Chúng tôi về làng chài nhỏ trên vùng biển cửa Ba Lạt để theo ngư dân bủa lưới săn cá vàng và nghe kể lại những khoảnh khắc khó quên khi được “lộc Hà Bá”.
Cầm giẻ lau đi lau lại chiếc xe Dream đã cũ, ông Hoàng Văn Đức (55 tuổi, ở đội 7, thôn Tam Bảo, xã Nam Hồng, Tiền Hải, Thái Bình) cười khà khà: “Chiếc xe này mua bằng bong bóng cá sủ vàng đó chú ạ”.
Ngư dân bên “cục vàng biển” – Ảnh do ông Duệ cung cấp
Ông Đức nhìn ra biển, bồi hồi nhớ lại chuyện cũ. Đó là một mẻ lưới cất vào tháng 10/1994. Tối hôm đó, ông chăng lưới dài chừng 100m ngang cửa Ba Lạt (cửa chính sông Hồng đổ ra biển). 6 giờ sáng hôm sau, ông ra kéo lưới. “Tôi phải dụi mắt tới 3-4 lần mới tin rằng trong lưới của mình có cá sủ vàng. Cả thuyền mừng rơi nước mắt. Đem cá vào bờ cân được 47 kg, bán 85 triệu đồng”.
Chúng tôi ra khu vực cửa sông thuộc xã Nam Hồng, lên chiếc thuyền nhỏ của anh Nguyễn Văn Thanh, 30 tuổi, đi rải lưới săn lùng cá vàng. Chập tối, thuyền rì rì chạy ra cửa sông, cách đó vài chục mét là một thuyền máy khác chạy song song. Hai chiếc thuyền dần dần tách nhau để căng ngang sông chiếc lưới rộng hơn trăm mét.
Chỉ mắt lưới rộng hoác mà đầu trẻ con có khi cũng chui lọt, anh Thanh giải thích: “Khi căng ngang sông, có lực chảy của nước nên các mắt lưới sít lại với nhau, cá vài cân cũng không chui lọt. Chúng tôi thường dùng loại lưới này để kéo cho nhẹ”.
Đi suốt vài đêm cùng anh Thanh trên khúc sông lạnh lẽo, cá vàng vẫn chưa thấy đâu. Anh động viên chúng tôi bằng những thông tin hấp dẫn: ông Trần Văn An, cũng ở Nam Hồng, vừa trúng cá 75 kg bán 1 tỷ đồng hồi đầu năm 2009. Mới đây nhất, hồi giữa năm 2010, nhóm của anh Bùi Văn Thắng ở Thái Thụy, Thái Bình trúng con cá sủ vàng nặng 69 kg, bán cho một thương lái tên Duệ ở Tiền Hải giá 1,5 tỷ đồng.
Trong tiếng sóng ì oạp lúc đêm khuya, ông Lê Văn Tiến, người từng 3 lần bắt được cá sủ vàng vào những năm 1980, vừa nhâm nhi chén rượu vừa kể: “Giống cá sủ lạ lắm, nó không xuất hiện thì thôi, chứ đã gặp thì 90% bắt được vì khi mắc lưới, cứ nằm thở phì phò, hầu như không quẫy, có khi nó kêu khịt khịt, có khi lại kêu ụt ịt như tiếng lợn”.
Hàng trăm thuyền đánh cá tại làng chài này và hàng vạn ngư dân vùng cửa biển vẫn nuôi hy vọng sẽ bắt được cá vàng. Nhưng những người từng trúng cá bạc tỷ, cuộc sống của họ giờ ra sao?
Trúng cá là… lên bờ
Tại thôn Cao Bình, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, Thái Bình chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Huyền đứng trước căn nhà cấp 4 được xây lên từ tiền bán cá sủ cách đây 10 năm. Hồi tháng 2/2001, anh em Huyền bắt được con cá sủ nặng 60 kg, bán được 230 triệu đồng (khi đó vàng 450.000 đồng/chỉ).
Bố Huyền sợ tiêu hết nên chia tiền mua đất dựng nhà cho các con rồi lại đi biển kiếm sống. “Ai được lộc cũng phải giúp đỡ anh em, họ hàng làng xóm, người vài trăm, người dăm ba triệu, vì hoàn cảnh họ cũng khó khăn cả. Trúng được cá vài trăm triệu to thật, nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, đến năm 2002 thì số tiền bán cá nhà em đã hết xoẳn…” – chị Huyền kể.
Ở cùng xóm Cao Bình, nhà ông Nguyễn Văn Lực và bà Nguyễn Thị Quế hồi tháng 1/2000 cũng từng trúng cá sủ 65 kg, bán được 238 triệu đồng. Bà Quế mua nhà cho các con lên bờ, nhưng giờ đây cũng chưa thoát cảnh nghèo vì không có đất canh tác. Mấy người con trai vẫn đi chài lưới còn bà và con dâu phải thuê ruộng để cấy lo gạo ăn hàng ngày.
Cá sủ vàng trị giá gần 1 tỷ đồng được ông Duệ mua hồi năm 2009. Ảnh Tuấn Dương
“Chúng em chỉ mong các nhà báo kêu nhà khoa học, các bác giáo sư nghiên cứu làm sao nhân giống được cá sủ vàng, dạy người dân cách nuôi cá hoặc thả cá giống xuống biển để thỉnh thoảng bà con đánh được, để lại có cơ hội đổi đời, dân chài có thể lên bờ cho con cái ăn học”, chị Nguyễn Thị Thương, con dâu bà Quế, mong ước.
Bí ẩn giá cá sủ vàng
Cá sủ vàng ngày càng hiếm, và không ai biết chính xác giá của nó trên thị trường là bao nhiêu, người ta mua để làm gì? Theo mách nước của ngư dân ở khu vực cửa Ba Lạt, chúng tôi tìm hỏi chuyện người buôn cá sủ tên Duệ ở xã Nam Hồng, Tiền Hải.
Ông Phạm Văn Duệ sống cùng vợ con trong một ngôi nhà xinh xắn, dù là một thương gia nổi tiếng khắp vùng về nghề buôn cá sủ nhưng ông vẫn giữ vẻ mộc mạc, chân chất. Ông kể, hồi những năm 1980 người dân bắt được cá sủ nhiều như cơm bữa, phải đội cá ra chợ bán như bán cá ao bây giờ. Khi đó vợ chồng ông Duệ từng đi đổi 1 kg bóng cá sủ khô được 7 chiếc phích Rạng Đông. Nhưng từ những năm 1990 giá cá bắt đầu tăng cao.
“Con cá này đắt không phải vì bóng cá sủ có thể làm được chỉ khâu tự tiêu hay dùng cho y học gì cả. Điểm đến cuối cùng của bóng cá hay thịt cá đều là trên bàn tiệc. Giới nhà giàu ở Hong Kong rất chuộng loại cá này, đặc biệt là món bóng cá. Tôi đã từng ăn bóng cá sủ vàng, nó rất bùi, giòn sần sật”.
Theo ông Duệ, làm nghề buôn thứ các bạc tỷ này không phải dễ hốt bạc, có những khi mua cá to nhưng bóng cá bé thì coi như lỗ vốn. Có khi mua cá bảo quản không tốt, cá bị ươn là mất mấy trăm triệu như chơi. “Khi chọn cá, phải chọn cá đực mình dài, thuôn thuôn thì bóng nó mới dày và nặng” – ông Duệ nói.
Theo giới trong nghề, trước đây khi có cả sủ nhiều, lái buôn trong nước chỉ mua bóng mang ra nước ngoài bán, một con cá sủ 70 kg có thể cho 2-3 kg bóng. Nhưng nay, để đảm bảo nguyên bản, người ta mua cá và cấp đông rồi chuyển cả con ra nước ngoài. Vì vậy, lái buôn ở Việt Nam cũng bớt rủi ro vì mua cả con, bán cả con. Khi bán, thịt cá chỉ chừng 800.000-1 triệu đồng/kg, còn lại là tiền bóng.
* Tiêu đề do Bee.net.vn tự đặt
Káp Long – Thục Quyên (Bài đăng trên Thanh niên Xuân Tân Mão)