Tin ẩm thực – – 2021-01-23T10:53:00+07:00
Trẻ 1 tuổi ngoài việc bú mẹ cần bổ sung những thực phẩm cần thiết cho sự phát triển về thể chất cũng như não bộ. Sự phát triển của bé phụ thuộc rất lớn vào việc cung cấp dinh dưỡng trong giai đoạn này. Do vậy, mẹ cần chú ý khi lên thực đơn cho bé 1 tuổi và xây dựng khẩu phần phù hợp để con yêu có thể phát triển một cách toàn diện nhất.
Bảng đo tiêu chuẩn về chiều cao và cân nặng của bé 1 tuổi
Giai đoạn 1 tuổi là khoảng thời gian bé có sự thay đổi nhiều nhất về chiều cao và cân nặng. Dưới đây là bảng chiều cao và cân nặng chuẩn dành cho bé 1 tuổi cho bố mẹ tham khảo:
- Thông số Bé trai Bé gái
- Chiều cao 70cm – 75 cm 70cm – 74cm
- Cân nặng 9,6kg – 10kg 8,5kg – 8,9kg
Những thực phẩm bé 1 tuổi có thể ăn được
Sữa vẫn là thức ăn quan trọng đối với bé ở giai đoạn 1 tuổi. Theo khuyến nghị, mẹ cần phải bổ sung cho bé ít nhất là 300ml sữa và chế phẩm từ sữa mỗi ngày. Ngoài ra, giai đoạn bé 1 tuổi cần phải bổ sung thêm dinh dưỡng nên mẹ có thể cho bé ăn các món như cháo, soup, các thức ăn mềm dễ tiêu.
Cụ thể, trong thực đơn bé 1 tuổi cần phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm sau:
● Rau củ và trái cây.
● Tinh bột.
● Sữa và các chế phẩm từ sữa.
● Các thực phẩm mềm và giàu đạm như thịt, cá, tôm,…
Các bé khoảng 1 tuổi dạ dày vẫn chưa ổn định, vì thế các thực phẩm trên phải đảm bảo tươi ngon, ít đường và ít muối. Bên cạnh đó, để thu hút bé thì mẹ có thể tham khảo thêm những cách chế biến, trình bày sao cho hấp dẫn về màu sắc, mùi vị,… giúp kích thích và khiến trẻ thích thú với bữa ăn hơn.
Những thực phẩm bé 1 tuổi nên hạn chế ăn
Không phải thực phẩm nào bé cũng có thể ăn được trong giai đoạn này. Dưới đây là 5 loại thực phẩm mẹ cần hạn chế cho bé ăn vì có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ.
- Khoai tây chiên và bánh quy: Trong hai loại thực phẩm này có chứa nhiều muối sẽ ảnh hưởng đến thận vì ở độ tuổi này trẻ chỉ cần khoảng 1g muối mỗi ngày.
- Thức ăn chế biến sẵn: Hàm lượng muối và đường rất cao không thích hợp với trẻ dưới 1 tuổi.
- Kẹo và socola: Axit lên men từ đường trong hai loại thực phẩm này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bé.
- Đồ uống có ga: Hàm lượng đường trong những loại đồ uống này rất cao và thường có chứa caffeine.
- Nước trái cây: Răng của bé sẽ bị đường tự nhiên và tính axit trong những loại nước này gây hại.
Yêu cầu dinh dưỡng khi lên thực đơn bé 1 tuổi mỗi ngày
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi lên thực đơn bé 1 tuổi cần phải chia thành 3 bữa chính mỗi ngày là tốt nhất. Xen kẽ vào đó là 3 đến 4 bữa phụ bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ngoài ra, các mẹ cũng có thể cho bé làm quen với các món mềm, dễ ăn và tiêu hóa như: cháo- mì- bún để đổi mới, tránh sự nhàm chán trong bữa ăn.
Để đảm bảo cho bé dung nạp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu như đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất thì khi xây dựng thực đơn bé 1 tuổi mỗi ngày cần có:
- Tinh bột: 100g – 150g.
- Chất đạm (thịt, cá, tôm,…): 100g – 120g.
- Trứng: 3 – 4 quả/ tuần.
- Rau củ: 50g – 100g.
- Chất béo từ dầu ăn: 1-2 muỗng canh.
- Sữa: 500ml – 600ml.
- Trái cây chín: 150g – 200g.
Sau bữa ăn chính khoảng 15 phút, mẹ có thể cho bé ăn thêm sữa chua hoặc trái cây để tráng miệng. Ngoài ra, chế độ ăn dặm dành cho các bé của người Nhật cũng rất đáng để các mẹ tham khảo thêm.
Những lưu ý khi lên thực đơn dinh dưỡng dành cho bé 1 tuổi
- Các mẹ cần thay đổi món thường xuyên để tránh gây nhàm chán và đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bé.
- 1 tuổi là giai đoạn các bé đang tập ăn những thức ăn dạng cứng. Vì thế, mẹ hãy để cho bé tập ăn trong trạng thái vui vẻ và tự nguyện. Không nên ép bé ăn khi đã no hoặc không muốn ăn nữa vì mỗi bé đều có sức ăn cũng như nhu cầu ăn uống khác nhau. Đừng khiến bé cảm thấy sợ hãi và đồng thời cũng khiến mẹ căng thẳng vì 1 bữa ăn.
- Không nên lạm dụng nước hầm xương vì trong nước hầm xương có chứa canxi vô cơ. Cơ thể bé không thể hấp thu được loại canxi này, từ đó dẫn tình trạng còi xương, chậm mọc răng do bị thiếu canxi.
- Trong chế độ dinh dưỡng của bé không nên quá hạn chế chất béo.
- Bé 1 tuổi vẫn có nguy cơ bị nghẹn thức ăn. Do vậy, các mẹ nên chọn những thức ăn nhỏ, dễ nhai, mềm hoặc đã được nghiền.
Hy vọng bài viết đã giúp mẹ nắm được những yêu cầu cơ bản khi xây dựng thực đơn bé 1 tuổi. Từ đó có thể điều chỉnh được bữa ăn phù hợp để bé thêm hứng thú và dung nạp đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết, hỗ trợ bé phát triển một cách toàn diện về cả thể chất lẫn trí tuệ. Ngoài ra, mẹ có thể tìm đọc các kiến thức khác liên quan khác liên quan đến ẩm thực, dinh dưỡng, những công thức nấu ăn ngon, hay mẹo vặt hữu ích trong nhà bếp trên Tastykitchen.vn nhé.