Những phim Ghibli khán giả Việt mê mẩn phải xem – BBC News Tiếng Việt

Những phim Ghibli khán giả Việt mê mẩn phải xem

  • David Barnett
  • BBC Culture

7 tháng 3 2020

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Lời Thầm Thì Từ Trái Tim (Whisper of the Heart), 1995

Lần đầu tiên, những bộ phim nổi tiếng của hãng phim hoạt hình Nhật bản Studio Ghibli có mặt trên dịch vụ xem phim trực tuyến, với việc Netflix bắt đầu chiếu 21 phim của nhà sản xuất này từ ngày 1/2.

(Mặc dù phim vẫn chưa có mặt tại thị trường Mỹ, Canada và Nhật Bản, nhưng HBO Max rồi cũng sẽ bắt đầu chiếu vào một thời điểm nào đó).

Có hai loại người trên đời này – đó là những người chưa bao giờ nghe nói đến Studio Ghibli, và những người yêu phim của họ bằng tất cả trái tim.

Nếu bạn đã từng xem bất cứ bộ phim nào của hãng được Hayao Miyazaki và Isao Takahata sáng lập năm 1985, thì đó hoặc là một bộ phim được chiếu ở rạp, trên đĩa DVD, hoặc đã thảng hoặc được chiếu trên TV.

Nhưng hợp đồng với Netflix chắc chắn sẽ đưa tên tuổi xưởng phim đến với những khán giả hoàn toàn mới.

Tất nhiên là Nhật Bản đã nổi tiếng với phim hoạt hình, hay còn gọi là anime, nhưng Ghibli (tên này có nghĩa là “Gió Sa Mạc” trong tiếng Libya, do Miyazaki chọn để đánh dấu hành trình mạo hiểm sẽ quét qua ngành công nghiệp phim hoạt hình sẵn có) là một thể loại đứng riêng mình nó, và hình ảnh vẽ tay tuyệt đẹp của hãng này đã trở thành kiểu mẫu cho rất nhiều phim khác sau những phim đầu tay của hãng.

Nhưng với hơn 20 phim, tất cả đều rất khác nhau, mà bạn có thể chọn từ khi Netflix quyết định mở cánh cổng cho Ghibli, thì bạn nên bắt đầu chọn xem từ phim nào?

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Vùng Đất Linh Hồn (Spirited Away), 2001

Nếu bạn muốn xem một phim đoạt giải Oscar…

Thì hãy bắt đầu với bộ phim “Vùng Đất Linh Hồn” (Spirited Away – 2001), thắng giải phim hoạt hình hay nhất tại Lễ trao Giải của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ năm 2003, và phim này cũng gói gọn hầu hết những giá trị mà hãng Ghibli theo đuổi.

Nhờ vào tên tuổi nổi tiếng, bộ phim này thường là phim đưa mọi người đến với Ghibli.

Đó là câu chuyện nhận thức cực kỳ tuyệt vời về một cô bé 10 tuổi tên là Chihiro, cùng cha mẹ chuyển đến sống trong ngôi nhà mới.

Khi cha cô đi đường tắt, cuối cùng Chihiro bị lạc và chỉ có một mình ở trong vùng đất linh hồn. Cô bé phải tìm đường trong một thế giới như trong mơ, đầy những sinh vật càng lúc càng kỳ quặc, để cứu cha mẹ.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Totoro, Hàng Xóm Của Tôi (My Neighbour Totoro), 1988

Nếu bạn muốn có cảm giác hoàn toàn vui vẻ…

Tiếp đến, bạn cần phải xem bộ phim “Totoro, Hàng Xóm Của Tôi” (My Neighbour Totoro – 1988).

Đây là bộ phim tạo bệ phóng cho hàng triệu món đồ chơi thú nhồi bông, và xây dựng hình ảnh biểu tượng của Studio Ghibli sau này – vị thần rừng trong bộ dạng một con quái thú to lớn, đầy lông mềm mại và dịu dàng.

Xây dựng trong bối cảnh ở nông trang tuyệt đẹp vào thập niên 1950, bộ phim kể câu chuyện về hai cô bé gái và cha chuyển đến sống ở vùng quê mới để gần với bệnh viện, nơi mẹ của các em đang điều trị và hồi phục.

Ở đó, các cô bé gặp Totoro và nhiều bạn bè của con quái thú, nổi bật nhất trong số đó là chú Xe bus Mèo tuyệt đỉnh.

Kịch bản phim khá mỏng nhưng chẳng hề gì. Bộ phim rất tuyệt vời, dành cho trẻ nhỏ và cả người lớn.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Pom Poko, 1994

Nếu bạn muốn xem gấu mèo biến hình…

Này, thành thật đi, ai mà không muốn chứ? Đặc biệt là khi tụi gấu mèo sử dụng phần bìu để gây ra bao hiệu ứng hài hước.

“Pom Poko” (1994) sẽ không giống với bất kỳ phim nào bạn từng xem trước đó và bạn phải xem ngay.

Cũng giống như rất nhiều phim khác của Ghibli, bộ phim này có thông điệp môi trường mạnh mẽ, khi một bộ tộc gấu mèo (nổi tiếng trong truyện cổ dân gian Nhật Bản) phải vượt qua khác biệt để ngăn chặn những người phát triển bất động sản phá sạch cánh rừng bên đồi, nơi chúng đang sống, để xây dựng một dự án nhà ở.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Porco Rosso, 1992

Nếu bạn muốn xem một cuộc phiêu lưu kỳ thú….

Không thiếu những cảnh phim hồi hộp trong “Porco Rosso” (1992).

Đây là bộ phim cho thấy có vẻ nhiều sản phẩm của hãng có hơi hướng châu Âu hơn là Nhật Bản.

Dịch ra thì có nghĩa là “Chú Heo Màu Đỏ”, Porco Rosso là phi công tài ba người Ý trong Thế Chiến Thứ Nhất bị biến hình bởi một lời nguyền hóa thành chú heo có dạng người, và hiện giờ làm thợ săn tiền thưởng chiến đấu với bọn không tặc trên biển Adriatic.

Bộ phim có sự hấp dẫn, tình huống kịch tính và một chuyện tình cảm động, và đem lại cảm giác như một bộ phim kỳ thú tuyệt đỉnh vào Thời Hoàng Kim Holywood chưa từng trải qua.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Lâu Đài Bay (Howl’s Moving Castle), 2004

Nếu bạn muốn một chuyện cổ tích bay bổng…

Mô tả này thậm chí không chạm đến một phần của “Lâu Đài Bay” (Howl’s Moving Castle – 2004).

Phóng tác theo tiểu thuyết năm 1986 của Diane Wynne Jones, bộ phim thể hiện thông điệp chống chiến tranh mạnh mẽ (rõ ràng phản ánh quan điểm của Miyazaki chống cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003).

Hai vương quốc thù địch trong câu chuyện tưởng tượng về thế giới có màu sắc châu u đối đầu với nhau, với cậu phù thủy đơn độc tên Howl bị mắc kẹt giữa cuộc chiến vì chiếc lâu đài cập rập của cậu có chân và liên tục chạy qua những vùng chiến sự.

Cô bé bán nón tên là Sophie bị nguyền rủa bởi Bà phù thủy Rác và bị biến thành bà lão mắc kẹt giữa cuộc chiến của Howl nhằm trốn không nhập ngũ vào vùng chiến sự.

Một bộ phim cực kỳ quyến rũ và đáng nhớ.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Mộ Đom Đóm (Grave of the Fireflies), 1988

Nếu bạn muốn hiểu cái giá thực sự của chiến tranh…

(Ghi chú: Phim này sẽ không được chiếu trên Netflix, nhưng chúng tôi nghĩ bộ phim xứng đáng được nhắc tới)

“Mộ Đom Đóm” (Grave of the Fireflies) không dễ xem, nhưng là một bộ phim cần phải xem.

Là một trong những tác phẩm ban đầu của Ghibli, phát hành vào năm 1988, bộ phim kể câu chuyện của cậu bé Seita và cô em gái nhỏ của cậu tên Setsuko; họ đang cố gắng sinh tồn giữa Nhật Bản trong thời gian cuối Thế Chiến Thứ Hai.

Không giống như bộ truyện tranh nổi tiếng hơn có tên Barefoot Gen, kể câu chuyện tương tự dưới dạng truyện tranh, Mộ Đom Đóm không tập trung vào cuộc đánh bom nguyên tử ở Nhật Bản như khán giả phương Tây kỳ vọng, mà kể về bức màn bom đạn ở những thành phố như Kobe.

Nó không kém phần kinh hoàng, hay có thể còn đáng sợ hơn, vì đó là câu chuyện ít được kể.

Mẹ chết trong một trận bom, cha chiến đấu trong Hải quân Nhật Bản, hai em nhỏ buộc phải tự chống đỡ.

Cảnh báo: Bộ phim rất đau đớn và mạnh mẽ, và sẽ khiến bạn cảm thấy như bị sốc vì bom đạn.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Lời Thầm Thì Từ Trái Tim (Whisper of the Heart), 1995

Nếu bạn muốn xem những tình tiết đương đại….

Studio Ghibli phục vụ bạn đầy đủ với nhiều thể loại phim.

“Lời Thầm Thì Từ Trái Tim” (Whisper of the Heart – 1995) là câu chuyện về một cô bé mọt sách đến tuổi dậy thì tên Shizuku, cô nhận thấy tất cả sách cô mượn từ thư viện đều đã bị mượn bởi một cậu bé, và cô quyết định đi tìm cậu.

“Chỉ Mới Ngày Hôm Qua” (Only Yesterday – 1991) là một bộ phim chậm rãi (với những cảnh phim khá khó chịu trong hồi ức) về một phụ nữ 27 tuổi nhìn lại quá khứ và những lựa chọn cũ của mình.

“Trên Đồi Hoa Anh Túc” (From Up On Poppy Hill – 2011) do con trai của Miyazaki tên Goro làm đạo diễn, nhắc lại chủ đề liên tục của hãng Ghibli về sự tiến bộ quét sạch truyền thống giữa hai người trẻ và cuộc chiến cứu một nhà sinh hoạt thể thao trong trường khỏi bị phá hủy.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Khi Marnie Ở Đó (When Marnie Was There), 2012

Nếu bạn muốn xem chuyển thể từ những quyển sách được yêu thích….

Tương tự như “Lâu Đài Bay”, Ghibli đã sử dụng nhiều tiểu thuyết nổi tiếng làm xuất phát điểm cho phim của họ.

Một trong những bộ phim mới đây nhất của hãng có tên “Khi Marnie Ở Đó” (When Marnie Was There – 2012), dựa trên tiểu thuyết viết năm 1967 của Joan G Robinson.

Bộ phim là câu chuyện kể cảm động có sắc thái riêng biệt về cô bé 12 tuổi bắt đầu tình bạn với Marnie bí ẩn, người có vẻ không giống với vẻ bề ngoài của cô.

Tiểu thuyết “The Borrowers” (1952) của nhà văn Mary Norton cũng được chuyển thể thành phim của Ghibli với tên Arrietty (2010), mà có lẽ không được nhiều người đưa vào danh sách phim yêu thích lắm, một phần là vì sự tương tự của phim với truyện.

Và phim “Truyền Thuyết Về Rồng” (Tales from Earthsea -2006) theo khá sát nội dung bộ tiểu thuyết bốn tập của Ursula K Le Guin, và bộ phim không phải là một chuyển thể thành công, dù phim cũng có người hâm mộ riêng.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Công chúa Mononoke (Princess Mononoke), 1997

Nếu bạn muốn một câu chuyện thần tiên với thông điệp môi trường mạnh mẽ…

Thì “Công Chúa Mononoke” (Princess Mononoke) là dành cho bạn.

Bộ phim ra đời vào năm 1997, và là một trong những thành công lớn nhất của Ghibli cho đến Vương Quốc Linh Hồn sau này.

Bộ phim có bối cảnh vào thời phong kiến điên rồ của Nhật Bản, nơi nàng công chúa trẻ tuổi bị vướng vào cuộc giao tranh giữa những kẻ chối bỏ môi trường sinh thái ở một thị trấn công nghiệp vốn định phá hẳn một khu rừng khổng lồ để khai thác kim loại, và những linh hồn đa dạng đang sống trong khu rừng bị đe dọa.

Bộ phim này gần như là tác phẩm song đôi với Totoro, Hàng Xóm Của Tôi nhưng có nhiều trận chiến, nhiều ma quỷ và với những kẻ khó ưa hơn.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Dịch Vụ Chuyển Phát Của Kiki (Kiki’s Delivery Service), 2003

Nếu bạn muốn xem về nữ quyền…

Hầu hết các phim của Ghibli đều thể hiện những nhân vật nữ mạnh mẽ, nhưng bộ phim “Dịch Vụ Chuyển Phát Của Kiki” (Kiki’s Delivery Service – 2003) là sự tôn vinh đầy thú vị dành cho những cô gái tự thể hiện điều đó.

Cô phù thủy nhỏ Kiki nhảy lên chiếc chổi khi cô bé tròn 13 tuổi và ra đi cùng với chú mèo nhiều chuyện tên là Jiji để cung cấp dịch vụ cho những công dân trong thành phố bận rộn.

Mọi thứ không được như trong kế hoạch, nhưng đó là niềm vui mà thông điệp bộ phim muốn chuyển tải – khi ta xem một cô gái nhỏ dần dần có được sự độc lập và học hỏi từ những sai lầm, cuối cùng có được sự tự tin mà cô cần rèn luyện cho cuộc sống sau này.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Chuyện Kể Về Công Chúa Kaguya (The Tale of Princes Kaguya), 2013

Nếu bạn muốn xem chút gì đó hơi khác…

Thật ra thì các phim của Ghibli đều khác nhau, nhưng có hai bộ phim nổi bật hơn hẳn với phong cách hoạt họa hoàn toàn khác so với phong cách thông thường của hãng phim này.

“Chuyện Kể Về Công Chúa Kaguya” (The Tale of Princes Kaguya) là một trong những phim mới ra khá gần đây, năm 2013, dựa trên câu chuyện “Cổ Tích Về Nàng Tiên Trong Ống Tre”.

Đây là bộ phim cuối cùng do đạo diễn Takahata thực hiện trước khi ông qua đời năm 2018, nói về một cặp vợ chồng nghèo tìm được cô bé gái đang lớn lên trong bụi măng tre, và bộ phim gần như một bức tranh cổ xưa được thổi sự sống vào.

Tương tự như vậy, bộ phim “Hàng Xóm Của Tôi, Nhà Yamada” ( My Neighbours The Yamadas – 1999) cũng là một chuyện cổ tích nhỏ dễ thương bắt đầu với màn hài kịch gia đình trước khi tiến tới vùng đất siêu thực, nhưng bộ phim luôn ấm áp và hạnh phúc, giống như các đoạn hoạt hình ngắn.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Chú Mèo Trở Về (The Cat Returns), 2002

Và nếu bạn thích chuyện về mèo…

Này, thành thật đi, ai mà không thích chứ?

Chúng ta đã đề cập tới Xe Bus Mèo, nhưng bộ phim “Chú Mèo Trở Về” (The Cat Returns – 2002) là bộ phim dành cho những bạn mê mèo.

Đó là câu chuyện thần tiên ấm áp về một gái nhỏ có thể nói chuyện với mèo, và sau khi cô bé cứu một chú mèo có vẻ như là mèo hoang, giúp chú không bị xe tải cán thì cô bé được gia nhập vào Vương Quốc Mèo đầy hiểm nguy.

Bộ phim hoàn toàn theo chủ nghĩa thoát ly, nhưng chẳng có gì sao cả.

Và nhân vật chú mèo nhỏ Baron là một bức tượng bé nhỏ sống lại trong phim.

Trong một đoạn liên kết hiếm hoi mà Ghibli thực hiện, tượng mèo Baron lại xuất hiện lần nữa trong phim “Lời Thầm Thì Của Trái Tim”.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Nausicaa – Công Chúa Của Thung Lũng Gió (Nausicaä of the Valley of the Wind), 1984

Nếu bạn muốn xem các phim theo trình tự thời gian…

Thì bạn sẽ phải bắt đầu với phim “Nausicaa – Công Chúa Của Thung Lũng Gió” (Nausicaä of the Valley of the Wind), bộ phim do Miyazaki thực hiện và công chiếu vào năm 1984 và cũng là phim dẫn đến sự ra đời của Studio Ghibli.

Bộ phim kể về câu chuyện thế giới tương lai thời hậu hủy diệt với những con côn trùng khổng lồ đi cướp bóc, và có một số chủ đề thuở ban sơ của Miyazaki, trong đó có xu hướng bảo vệ môi trường.

Câu chuyện xoay quanh một cô gái trẻ hi vọng tìm ra cách giúp con người sống chung với những sinh vật côn trùng biến dị trong rừng sâu.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Gió Nổi (The Wind Rises), 2013

Nếu bạn muốn một lát cắt hiện thực…

Bộ phim tiểu sử duy nhất của Ghibli là “Gió Nổi” (The Wind Rises) ra mắt vào năm 2013, và kể câu chuyện đời được hư cấu của nhà thiết kế Jiro Horikoshi, thiết kế ra chiếc máy bay chiến đấu Mitsubishi Zero sau này trở thành nền tảng sức mạnh không quân của Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ Hai.

Dù vậy, vì là phim của Ghibli, bộ phim không phải thể loại ngợi ca mù quáng một cuộc đời chinh chiến.

Horikoshi ao ước được lái máy bay nhưng thị lực kém không cho phép ông thực hiện, vì vậy ông lao mình vào nghề kỹ sư, và thực sự tuyệt vọng khi thiết kế của ông bị sử dụng trong chiến tranh.

Đây là bộ phim cuối cùng của Miyazaki trước kỳ nghỉ hưu ngắn ngủi của ông, khi ông quay trở lại vào năm 2017 và làm đạo diễn bộ phim vẫn chưa được công chiếu, bộ phim “Bạn Sống Thế Nào?”

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Ponyo, 2018

Nếu bạn muốn con bạn xin nuôi một chú cá vàng…

Hãy xem bộ phim cực kỳ đáng yêu và đồng thời rất thú vị, “Ponyo” (2018).

Đó là tên của cô bé cá vàng mà cậu bé tên Sosuke tìm ra, nhưng trong thực tế, cô bé cá vàng đó lại là một trong rất nhiều anh chị em sống dưới nước ngoài bờ biển Nhật Bản, và có thể thay đổi hình dạng.

Cha cô lo sợ con mình đã bị bắt cóc, cho nên tiến hành một cuộc tấn công thế giới loài người để đòi lại con.

Trong phim có những cảnh tượng sóng thần cực kỳ kinh hoàng và sự trầm tĩnh của tình bạn thực sự. Một phim đáng xem.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Laputa: Lâu Đài Trên Bầu Trời (Laputa: Castle In the Sky), 1986

Nếu bạn muốn xem robot làm từ động cơ hơi nước…

Bộ phim đầu tiên mang thương hiệu Studio Ghibli là “Laputa: Lâu Đài Trên Bầu Trời” (Laputa: Castle In the Sky), một phim về cuộc phiêu lưu vui nhộn, phát hành năm 1986, với thành phố khổng lồ trên không, không tặc, tàu chiến, một cuộc chinh phục của hai anh hùng trẻ để bảo vệ viên pha lê kỳ diệu, và, đúng vậy, còn có cả những robot bằng cỗ máy hơi nước khổng lồ cũ kỹ.

Rõ ràng một số kiến trúc trong phim chịu ảnh hưởng từ xứ Wales, nơi Miyazaki đến thăm năm 1984 khi cuộc đình công của thợ mỏ nơi đây ở thời đỉnh điểm.

Studio Ghibli

Nguồn hình ảnh, Studio Ghibli

Chụp lại hình ảnh,

Phim Sóng Đại dương (Ocean Waves), 1993

Nếu bạn muốn trở thành fan cuồng…

Có hai phim thực ra không được coi là đúng chuẩn của Studio Ghibli, nhưng vẫn rất đáng xem, đặc biệt nếu bạn đã mệt vì coi những phim chính của hãng.

“Sóng Đại Dương” (Ocean Waves – 1993) là phim sản xuất cho truyền hình, và cũng là cách mà hãng phim thử một trong những hoạt hình viên trẻ của họ, với mục đích xây dựng câu chuyện lãng mạn phù hợp với khán giả trẻ. Bộ phim có chút ướt át ở một số phần, nhưng cũng rất đáng xem.

Ở thái cực ngược lại là “Lâu Đài Của Cagliostro” (The Castle of Cagliostro), một bộ phim tội phạm từ trước thời Ghibli, phát hành năm 1979, nhưng nó nổi tiếng vì là bộ phim đầu tay do Miyazaki đạo diễn, và phim có phát hành thành đĩa DVD.

Rate this post

Viết một bình luận