Những ngôi chùa xứ Bắc

Bắc Ninh được biết đến là xứ sở của chùa tháp với câu ca lưu truyền trong dân gian “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Như vậy, chùa xứ Bắc nổi tiếng đẹp nhất cả nước và là một bộ phận quan trọng góp phần bồi đắp bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Hiện nay, Bắc Ninh có 613 ngôi chùa phân bố ở 126 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, 3 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp), 46 di tích quốc gia và 86 di tích cấp tỉnh. Hầu như làng xã nào ở Bắc Ninh cũng có một vài ngôi chùa gắn với không gian an lạc, hài hòa, tĩnh mịch, êm đềm.
Với lịch sử hình thành lâu đời và trải qua các triều đại phong kiến, nhiều ngôi chùa ở Bắc Ninh được xây cất quy mô bề thế, rộng hàng trăm gian với những ngôi tháp nhiều tầng, kiến trúc, điêu khắc hết sức cầu kỳ, sống động trở thành những đại danh lam. Có công trình trở thành tác phẩm nghệ thuật giá trị đặc sắc, di tích lịch sử quan trọng và là biểu tượng của văn hóa vùng miền. Tiêu biểu như chùa Dâu-tổ đình của Phật giáo Việt Nam và hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu (Thuận Thành) vốn được khởi dựng từ thế kỉ đầu Công nguyên là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta, sau đó truyền bá ra khắp các vùng miền trong nước. Sử sách ghi chép, chùa Dâu được xây dựng năm 187. Điểm nhấn ấn tượng của chùa Dâu, ngoài những pho tượng Phật đẹp thì ở giữa sân còn có tháp Hòa Phong vốn xưa cao 9 tầng (nay chỉ còn 3 tầng) do Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi hưng công.

 

Tháp chùa Phật Tích, Tiên Du (Ảnh tư liệu).

Ở thời Lý, Phật giáo phát triển cực thịnh, trở thành quốc giáo, vì thế hầu như các chùa tháp thời Lý đều do triều đình đứng ra xây dựng. Ở Bắc Ninh có những đại danh lam nổi tiếng như chùa Phật Tích, chùa Dạm… Chùa Phật Tích được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII-X và được hoàn thiện vào năm 1057, triều vua Lý Thánh Tông. Đến thế kỷ XI, vua Lý Thần Tông đã khánh thành 84 nghìn bảo tháp đất nung. Trong nhiều truyện kể truyền rằng, ở Phật Tích đặt 8 vạn tháp, vì thế dãy núi Phật Tích mang tên núi Bát Vạn. Ngày nay, vẫn còn tìm được ở khu vực này nhiều bãi tháp đất nung.
Chùa Dạm có kết cấu kiến trúc kỳ vĩ được xây dựng trên các cấp nền to rộng, thể hiện sự ngưỡng vọng của triều đình nhà Lý với đạo Phật. Ngôi chùa được xây dựng trong 8 năm từ 1086-1094 và chỉ sau 11 năm lại được tôn tạo bề thế hơn. Ngày nay các dấu tích vật chất chứng minh quy mô đồ sộ, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo của một ngôi chùa hoàng gia thời Lý.
Kiến trúc chùa tháp tăng lên nhanh chóng về số lượng và mở rộng quy mô, địa bàn vào thời Trần. Hoàng tộc và quý tộc triều Trần đều tôn sùng đạo Phật và còn sáng tạo ra các trường phái tu tập, thiền định với đại diện tiêu biểu là vua Trần Nhân Tông đã quyết chí xuất gia, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Chùa Bút Tháp là một trong những ngôi chùa được xây dựng vào thời Trần, nơi trụ trì của Thiền sư Huyền Quang (Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm). Trải thăng trầm lịch sử đến thế kỷ XVII, thời Lê Trung Hưng được các quý tộc triều đình, đứng đầu là Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cho trùng tu, xây dựng quy mô lớn theo kiểu nội công ngoại quốc và vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay.

 

Kiến trúc cầu đá chùa Bút Tháp (Thuận Thành).

Ngoài ra, ở Bắc Ninh còn nhiều ngôi chùa được xây dựng quy mô lớn, là nơi hành đạo của nhiều bậc cao tăng, nổi tiếng như: Chùa Tam Sơn, chùa Tiêu, chùa Bách Môn, chùa Lim, chùa Đại Bi…
Di sản chùa tháp Bắc Ninh không chỉ có kiến trúc bề thế, quy mô mà còn có vai trò, vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa cộng đồng làng xã với phong phú giá trị vật thể và phi vật thể. Nhiều ngôi chùa là địa chỉ đỏ cách mạng, nơi nuôi giấu các nhà hoạt động cách mạng, tổ chức các hội nghị quan trọng của Đảng như chùa Đồng Kỵ (Từ Sơn), chùa Hồng Ân (Tiên Du), chùa Liễu Khê (Thuận Thành) góp phần vào thắng lợi của cách mạng dân tộc.
Dân gian có câu “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Suốt quá trình hình thành và phát triển, chùa tháp không chỉ là nơi để người dân tới lễ Phật, nghe giảng kinh mà còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân. Nếu xưa kia, ngôi đình chỉ dành cho nam giới, các bậc cao niên, quan viên bàn việc làng thì chùa tháp chính nơi là dành cho các cụ bà, các cô thôn nữ và trẻ em theo bà, theo mẹ đi lễ chùa cầu bình an – “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Nhiều chùa tháp ở Bắc Ninh không chỉ thờ Phật mà còn thờ thần, thờ Mẫu, thờ các vị vua, thiền sư. Vì vậy, có điểm thú vị là vào những dịp lễ hội truyền thống của làng thường có sự gặp gỡ giữa Thành Hoàng làng và các vị thần Phật, Mẫu ở chùa. Đây chính là điểm độc đáo để từ đó nhận ra vị trí, vai trò của chùa tháp trong cộng đồng làng xã Bắc Ninh.
Tìm hiểu về vai trò chùa tháp trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng dân cư làng xã, tác giả Khúc Mạnh Hà, cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh đánh giá: Di sản chùa tháp được xem như một bảo tàng hoàn hảo về cả giá trị vật chất và tinh thần, cả lịch sử lẫn nghệ thuật, kiến trúc; là hình tượng mang tính cộng đồng, góp phần làm nên giá trị tiêu biểu của văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Trong tâm thức người dân Bắc Ninh, chùa tháp là điểm tựa văn hóa, nơi diễn ra hoạt động tâm linh, cầu chúc dân an, vật thịnh, gửi niềm tin, khát vọng cuộc sống; cũng là trường học giáo dục đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền bá tinh thần vị tha, bác ái, từ bi hỉ xả, thoát tục giữa đời thường. Mỗi ngôi chùa là kho tàng lịch sử văn hóa lưu giữ nhiều nguồn tài liệu, di vật, cổ vật có giá trị, mang tiếng nói của lịch sử, văn hóa, khoa học, mỹ thuật và thực hành tín ngưỡng văn hóa dân gian làng xã.

Rate this post

Viết một bình luận