Những lưu ý cần biết khi xông lá trị cảm cúm

Những lưu ý cần biết khi xông lá trị cảm cúm

Thứ Ba ngày 08/05/2018

Xông lá trị cảm cúm là một phương pháp chăm sóc sức khỏe có từ lâu đời với ưu điểm an toàn và dễ thực hiện.

Từ xa xưa, cha ông ta đã biết sử dụng những loại lá cây để trị bệnh. Trong số đó, xông lá trị cảm cúm là cách đơn giản để cân bằng lại thân nhiệt thông qua việc làm giãn nở các mạch máu ngoại vi, làm mồ hồi thoát ra ngoài. Không chỉ trị cảm cúm, cách này còn có tác dụng chống phù nề hay dùng để giải độc rất hiệu quả.

Khi nào thì nên xông lá trị cảm cúm

Những lưu ý cần biết khi xông lá trị cảm cúm 1

Người bị sổ mũi, ngạt mũi nhưng không đổ mồ hôi thì nên xông lá trị cảm cúm

Nhiệt độ cơ thể người bình thường duy trì ở mức 37 độ C là do các tuyến dưới da được lưu thông. Tuy nhiên, khi bị ốm, các lỗ chân lông bị bít lại khiến đường phế đạo tắc nghẽn. Chính lúc này, các triệu chứng cảm cúm như: đau đầu, ngạt mũi, đau họng, da khô không mồ mồi, người mệt mỏi,…xuất hiện. Để sớm thoát khỏi tình trạng này, bạn nên thử áp dụng cách cảm cúm xông hơi từ các loại dược liệu dễ kiếm quanh nhà. Nồi lá xông nóng không chỉ giúp mở rộng lỗ chân lông, giãn mao mạch, đào thải virus, vi khuẩn ra ngoài mà còn giúp bạn cảm thấy thư giãn và sảng khoái hơn.

Một số loại lá dùng để xông trị cảm

Những lưu ý cần biết khi xông lá trị cảm cúm 2

Nhiều loại lá tự nhiên có thể dùng kết hợp với nhau để xông trị cảm

Trong tự nhiên có rất nhiều loại lá được dùng để xông mà bạn có thể dễ dàng lựa chọn như: lá tre, lá chanh, bưởi, sả, bạc hà, tía tô, nhu hương, cúc tần,… Các loại lá này đều có tính kháng khuẩn mạnh, mùi thơm dễ chịu, giúp trừ phong thông huyết, hạ sốt, tiêu độc tốt. Đặc biệt bạn có thể dễ dàng mua hoặc tìm thấy ngay trong vườn nhà.

Cách xông hơi trị cảm cúm

Chọn lấy khoảng 2 – 5 loại lá kể trên đem rửa sạch và cho vào nồi đổ nước vừa đủ. Lấy lá chuối tươi bịt kín miệng nồi, đậy nắp lại và đun cho nước sôi già. Lúc này người bệnh cần ngồi trong phòng kín gió, đặt nồi nước ở trên giường. Bệnh nhân ngồi bên cạnh nồi, trùm kín chăn, xông trong khoảng 10 – 20 phút. Trong lúc xông không nên mở chăn ra, người bệnh cố gắng hít thở thật đều. Khi mồ hôi đã được toát ra, chỉ được dùng khăn khô để lau người rồi mặc quần áo mới. Thời gian này bệnh nhân rất cần có một người chăm sóc bên cạnh.

Để tăng tác dụng, bạn có thể thêm một vài giọt dầu gió vào nồi nước. Tinh dầu bạc hà từ dầu gió sẽ làm người dễ toát mồ hôi, thông mũi, giảm dịch nhầy.

Thời điểm thích hợp để xông trị cảm cúm hiệu quả nhất là 1 – 2 ngày đầu mắc bệnh. Khi xông cơ thể sẽ đổ mồ hôi nhiều do đó người bệnh dễ mệt mỏi do mất nước. Sau khi xông cần bổ sung nước ngay, tốt nhất là dùng nước điện giải.

Người bệnh không nên xông liên tục nhiều ngày liền. Trong lúc xông nếu thấy khó thở, choáng váng, bủn rủn chân tay thì cần ngừng xông ngay. Lau khô người rồi nằm nghỉ ngơi, nếu thấy tình trạng này nặng hơn phải đưa đi cấp cứu gấp.

Những người không nên xông lá trị cảm

Những lưu ý cần biết khi xông lá trị cảm cúm 3

Phụ nữ đang mang thai không nên xông lá trị cảm cúm

Tuy xông lá trị cảm cúm là cách rất an toàn và hiệu quả nhưng vẫn có một vài đối tượng không nên áp dụng:

  • Người đang bị sốt cao, mệt mỏi, sợ nóng và ra nhiều mồ hôi.
  • Người đang suy nhược cơ thể, người già yếu.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh.
  • Người đang bị tiêu chảy, sốt xuất huyết.
  • Người đang say rượu hoặc mới uống rượu.

Huyền Trang

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Rate this post

Viết một bình luận