi thấy quần áo nạn nhân đang cháy cần hắt nước hoặc lấy chăn trùm vào người nạn nhân để dập lửa.

Nếu mức độ bỏng trầm trọng, tuyệt đối không được cởi quần áo đã dính vào vết bỏng để tránh bị lột da gây thêm đau đớn. Nên lấy băng, vải sạch che vùng bị bỏng để tránh nhiễm trùng rồi đưa đến cơ sở y tế.

Những điều không nên làm khi bị bỏng

Khi gặp các trường hợp bị bỏng, tuyệt đối không ngâm vết bỏng bằng nước đá, đá lạnh. Vùng da bị bỏng quá lạnh sẽ khiến thân nhiệt hạ, gây ra hiện tượng co mạch máu, co cơ, khiến tình trạng bỏng trở nên nặng nề hơn. Đây là sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi sơ cứu người bị bỏng.

Khi bị bỏng, bôi nước mắm, xà phòng, vắt nước củ chuối, củ ráy lên vết thương… đều là các cách phản khoa học có thể gây nhiễm trùng vết bỏng khiến cho việc điều trị càng khó khăn, tốn kém hơn.

Khi bị bỏng không nên dùng kem đánh răng. Nhiều người khi bị bỏng bôi kem đánh răng lên vết thương với quan niệm kem đánh răng sẽ làm dịu vết thương. Thực chất kem đánh răng có chất kiềm nhẹ, khi bôi lên vết bỏng sẽ làm tăng đau đớn.

Kem đánh răng chỉ được sử dụng trong trường hợp bỏng axít. Đầu tiên phải làm loãng nồng độ axít trên da bằng cách ngâm ngay vào nước.

Sau đó, trung hoà axít còn dư trên da bằng cách xoa nhẹ xà phòng hoặc kem đánh răng cho sủi bọt và ngấm sâu vào da rồi rửa sạch.

Không nên chọc vỡ các bọng nước bỏng để tránh vi khuẩn thâm nhập khiến vết thương nhiễm trùng nặng hơn.

Rate this post

Viết một bình luận