Những lỗi thường gặp trên Mazda 3 đời 2014 – 2022: Những nguyên nhân gây nên lỗi trên Mazda 3 các dòng Mazda SkyActiv (Mazda 2, Mazda 3, Mazda 6, CX-5) từ 2014 – 2022 như nổi đèn Check Engine (lỗi cá vàng), báo đèn istop, kẹt gương chiếu hậu, thống phanh tự động hay rò rỉ dầu ở phớt
Những lỗi thường gặp trên Mazda 3 đời 2014 – 2022
Phải nói Mazda SkyActiv là một dòng xe tốt về cả cảm giác lái và nội ngoại thất trong phân khúc,được người dùng Việt Nam ưa chuộng nhờ thiết kế thể thao, trẻ trung cùng nhiều màu sơn ấn tượng và là mẫu xe số 1 trong phân khúc sedan hạng C, đồng thời thường xuyên có mặt trong danh sách 10 xe ô tô bán chạy nhất.
Tuy nhiên, mẫu xe Mazda 3 vẫn còn tồn tại một vài lỗi và đã được người dùng phản ánh. Vậy lỗi xe Mazda3 có nghiêm trọng không và gồm những lỗi nào Dưới đây, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc một vào thông tin về lỗi xe Mazda cũng như hướng khắc phục để bạn có thể yên tâm sử dụng.
1. Lỗi cá vàng (check engine)
Đây là lỗi một thời làm chấn động người yêu xe Mazda SkyActiv.
– Lỗi này xuất hiện đặc biệt nhiều trên phiên bản động cơ 1.5L của Mazda 3 cả sedan và Hatchback (Mazda 2 cũng có xuất hiện nhưng xác suất ít hơn, Phiên bản động cơ 2.0 và 2.5 của Mazda 3, Mazda 6, CX-5 thì gần như không thấy xuất hiện lỗi)
– Lỗi gặp chủ yếu trong các lô xe sản xuất từ tháng 07/2015 – tháng 06/2016
Lỗi cá vàng xuất hiện khi động cơ đang hoạt động cảnh báo các vấn đề liên quan đến: động cơ (kim phun, bugi, buồng đốt,…), cảm biến khí thải, cảm biến khí nạp, …. rất nhiều nguyên nhân ạ.
Tuy nhiên, với lỗi này trước đây đại diện Trường Hải có ý kiến rằng:
– Lỗi do người sử dụng loại xăng không đạt chuẩn -> hãng khuyến cáo đổ xăng đạt chuẩn từ A95 trở lên\
– Lỗi do kim phun bị đóng cặn (vì một nguyên nhân nào đó) -> hãng khuyến cáo đổ dung dịch vệ sinh buồng đốt vào bình xăng mỗi lần vào bảo dưỡng 1 vạn.
2. Lỗi mô tơ cụp gương
Đây là lỗi thời gian gần đây gặp rất nhiều trên đủ các bản cả Mazda 3, CX-5 thậm chí Mazda 6. Tỉ lệ lỗi rất cao trên các lô xe sản xuất từ 2016 trở lại đây.
Với các xe bị lỗi này sẽ có hiện tượng:
– Khi mở hoặc gập gương, bên thì cụp, bên thì xòe
– Khi đi mưa về hoặc sau khi rửa xe, bên thì cụp bên thì xòe lúc mở/gập gương
– Khi bị va quệt trên đường bị lật ngược về trước, sau đó vặn lại, lúc mở/gập gương, lại bên cụp bên xòè
Phía Mazda giải quyết:
– Từ chối bảo hành nếu khách hàng nào lắp thêm đồ chơi khóa cửa gập gương lên kính vì lý do làm quá tải motor -> Nghe thì cũng rất hợp lý cơ mà hơi thiếu tình xíu 🙂
– Một số xe đã được bảo hành thay thế motor gương và tạm thời OK, nhưng chưa rõ về lâu về dài có bị trở lại không.
Lý do: Motor và xương theo xe của Mazda hơi kém, dễ bị kẹt khi gặp nước, để lâu dễ dẫn đến vỡ bánh răng khiến gương kẹt hẳn
Hướng xử lý khác cho các cụ:
1. Dùng RP7 hoặc các loại chất bôi trơn khác xịt vào khe gương, motor ngay khi có hiện tượng gương mở cọt kẹt, không mượt mà, tránh để kẹt cứng mới xử lý.
2. Nếu xe trong thời gian bảo hành thì nên dỡ bỏ ngay các bộ gập gương lên kính (nếu đã lắp) và cương quyết đưa vào hãng yêu cầu xử lý, bảo hành
3. Nếu không còn cách nào khác, các cụ nên thay motor và khung xương của hãng khác hoặc chế lại để bền hơn. Cái này hiện em thấy có 1 số cẳu hàng nội thất ở HN đang làm cho các anh em trong hội Mazda cũng được đánh giá khá cao.
3. Lỗi hệ thống i-Stop
Một tính năng tiên tiến của động cơ SkyActive là hệ thống tắt máy tạm thời và khởi động lại động cơ i-Stop nhằm mang đến hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu.
Tuy nhiên hệ thông này cũng mang đến không ít phiền toái cho những người lần đầu hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc.
Lỗi hoặc cảnh báo hệ thống i-Stop hiển thị trên mặt đồng hồ điều khiển sẽ bao gồm:
– Biểu tượng i-Stop màu vàng cam thể hiện hệ thống i-stop bị lỗi hoặc đang chờ hoạt động (nếu hiện độc lập)
– Biểu tượng tam giác chấm than thể hiện hệ thống điện (ắc-quy) bị lỗi ảnh hưởng đến hệ thống i-Stop
Xin chia sẻ thêm một chút về hệ thống i-Stop để các cụ mới dùng xe nắm được hệ thống hoạt động như thế nào và có phải hệ thống bị lỗi hay không?
Hệ thống i-Stop hoạt động khi xe đang vận hành và đèn chỉ báo có màu xanh lá cây. Lúc đó, đạp chân phanh, xe dừng lại, động cơ sẽ ngắt tạm thời. Nhả chân phanh ra khỏi bàn đạp phanh, động cơ sẽ kích hoạt trở lại và xe tiếp tục di chuyển
Các điều kiện làm i-Stop không hoạt động (Không đảm bảo các điều kiện này thì i-Stop không hoạt động chứ không phải hệ thống bị lỗi!)
- i-Stop bị tắt bằng nút tắt trên tablo phía dưới bên trái vô lăng trước mỗi hành trình (biểu tượng phải luôn hiện màu xanh hoặc vàng)
- Bánh xe phải ở vị trí không thẳng (vô lăng bị đánh lái lệch sang 2 bên)
- Xe đang dừng trên dốc
- Xe không được di chuyển từ khi bắt đầu khởi động bằng nút start/stop (bất kể trước đó đã nổ máy bao lâu)
- Nắp capo, các cửa xe chưa đóng chặt
- Dây an toàn phía người lái chưa cài
- Ắc-quy của xe không đủ điện
- Chức năng sưởi kính đang bật
- Nhiệt độ điều hòa đang quá cao hoặc quá thấp
- Hệ thống key less (chìa khóa thông minh) bị lỗi
- Hệ thống phanh bị lỗi (trợ lực phanh không đảm bảo)
Với cảnh báo này, chúng ta nên hiểu rằng:
90% lỗi do ắc-quy yếu hoặc báo lỗi tại thời điểm đó nên ảnh hưởng đến i-stop. Có thời gian các cụ có thể đem qua hãng hoặc gara nào đó đo lại thông số ac-quy xem tình trạng như thế nào
10% là lỗi về hệ thống khởi động thông minh SSU do việc bật/tắt i-stop liên tục.
Giải pháp:
1. Lên xe nhấn tắt xừ i-Stop nếu như xác định đi phố
2. Tắt vĩnh viễn i-Stop bằng phần mềm. Một số xe tắt xong hết báo acquy luôn, lại chạy phe phé trong khoảng nửa năm nữa.
3. Kiểm tra thay thế acquy và tổng thể hệ thống điện xe. Cũng cần lưu ý khi thay ắc-quy cần chọn ắc-quy chuyên biệt cho dòng xe có chức năng Start/Stop tự động nói chung vì yêu cầu về độ bền tuổi thọ và dòng kích nổ.
4. Lỗi hệ thống cảnh báo điểm mù (BSM)
Hệ thống cảnh báo điểm mù BSM (Blind Spot Monitoring) trên Mazda 6 và CX-5 sử dụng cảm cảm biến phía sau xe để phát hiện phương tiện khác cắt ngang khi lùi xe và phương tiện khác vượt xe trong phạm vi tầm nhìn hạn chế.
Xử lý một chiếc Mazda 6 bị báo đèn lỗi BSM như sau:
Lỗi này xuất hiện khi:
– Xe từng có va chạm ảnh hưởng đến cản sau và hệ thống cảm biến.
– Cản sau xe từng được để tháo lắp để sơn lại, hoặc độ đẽo gì đó mà liên quan đến việc tháo lắp các cảm biến.
Sau khi các lý do trên, nếu như xe không được xử lý tại các gara chính hãng hoặc các thợ có kỹ thuật, thì sẽ tồn tại lỗi trên và hệ thống BSM sẽ không hoạt động.
Phương án:
1. Kiểm tra lại việc đấu dây, lắp đặt các cảm biến có đúng thứ tự, vị trí hay không (Nếu như cản sau đã từng bị dỡ ra)
2. Nếu việc đấu dây, phần cứng là OK, bắt buộc phải học (relearn) và căn chỉnh (calibration) lại hệ thống bằng phần mềm chuyên dụng tại Hãng hoặc các cụ có thể ới em kiểm tra xử lý
5. Về các tiếng kêu lạ trên xe
Chắc hẳn khi đi xe mà các cụ cứ nghe thấy mấy tiếng tạch tạch, rồi tè tè rồi lọc cọc sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu, post này em dẽ dành để tổng hợp các nguyên nhân và vị trí có thể phát ra tiếng kêu để các cụ tham khảo và có hướng xử lý nếu xuất hiện trên xe các cụ ạ
A. Tiếng kêu ở tablo phía trước xe:
1 – Kiểm tra ngăn chứa đồ bên ghế phụ xem có vật cứng nào trong đó không
2 – Nếu xe đã từng tháo màn Mazda Connect để Root thì việc tháo lắp làm rơi ốc, lẫy ngậm :)) hoặc do sự va đập của các jack nối cũng có thể phát ra tiếng kêu nhỏ -> Trước và khi lắp ốp và màn hình vào thì nên kiểm tra lại
3 – Tiếng lọc cọc có thể phát ra do lốc lạnh điều hoà (em đã gặp trên 1 chiếc CX-5 2017), cứ khi nào bật điều hoà lên thì nghe tiếng lọc cọc rất rõ còn tắt điều hoà đi thì êm ru 🙂
Về tiếng kêu do lốc điều hoà thì các bạn có thể kiểm tra lại: bi tăng cu roa, ốc bắt lốc điều hòa…
B. Tiếng kêu ở 2 bên tabli cửa:
1 – Nếu các cụ từng tháo tabli cửa để lắp loa, chống ồn hoặc lắp gập gương lên kính thì có thể do việc tháo lắp làm rơi ốc, lẫy ngậm, hoặc va đập jack nối nên có thể kiểm tra những điểm này
2 – Đặc biệt là 2 miếng nhựa đen ở bên trong 2 bên hõm tay kéo mở cửa, do thiết kế bập bênh bên nếu lỏng sẽ rất dễ phát ra tiếng tè tè khi đi qua lằn đường hoặc chỗ xóc -> các cụ có thể dùng tay nhấn chặt lại hoặc cần thiết lấy băng keo 2 mặt dính cố định luôn cũng được, mỗi tội lúc cần tháo tabli cửa lại hơi mệt 🙂
3 – Cụ nào từng bị đạo chích, xơi mất gương mà phải thay gương mới hoặc do va chạm vào gương thì cũng là nguyên nhân gây ra tiếng kêu tè tè khi chạy xe -> Kiểm tra lại độ dơ và rung lắc của gương để có phương án xử lý
C. Tiếng kêu ở giữa xe
1 – Hộc chứa đồ bệ tỳ tay có vật cứng khiến cho mỗi khi xe di chuyển gây ra va đập gây ra tiếng lọc cọc
2 – Hai cửa gió dưới sàn cho hàng ghế sau, rất dễ có dị vật lọt vào trong nếu như có vật rơi dưới sàn mà không may chân người ngồi sau đá vào. Trước có trường hợp em gặp, có tiếng lạch cạch phát ra mỗi khi xe vào cua hoặc tăng tốc nhanh mà tìm mãi không ra, đem vào hãng tháo ống gió cho ghế sau thì mới thấy có 1 cái bút nó chui tọt vào cái ống gió đó từ lúc nào
3 – Tiếng do chốt cắm dây an toàn. Đây là hiện tượng mà các cụ rất dễ gặp phải. Các cụ ấn cho cả cái cần chỗ chốt cắm đó nó sát xuống, tựa chặt vào phần ghế da ý thì nó đỡ kêu hơn
Nếu vẫn không đỡ, mua cái chốt cắm (Loại dẹt mỏng dính ý) cắm vào chốt an toàn bên ghế phụ khi không có người ngồi hoặc di chuyển cung ngắn 🙂 (tất nhiên vẫn nên ép sát xuống ghế da cho đỡ rung lắc nhé)
D. Tiếng kêu phía sau xe
Do vật lăn, di chuyển va đập vào cốp xe, hoặc do kích bánh khi gá vào hông xe không chặt là chính
E. Tiếng kêu trong khoang động cơ
Đây là nơi rất đáng lo khi phát ra những tiếng kêu lọc cọc, và các cụ cần chú ý
1 – Dây Cua roa truyền động và dây cua roa máy phát đến hạn thay thế sẽ có những tiếng kêu rít rít két két -> Kiểm tra và thay thế nếu dây curoa bị trùng, bề mặt dây curoa trơ quá rồi hết ma sát gây trơn trượt
2 – Tiếng gõ máy lạch cạch của động cơ do rất nhiều nguyên nhân: Khe hở suppap, cam cò, bugi, van tuần hào khí xả ERG, … những vấn đề này em sẽ nói chi tiết riêng ở một thớt khác vì khá là phức tạp.
6. Lỗi liên quan đến hệ thống cảm biến của động cơ
Một trường hợp ít gặp hơn nhưng không phải không xảy ra, là nguyên nhân dẫn đến đèn CE (Check Engine) sáng đó là lỗi liên quan đến cảm biến khí nạp (MAF sensor) của động cơ.
– Trường hợp này dễ gặp trên các xe độ Air Intake, làm cho giá trị ngưỡng gió nạp đầu vào thay đổi dẫn đến tỷ lệ xăng gió thay đổi khiến cho ECU xử lý không chuẩn xác.
– Với nhiều xe mà MAF sensor bị dơ, bẩn thì chỉ cần tháo ra vệ sinh rất đơn giản.
– Hoặc nhiều xe khi thay lọc gió, tháo MAF ra để dễ tháo hộp lọc gió, đến khi cắm lại MAF bị lỏng hặoc quên không cắm, cũng gây báo lỗi CE
Khắc phục:
– Việc tháo MAF sensor để vệ sinh (thổi, xịt, lau) khá đơn giản
– Nếu MAF sensor lỏng, ta có thể cắm lại. Có một lưu ý với tất cả giắc cắm trên các xe oto, giắc đã cắm chặt, tiếp xúc tốt, nếu khi cắm vào ta nghe được tiếng lẫy kêu “click” hay tiếng “tách”
– Nếu tín hiệu từ MAF sensor nằm ngoài ngưỡng cho phép (thông số này chỉ có thể đo được bằng thiết bị chẩn đoán) thì phải kiểm tra lại đường gió nạp có bị bục ống hay không, lọc gió độ đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuạt hay chưa (cái này em sẽ không đi sâu)
Ngoài ra một số cảm biến khác lỗi cũng có thể là nguyên nhân nổi đèn CE như cảm biến nước làm mát, dầu động cơ,… với những hệ thống này ngoài kiểm tra bằng mắt thường thì cần có máy chẩn đoán sẽ chính xác hơn rất nhiều
7. Rò rỉ dầu phớt đuôi trục cơ, phớt trục sơ cấp hộp số
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chảy dầu, nhưng đa phần có thể là do gioăng phớt bị lão hóa theo thời gian sử dụng. Hiện tượng các xe mazda bị rò rỉ dầu qua phớt đuôi trục cơ, hay phớt hộp số (Phớt quả bí) cũng là chuyện bình thường
Trên đây là hình ảnh xe bị rò rỉ dầu. Việc này nếu để kéo dài sẽ dẫn đến thiếu dầu máy, dầu số và sẽ ảnh hưởng đến động cơ, hộp số của xe.
Khi đi bảo dưỡng xe nếu thấy xe có hiện tượng trên bạn cần kiểm tra kĩ xem rò rỉ do gioăng phớt nào để có phương án xử lý kịp thời. Mang xe đến các cơ sở uy tín để kiểm tra chẩn đoán đúng bệnh. Tránh thay thế nhầm dẫn đến tốn kém chi phí và thời gian
8. Lỗi phanh khẩn cấp tự động
Lỗi tiếp theo trên xe Mazda 3 là lỗi phanh khẩn cấp tự động vừa phát hiện gần đây. Theo thông báo chính thức của Thaco, lỗi phanh khẩn cấp tự động trên xe Mazda3 là do phần mềm điều khiển hệ thống phanh (SBS) được cài đặt chưa phù hợp.
Trong một số điều kiện nhất định, xe tự động kích hoạt hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp tự động dù phía trước không hề có phương tiện hay chương ngại vật. Đây là một lỗi làm tăng nguy cơ tai nạn, đặc biệt ở các trường hợp lưu thông với tốc độ cao trên cao tốc hoặc trong những trường hợp có xe đi phía sau.
Để khắc phục lỗi thường gặp trên mazda 3 kể trên, Thaco đã thông báo triệu hồi xe Mazda3 đến khách hàng nhằm thực hiện thay thế và khắc phục các bộ phận bị lỗi. Người dùng cần mang xe Mazda3 đến các đại lý xe Mazda để được khắc phục triệt để các lỗi này.
#Xem thêm một số bài viết về :Những lỗi thường gặp trên Mazda 3 đời 2014 – 2022