Bún đậu mắm tôm đậm đà, bún thịt nướng thơm nức hay bình dân bún bì… là những món bún khô được nhiều người ưa thích.
Không sử dụng nước lèo như bún bò, bún mộc, bún thang… các loại bún khô hấp dẫn người ăn bởi hương vị đậm đà của chén nước chấm chua ngọt ăn kèm. Hương vị đậm đà của nước chấm khi pha trộn với các nguyên liệu ăn kèm đem lại cho người ăn sự ngon miệng rất thú vị.
1. Bún chả Hà Nội
Mỗi khi nghe nhắc đến bún chả Hà Nội, người ta sẽ hình dung ra một món ăn đậm đà với các nguyên liệu quen thuộc như bún, thịt nướng, chả, nem cùng bát nước chấm chua ngọt đậm đà. Bát bún chả hấp dẫn, thơm mùi quyến rũ của thịt và chả được nướng vừa chín tới. Nước mắm được pha vừa ăn, có vị béo của thịt, những lát đu đủ xanh, cà rốt đỏ ăn kèm có độ giòn, mềm cho bạn cảm giác ngon miệng.
Chén nước chan vừa ăn cùng với đu đủ, cà rốt thái mỏng là đặc trưng của món ăn này. Ảnh: Khánh Hòa.
Bún chả Hà Nội thường ăn kèm với các loại rau sống mang đậm hương vị của xứ Bắc như: xà lách, kinh giới, húng quế… các loại rau này khi ăn kèm với bún chả cho bạn cảm giác ngon miệng và đỡ ngấy hơn.
2. Bún đậu mắm tôm
Bún đậu mắm tôm là món ăn đường phố rất nổi tiếng của người Hà Nội. Món ăn đơn giản với bún tươi, đậu rán và mắm tôm cùng một ít rau xanh. Chỉ chừng đó thôi nhưng đủ để người ăn cảm thấy ngon miệng mỗi khi thưởng thức. Ngày nay, bún đậu mắm tôm còn có thêm các nguyên liệu khác như thịt bắp, chả cốm… làm cho món ăn thêm phong phú và đa dạng.
Đậu phụ, mắm tôm là hai thành phần chính của món ăn đường phố này. Ảnh: Khánh Hòa.
Một phần bún đậu mắm tôm đầy đủ gồm có bún tươi, đậu rán, thịt bắp luộc thái thành từng lát vừa ăn, chả cốm, các loại rau đặc trưng của miền Bắc như: kinh giới, tía tô, ngò gai… Một thành phần quan trọng không thể thiếu là mắm tôm. Cách pha chế mắm tôm rất đơn giản, một ít mắm tôm, cho vào tí mỡ nóng, vài lát ớt thái, vắt vào một ít chanh, dùng đũa đánh cho mắm tôm dậy bọt, bông lên là được.
Khi ăn, chỉ cần gắp miếng bún với ít rau xanh, chấm vào chén mắm tôm và thưởng thức cùng chả cốm, đậu rán và thịt luộc… Cái vị cay nồng nhưng đậm đà của mắm tôm, hương thơm của các loại rau hòa quyện vào nhau, bên cạnh đó là lát thịt luộc chín mềm hơi ngọt, lớp vỏ giòn rụm hơi béo của chả cốm, đậu rán đem lại cho người ăn sự ngon miệng khó diễn tả.
3. Bún thịt nướng
Bún thịt nướng nhiều thành phần nhưng không cầu kỳ, là món ăn nhanh, phù hợp với tính cách cũng như cuộc sống năng động của người Sài Gòn. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này tại quán cóc ven đường hay ngồi trong khung cảnh sang trọng của nhà hàng. Thành phần bún khá đơn giản với bún tươi, các nguyên liệu ăn kèm phong phú như: chả giò, thịt nướng, nem nướng cùng một ít rau sống thái nhỏ và nước mắm chua ngọt.
Hương vị thơm nức của thịt nướng cùng nước chan đậm đà đem lại sự ngon miệng cho người ăn. Ảnh: Khánh Hòa.
Bát bún thịt nướng thơm ngon, đa màu sắc, đó là màu trắng tinh của bún tươi, màu vàng ươm của chả giò, vàng nâu của thịt nướng, nem nướng cùng sắc xanh của các loại rau ăn kèm, và điểm xuyết thêm màu đỏ của ớt tươi. Tất cả nguyên liệu được cho vào chung trong một bát bún, đầu tiên là rau sống thái nhỏ, bên trên là một lớp bún tươi, các nguyên liện như thịt nướng, chả giò, nem được để trên bề mặt, chan nước mắm vào trộn đều và thưởng thức.
4. Bún bì
Bún bì là món ăn quen thuộc của người dân miền Tây Nam bộ. Bún là sự kết hợp giữa bún tươi, bì, nước mắm và một ít rau sống… chỉ đơn giản là vậy cũng đủ để bún bì trở thành một món điểm tâm được nhiều người ưa thích.
Nước mắm pha chua ngọt là thành phần quan trọng làm nên sự đậm đà cho món ăn. Ảnh: Khánh Hòa.
Thịt để làm bì phải chọn là loại thịt heo nạc đùi ngon, ướp gia vị đều tay và ram cho vàng thơm. Da heo luộc chín và xắt thật nhuyễn thành từng sợi nho nhỏ. Vo sạch gạo để ráo, cho vào chảo rang vàng, lấy ra để nguội xay nhuyễn làm thính. Cho da heo và thịt ram xắt sợi trộn đều vào nhau bởi một lượng thính gạo vừa đủ. Tỏi phi dầu vàng vào trộn chung cho bì được thơm.
Nước mắm pha chua ngọt là thành phần quan trọng làm nên sự đậm đà cho món ăn. Một ít nước mắm, một ít đường, chanh được hòa chung theo một tỉ lệ nhất định cùng với tỏi ớt băm nhuyễn để khi ăn có vị chua ngọt, có vị đằm đằm, cay the the rất vừa miệng.
5. Bún mắm cua
Cùng với phở khô thì bún mắm cua là một đặc sản của phố núi Pleiku. Món bún mắm cua rất đặc biệt, ai chưa biết ăn chỉ cần ngửi mùi là không thích ngay. Nhưng khi đã biết ăn rồi thì nó trở thành món ăn không thể nào quên được.
Bún mắm cua khá kén người ăn bởi mùi vị đặc trưng của nó. Ảnh: Khánh Hòa.
Để có một bát bún mắm cua ngon, người làm cũng hết sức kỳ công mới chế biến ra được món ăn này. Nguyên liệu để tạo ra món bún mắm cua rất đa dạng: cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, chả hoặc nem, da lợn chiên giòn, bánh phồng tôm, các loại gia vị ớt, mắm nêm, rau ăn kèm như: giá, bắp chuối, xà lách, ngổ, kinh giới, rau thơm… Cua đồng là một thành phần quan trọng, chủ đạo của món ăn này nên người bán thường lựa chọn cua rất kỹ. Theo kinh nghiệm của người dân, vào mùa mưa, cua đồng sẽ nhiều, thịt cua ngọt và chắc hơn mùa khô.
Bún mắm cua khá kén người ăn bởi mùi vị đặc trưng của nó. Không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của mắm nguyên chất và nước cua lên men. Bún cua có vị mặn của mắm, vị thơm các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da lợn… tất cả hòa quyện nhau tạo nên món ăn rất hấp dẫn và ngon miệng.
Khánh Hòa