Những điều nên làm
Đi lễ chùa: Trong ngày mùng 1 Tết, người theo Phật giáo có thói quen đi 10 cảnh chùa, từ thời khắc giao thừa đến gần hết ngày mùng 1 có người đi cả 15, 20 ngôi chùa nếu sức khỏe thời gian cho phép.
Ngày đầu năm người ta thường đi chùa và nghĩ đến những điều tốt đẹp cho nhau, cho đất nước, cho thế giới, cầu chúc những điều an lành. Đạt được hay không thì còn tùy thuộc vào sự nỗ lực của cá nhân và tập thể.
Theo dân gian, đầu năm có nhiều điều nên làm và kiêng kỵ. Ảnh: Như Hương
Mua muối: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, câu nói từ lâu đã trở nên quen thuộc. Người Việt xưa cho rằng muối có thể trừ được tà ma, tình cảm mặn nồng. Do vậy, người Việt thường ra chợ vào sáng mùng 1 Tết mua muối để cầu mong trong các mối quan hệ đều được đậm đà, mặn nồng.
Mặc đồ màu đỏ: Nhiều người xưa vẫn tin rằng ngày Tết cần đi chúc Tết những người thân quen hay mặc đồ màu đỏ, màu hồng để được may mắn cả năm. Dân gian cho rằng màu trắng, màu đen là màu của tang ma nên tránh mặc màu này vào ngày Tết. Dù vậy, ngày nay màu trắng và màu đen là hai màu được nhiều người ưa chuộng vì sự tối giản, dễ phối đồ, không kén người mặc. Vì vậy, tập tục này đang dần mai một.Thực tế ngày nay, chuyện mặc đồ màu gì thì người ta chủ yếu hướng tới việc phù hợp hay không, không chú trọng màu sắc.
Điều nên kiêng kỵ
Tang ma: Theo quan niệm của người Việt, nhà nào đang có tang thì không đi chúc Tết gia đình khác, mà chỉ ở nhà đón khách đến chúc Tết. Người Việt tin rằng người có tang đi chúc Tết gia đình khác sẽ ảnh hưởng đến niềm vui chung của Tết.
Làm vỡ đồ đạc: Người Việt rất kiêng kỵ việc làm vỡ đồ đạc, nhất là gương, thủy tinh hay đồ sứ, nhất là ngày Tết vì cho rằng đó là điềm chẳng lành. Trong 3 ngày đầu năm, mọi người thường nhắc nhau cẩn thận, kỹ lưỡng khi sử dụng các món đồ dễ vỡ.
Mở tủ: Giống với việc quét nhà hay đổ rác, hành động mở cửa tủ được xem là làm thoát vận may và tài lộc ra bên ngoài. Người xưa quan niệm rằng, tiền thường được cất kín trong các ngăn tủ, mà việc mở cửa tủ tương tự như đang chi tiền liên tục.
Một số gia đình ở miền Trung vào trước giao thừa còn niêm phong tất cả các cánh cửa tủ để phòng trẻ em, khách đến chơi không biết mà mở ra. Một số gia đình còn tỉ mỉ lấy hết vật dụng cần thiết, quần áo trong 3 ngày Tết ra ngoài để không đụng đến tủ đồ.
Khóc than, cãi vã: Nhiều người cho rằng đầu xuôi đuôi lọt, mọi việc có khởi đầu tốt thì suốt hành trình mới khởi sắc, kết quả mới như ý nguyện của mỗi người. Cũng chính vì vậy mà trong 3 ngày Tết, mọi người luôn cười nói vui đùa, cởi mở trò chuyện, tránh khóc than, cãi vã.
Vào bệnh viện, nhà thuốc: Trừ trường hợp bất khả kháng, vào những ngày đầu năm, mọi người tránh lui tới các nơi khám chữa bệnh, bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc… vì sợ cả năm bị bệnh tật đeo bám.
Cho lửa và nước: Trong ngôi nhà, lửa và nước được xem như vật giữ may mắn và tiền tài. Vì vậy mà hành động cho lửa và nước trong 3 ngày Tết được xem là tự mang tiền tài cho người khác, năm mới sẽ khó khăn và chật vật để kiếm lại.
Vay tiền: Không riêng gì 3 ngày Tết đầu năm, việc mượn tiền của được nhiều người kiêng trong suốt cả tháng Giêng. Ngày đầu năm mà đã đi mượn tiền chứng tỏ cuộc sống không sung túc, dẫn đến cả năm cứ chật vật kiếm sống, làm ăn khó giàu có nổi.
Cắt tóc: Theo người xưa, cắt bỏ một thứ gì đó khỏi cơ thể vào ngày mùng 1 chính là cắt đi sự may mắn. Không chỉ tóc, người ta còn hạn chế cắt móng tay vào ngày mùng 1 nữa.
Ngoài ra, người Việt còn truyền tai nhau rất nhiều điều kiêng cữ ngày Tết như: kiêng xuất hành vào ngày mồng 5, kiêng từ chối ăn uống khi đi chúc Tết, những đứa trẻ đi chơi thường phải về trước giao thừa để tránh là người đạp đất,…
Những kiêng kỵ trên đây chỉ là quan niệm dân gian, không có cơ sở khoa học, vì vậy bạn chỉ cần biết để có thêm kiến thức tham khảo về văn hóa, phong tục.