Xông giải cảm không đơn giản chỉ là mua bó lá thuốc, đun sôi rồi chùm chăn cho mồ hôi túa ra…
Phương pháp chữa cảm hữu hiệu
Bình thường nhiệt độ của cơ thể ổn định là nhờ sự lưu thông ở tuyến da. Khi cơ thể bị nhiễm hàn, tà, những lỗ chân lông bị hàn tà bít lại gây tắc khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên. Xông sẽ làm cho giãn mạch, mở lỗ chân lông để hàn tà, virus thoát ra ngoài.
Trong các loại lá xông lại chứa tinh dầu giúp giải cảm, tiêu độc rất tốt. Bởi vậy, từ xưa đến nay dân gian vẫn thường dùng lá xông để chữa cảm. Đông y cũng xem đó là phương pháp điều trị cảm có hiệu quả.
Chị Lê Tuyết Lan ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội là người thường chữa cảm cho con bằng phương pháp xông lá. Vừa qua, con trai chị 4 tuổi bị sốt xuất huyết. Ngoài việc điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, chị Lan đã mua lá xông về đun lấy nước, chờ cho ấm để lau người cho con. Ngày thứ nhất chị lau người, ngày thứ hai gội đầu, ngày thứ ba chị tắm cho con bằng loại nước xông để ấm. Sau 3 ngày, con chị hết sốt và khỏi bệnh.
Theo lương y Lương Đức Mến, trong tất cả các loại cảm như cảm lạnh, sốt virus… (trong Đông y gọi là ngoại cảm phong nhiệt và ngoại cảm phong hàn, dân gian gọi là cảm lạnh hoặc cảm tà) thì điều trị bằng phương pháp xông lá rất hiệu quả. Cảm là tình trạng cơ thể bị nhiễm lạnh, nhiễm gió độc, thậm chí là nhiễm virus ở dạng biểu (dưới da). Đông y cho đây là hiện tượng bế biểu do cảm phong hàn. Các lỗ chân lông bị bít lại, đường phế đạo đang bị ách tắc làm xuất hiện một loạt những triệu chứng như: Đau đầu, ngạt mũi, đau họng, rát họng, da khô, không có mồ hôi, đau xương, đau mình, muốn nằm, sốt…
Chỉ xông trong 3 ngày đầu bị bệnh
Chỉ xông trong 3 ngày đầu bị bệnh
Theo lương y Lương Đức Mến, mặc dù phương pháp xông lá có tác dụng làm người bệnh nhanh khỏi, nhưng không phải lúc nào cũng xông được. Nếu người bị cảm đã bị nhiễm sâu vào trong (khoảng từ ngày thứ 3 trở lên) lúc đó không nên xông mà phải dùng các phương pháp khác.
Chỉ nên điều trị xông lá trong khoảng từ 1- 2 ngày đầu bị bệnh. Lúc này, khí độc, gió độc đang nằm dưới biểu nên phương pháp xông sẽ có tác dụng mở lối cho khí độc thoát ra ngoài. Đặc biệt, trong lúc xông phải lưu ý tránh nhiệt độ tăng đột ngột.
Cần mở nồi xông he hé, từ từ và kiểm soát lượng mồ hôi để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước. Khi cơ thể bị mất nước sẽ dẫn đến một loạt những triệu chứng sốc khác mà cơ thể không thể kiểm soát được như trụy tim mạch, tụt huyết áp…
Những nguyên tắc không nên bỏ qua
Việc chị Lan không xông mà chỉ lau người và tắm gội cho con được đánh giá là một cách làm khôn ngoan. Bởi theo Thạc sĩ Đào Hữu Minh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền TƯ, những người bị bệnh huyết áp cao, tim mạch, mắc bệnh ngoài da, phụ nữ mang thai, những người hay ra mồ hôi, mất máu nhiều, mới ốm dậy, người cao tuổi, trẻ em, người có biểu hiện tâm thần… không nên xông hơi, xông lá.
Còn với các nhóm đối tượng khác, khi xông hơi, cần làm sạch cơ thể trước đó; không tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở, nếu gặp lạnh sẽ bít lại, không thoát được nước, dẫn đến dễ bị cảm, máu huyết không lưu thông; chỉ nên để nhiệt độ xông cao hơn nhiệt độ cơ thể từ 7-8oC và không được quá 30 phút.
Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn… cần ngừng ngay, trường hợp nguy cấp phải đưa tới bệnh viện để cấp cứu.
Theo Quỳnh Thy
GĐ&XH