Những kiểu “tự sát” trong nghề điệp viên

(Cadn.com.vn) – Điệp viên là nghề hái ra tiền nhưng cũng rất nguy hiểm. Trong đó, tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một “siêu điệp viên” là “vô hình”, tức là họ có thể giấu tên và thân phận thật mà không ai biết. Nếu làm được điều này cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành, đó là một điệp viên hoàn hảo. Tuy nhiên, một số điệp viên vì những sai lầm ngớ ngẩn đã phải trả giá bằng sự tự do và cả mạng sống của mình.

“Gián điệp Pizza” của CIA

Năm 2011, một đường dây gián điệp lớn của Mỹ bị lật tẩy ở Lebanon sau khi Hezbollah – nơi các điệp viên này nhắm đến – phát hiện ra rằng, những người này thường xuyên đi ăn trưa với những nhân viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại một quán Pizza.

Trong vụ này, bất cứ khi nào các nhân viên CIA muốn liên hệ với các tình báo viên để lấy thông tin, họ sẽ gửi mật mã “PIZZA” hẹn gặp “bàn chuyện công tác” ở một quán thức ăn nhanh thuộc chuỗi cửa hàng Pizza Hut của Mỹ ở Beirut. Đây là một phương thức hoạt động quá “cẩu thả và không chuyên nghiệp”. Hezbollah đã cài được 2 thành viên vào mạng lưới cộng tác viên CIA ở Beirut, đồng thời cũng phát hiện 2 nội gián của CIA trong hàng ngũ Hezbollah. Từ hai đầu mối kể trên cộng với “lỗi ngớ ngẩn” của văn phòng CIA ở Beirut, Hezbollah phát hiện và bắt giữ khá dễ dàng hơn chục “đặc vụ” của CIA và “lật tẩy” một số đặc vụ CIA nằm trong Đại sứ quán Mỹ ở Beirut.

Mata Hari

Nữ điệp viên Hari là một vũ công không chuyên đến từ Hà Lan, được đánh giá là một trong những gái nhảy nổi tiếng nhất thế giới thời Thế chiến I. Khi đã có mối quan hệ thân mật với những quan chức cấp cao trong quân đội suốt Thế chiến I, cô đã thu thập thông tin và bán cho cơ quan tình báo Đức. Thế nhưng, khi bị Pháp bắt giữ, cô bác bỏ việc làm gián điệp tình báo cho Đức và quay sang làm việc cho Pháp, chống Đức. Cho đến nay, người ta vẫn không hiểu tại sao một phụ nữ không biết gì lại có thể trở thành một điệp viên lừng lẫy như thế. Câu trả lời vẫn chưa có lời giải đáp. Nhưng cô đã phải trả giá vì tham lam khi muốn làm điệp viên hai mang để kiếm lợi từ cả hai bên. Mata Hari sau đó nhận án tử hình. Và cho đến nay, sự thật là Mata Hari có trở thành điệp viên hay không, mà nếu có thì là làm cho ai – Pháp hay Đức –  hay chỉ ghi danh vào “cơ quan điệp viên” của cả hai để kiếm tiền tiêu xài vẫn luôn là câu hỏi bí ẩn.

“Quý ông to miệng”

Stewart David Nozette, nhà khoa học, chuyên gia phân tích quốc phòng nổi tiếng của NASA đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ vào năm 2009 vì tội làm gián điệp. Trong khi đang bị điều tra về tội làm giả báo cáo chi tiêu tài chính, FBI phát hiện một email Nozette gửi đến một người nhận không được tiết lộ, trong đó nói ông sẵn sàng làm gián điệp với giá hợp lý. Biết rõ việc này, FBI đã đưa Nozette vào tròng khi cho người giả làm điệp viên Israel có ý định mua bí mật của Stewart và được nhà khoa học này trao cho những tài liệu quan trọng. Mọi việc tất nhiên bị lộ, Nozette bị kết án 12 năm tù giam vì tội làm gián điệp cho Israel… mặc dù điệp viên Israel thực chất là nhân viên FBI, Nozette cũng chưa xơ múi được gì và Mỹ cũng chưa hề bị thiệt hại gì.

Đường dây 10 gián điệp Nga

Năm 2010, Washington bất ngờ phá vỡ mạng lưới 10 điệp viên của Nga hoạt động trong lòng nước Mỹ nhiều năm liền. Vào những năm 1990, được Cục Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) huấn luyện để “xâm nhập sâu” vào chính giới Mỹ. Họ đã hoạt động được 20 năm, nhưng vì sao lại bị lộ? Theo nguồn tin, tất cả do “sự thiếu chuyên nghiệp” của những điệp viên này?! Theo đó, Anna Chapman “vô tình” đưa máy tính xách tay của mình cho một đại diện FBI và nhờ anh ta sửa, sau đó đăng ký số điện thoại di động mới theo địa chỉ “99 Fake Street”. Hai điệp viên khác gửi đơn khiếu nại về việc Moscow không cho họ mua một căn nhà ưa thích ở Jersey… Vụ bắt giữ này dẫn tới cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ vào tháng 7-2011. 10 người này được trở về Nga để đổi lấy 4 người bị Moscow bắt giữ vì bị cáo buộc làm tình báo cho Mỹ.

Reino Hayhanen

Vào giữa những năm 1950, huyền thoại tình báo của Liên Xô lúc bấy giờ Rudolph Abel đã xây dựng được một mạng lưới tình báo rộng lớn ở Mỹ. Để nhóm này hoạt động thêm hiệu quả, Moscow phái thêm một nhân viên điện đài đến giúp Abel. Đó là Reino Hayhanen, bí danh là “Vic”, một cán bộ an ninh Liên Xô nhưng là người gốc Phần Lan.

Nhưng khi sang đến Mỹ, Hayhanen chỉ biết chi tiền vào việc chơi bời gái gú, cờ bạc và rượu chè khiến mạng lưới tình báo ở đây đứng trước nguy cơ bại lộ. Biết chuyện, KGB quyết định gọi Hayhanen trở về, nhưng ông ta chống lệnh, ăn cắp 5.000 USD và bay sang Paris tiếp tục ăn chơi. Tại Pháp, ông ta đến Đại sứ quán Mỹ và khai báo về mạng lưới gián điệp này. Vài tuần sau đó, mạng lưới điệp viên quy mô này của Liên Xô bị đập tan. Abel bị bắt giữ và sau đó bị kết án 32 năm tù giam. Năm 1962, ông này được trả tự do trong vụ trao đổi tù nhân lịch sử Mỹ- Nga. Viliam Fisher được về Nga và đổi lại phía Mỹ nhận lại viên phi công Francis Powers bị phía Liên Xô bắn rơi năm 1960 tại vùng Sverdlov.

Điệp viên Rudolph Abel (thứ hai từ trái qua) tại trụ sở của Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB). Ảnh: Trutv 

William Casey 

Bạn có thể hình dung ra một người luôn mặc quần áo bẩn, nhăn nhúm, cứ lẩm bẩm như một thằng điên trên phố và chảy mũi xanh thò lò khi nói chuyện điện thoại hay không? Tất nhiên là không rồi. Nhưng đó lại là hình ảnh của một điệp viên tên tuổi William Casey – vị Giám đốc CIA từng bị buộc phải từ chức năm 1986. Casey được đánh giá là một trong những điệp viên hàng đầu của Mỹ vào những năm 1980. Tuy nhiên, ông lại là trung tâm của những chương trình tai hại của CIA, điển hình là vụ bê bối Iran-Contra, trong đó ông được chính phủ Mỹ cho phép bán vũ khí bất hợp pháp cho Iran để đổi lấy con tin. 6 tháng sau khi buộc phải từ chức, Casey qua đời.

Henri Paul

Năm 1997, Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) quyết định, họ cần một gián điệp bên trong khách sạn nổi tiếng Ritz ở Paris, Pháp – điểm đến của nhiều lái buôn vũ khí khét tiếng ở Trung Đông. Henri Paul được tuyển dụng, nhưng sự nghiệp gián điệp của người này không được lâu. Chỉ vài ngày sau đó, Henri Paul nhận được yêu cầu lái xe chở hai nhân vật quan trọng từ khách sạn đến một tòa nhà gần đó. Hai nhân vật quan trọng đó là Công nương Diana và bạn trai Dodi Fayed. Chiếc xe do Paul lái sau đó đã đâm sầm vào đường hầm khiến cả ba thiệt mạng. Vụ tai nạn cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.

John Walker

Sự nghiệp làm gián điệp cho Liên Xô của viên sĩ quan hải quân của Mỹ này là 18 năm, bỏ túi gần 1 triệu USD, số tiền khá lớn vào những năm 1970. Nhưng thay vì sống kín đáo hơn thì Walker bắt đầu một lối sống xa hoa khi mua đến hai du thuyền đắt tiền và khiến mọi người chú ý đến gia đình ông. Mọi việc bắt đầu sáng tỏ hơn khi vợ cũ yêu cầu Walker cấp dưỡng tiền nuôi con nhiều hơn, nhưng ông này lại dại dột từ chối. Bà này sau đó đã tố cáo ông với FBI. Walker đã phải ngồi tù đến hết đời vì tội làm gián điệp.

Karl Lody

Cái tên Karl Lody đi vào lịch sử ngành tình báo khi trở thành điệp viên nước ngoài đầu tiên bị xử bắn ở Anh và là điệp viên tệ nhất thời Thế chiến I. Lody thuộc lực lượng dự bị hải quân Đức, được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động gián điệp ở Anh và Ireland từ khi bắt đầu Thế chiến I.  Nhưng ngay những ngày đầu làm nhiệm vụ, Lody đã khiến nhiều người nghi ngờ khi liên tục đi quanh một căn cứ quân sự Anh ở Scotland và dò hỏi về tàu chiến neo đậu ở đó. Tất nhiên, cơ quan tình báo Anh sau đó nhanh chóng phát hiện ra chân tướng của Lody và ông ta bị treo cổ ở Tháp London.

Aldrich Ames

Aldrich Ames, cựu điệp viên CIA, đã bán tài liệu mật cho Nga từ năm 1985-1994, kiếm được 4,6 triệu USD. Thông minh và kiêu ngạo, Ames tiếp tục công việc tình báo cho Nga ngay cả sau khi bản thân đang bị điều tra. Khi ông và người vợ Colombia chuẩn bị cho chuyến du lịch xa hoa đến nước ngoài, trong đó có điểm dừng chân ở Moscow, thì CIA bắt đầu hành động. Ames bị bắt vào tháng 2-1994 và chịu án tù chung thân.

 Aldrich Ames khi bị bắt. Ảnh: Trutv

Robert Hanssen

Năm 2001, ngành tình báo Mỹ chấn động khi Robert Hanssen – một “ngôi sao” của FBI bị lộ làm gián điệp hai mang cho Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) từ năm 1979. Giống như Ames, Hanssen núp trong vỏ bọc rất  hoàn hảo nhưng cuối cùng, chính sự tự tin thái quá đã làm hại ông ta. Khi FBI nghe băng ghi âm của một cựu điệp viên Mỹ thời Liên Xô, kẻ phản bội người Mỹ đã sử dụng thuật ngữ giống như từ mà Robert Hanssen thường sử dụng. Hanssen bị lộ. Theo luật, tội của Hanssen là bị xử tử hình. Nhưng vì lo lắng với những thông tin mật mà Hanssen đang nắm giữ và cũng nhờ những lời hứa khai báo tất cả sự thật mà ông ta chỉ nhận án chung thân và bị buộc phải bồi thường số tiền lớn gấp đôi số tiền mà ông nhận được từ việc “bán đứng” Mỹ cho Nga.

Thanh Văn (Theo Trutv)

Rate this post

Viết một bình luận