Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phần 1)

Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phần 1)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Người qua 4 Châu lục, 3 đại dương, đặt chân lên gần 30 nước, làm hàng chục nghề khác nhau. Trong điều kiện hoạt động cách mạng bí mật, bị chính quyền thực dân, đế quốc và tay sai theo dõi, bắt giam, tuyên bố tử hình vắng mặt…Người phải thay đổi họ tên rất nhiều lần. Do đó, trong cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh có rất nhiều tên gọi, bí danh và bút danh.

Cuốn sách của Bảo tàng Hồ Chí Minh: Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, đưa ra con số thống kê: Có 169 tên chính thức, bí danh, bút danh của Hồ Chí Minh, và nêu lên 17 bút danh, bí danh khác đang nghi là của Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu thêm. Còn nhà sưu tầm Bá Ngọc trong cuốn sách của mình, Hồ Chí Minh – Những tên gọi đi cùng năm tháng, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, thống kê Hồ Chí Minh có 174 tên; trong đó có 78 tên chính thức, bí danh và 96 bút danh.

bac ho

Chúng tôi xin giới thiệu 169 tên chính thức, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cuốn sách của Bảo tàng Hồ Chí Minh Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

*********

 

1. Nguyễn Sinh Cung. 1890

Nguyễn Sinh Cung là tên lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890, tại quê là làng Hoàng Trù (thường gọi là làng Chùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

2. Nguyễn Sinh Côn

Theo một số hồi ký của các bạn học cùng trường Quốc học Huế với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Sinh Cung còn thường được gọi là Nguyễn Sinh Côn. Trong một bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1954, Người cũng ghi tên còn nhỏ của mình là Nguyễn Sinh Côn.

3. Nguyễn Tất Thành. 1901

Tháng 5-1901, ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng khoa thi Hội năm Tân Sửu. Khoảng tháng 9-1901, ông chuyển về sống ở quê nội xã Kim Liên. Theo tục lệ, ông Nguyễn Sinh Sắc được làng Kim Liên được làng Kim Liên đón về và được làng cấp đất công, xuất quỹ làm cho một ngôi nhà. Nhân dịp này ông Nguyễn Sinh Sắc làm “lễ vào làng” cho hai con trai với tên mới: Nguyễn Tấn Đạt (Sinh Khiêm), Nguyễn Tất Thành (Sinh Cung). Thành Đạt là mong muốn của người cha hy vọng vào hai con.

4. Nguyễn Văn Thành

5. Nguyễn Bé Con

Trong tài liệu đề ngày 6-2-1920 của Tổng đốc Vinh cung cấp về Nguyễn Sinh Sắc và hai con trai, ghi lời khai của lý trưởng, hào lý làng Kim Liên, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn: Con trai thứ của Nguyễn Sinh Sắc là Nguyễn Bé con.

Tài liệu mật thám Pháp theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, bản ghi số 1116, năm 1931 một số nét về gia đình, quê quán và nhận dạng Nguyễn Ái Quốc hay Nguyễn Văn Thành tức Nguyễn Sinh Côn hay Nguyễn Bé Con tức Lý Thụy… đã cư trú nhiều năm tại Mỹ, Anh, Pháp và nước Nga.

6. Văn Ba. 1911

Với hoài bão, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, một tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseill) Pháp.

Ngày 3-6-1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc trên tàu.

Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi, bắt đầu cuộc hành trình cứu nước. Trong sổ lương của tàu tên anh là Văn Ba.

Những người bạn cùng làm việc với Văn Ba ở tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, đều thân mật gọi anh là Ba, anh Ba. Anh Ba sống giản dị, gần gũi với mọi người. Những việc làm của anh đã để lại trong họ ấn tượng, tình cảm tốt đẹp.

Hơn mười năm sau Nguyễn Ái Quốc nói về mục đích chuyến đi của mình năm ấy, khi trả lời nhà báo Nga Ôxíp Manddenxxtam: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp: Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ ấy”.

Một lần khác, Người trả lời nhà văn Mỹ Anna Luy Xtơrông: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh và tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

7. Pôn Tất Thành (Paul Tat Thanh). 1912

Giữa tháng 12 năm 1912, Nguyễn Tất Thành đến nước Mỹ. Ngày 15/12/1912, từ NiuOóc (New York) Nguyễn Tất Thành gửi thư cho khâm sứ Trung kỳ nhờ tìm địa chỉ cha mình là Nguyễn Sinh Huy thư ký tên Pôn Tất Thành.

8. Tất Thành. 1914

Từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh ở Pháp thông báo tình hình học tập, sinh hoạt của bản thân. Trong một thư khác anh nhận định, bàn luận tình hình thời cuộc. Thư ký tên Tất Thành. Hiện sưu tầm được 4 thư ký tên Tất Thành gửi cho cụ Phan Chu Trinh. Trong đó có ba thư Người ký C.Đ. Tất Thành, một thư ký Cuồng Điệt Tất Thành.

9. Pôn Thành (Paul Thanh). 1915

Ngày 16-4-1915, Nguyễn Tất Thành viết thư cho Toàn quyền Đông Dương, qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn, nhờ tìm địa chỉ của cha mình. Thư ký tên Pôn Thành.

10. Nguyễn Ái Quốc. 1919

Nguyễn Ái Quốc – cái tên bắt đầu một chặng đường mới trong hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp và bắt đầu hoạt động chính trị dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc. Song tên mới Nguyễn Ái Quốc thực sự được nhiều người biết đến khi Người thay mặt nhóm những  người Việt Nam yêu nước tại Pháp, ngày 18-6-1919 gửi lên Hội nghị Véc xây bản yêu sách 8 điều của nhân dân Việt Nam, đòi chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Từ đây bắt đầu thời kỳ hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc – linh hồn của phong trào những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

Những năm Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp, chính quyền thực dân coi Nguyễn Ái Quốc là một nhân vật nguy hiểm. Chúng huy động cả một lực lượng mật thám thường xuyên theo dõi, thu thập tài liệu về Người. Đã có  hàng vạn trang tài liệu liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc. Song không một trở lực nào có thể ngăn cản được ý chí, nghị lực, quyết tâm cứu nước của Người.

Với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người viết hàng trăm bài phục vụ sự nghiệp tuyên truyền cách mạng. Trong khoảng thời gian từ 1919 đến 1926, bút danh Nguyễn Ái Quốc được sử dụng nhiều nhất. Với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người viết các tác phẩm quan trọng đối với cách mạng Việt Nam: “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925); “Đường cách mệnh” (1927). Cuốn đầu là bản cáo trạng đối với chủ nghĩa đế quốc Pháp nói riêng và chủ nghĩa đế quốc nói chung để thức tỉnh đồng bào Việt Nam và các dân tộc bị áp bức; cuốn sau là định hướng cho hành động cách mạng

Sau lần bị bắt tại Hương cảng năm 1931, mật thám Pháp tưởng Nguyễn Ái Quốc đã bị chết trong nhà tù, vì những tin đồn di chính luật sư Lôdơbi tung ra để bảo vệ Người thêm phần an toàn khi trốn tránh rình rập của kẻ thù. Năm 1933, Nguyễn Ái Quốc chắp nối liên lạc được với các tổ chức cách mạng và Người đi Liên Xô. Nguyễn Ái Quốc tiếp tục con đường cứu nước của mình. Một thời gian dài Nguyễn Ái Quốc mất hút trong sổ điều tra của mật thám Pháp và mật thám Đông Dương. Lần cuối cùng tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trong lời kêu gọi: Kính cáo đồng bào, ngày 6-6-1941. Đến tận lúc này mật thám Đông Dương mới bàng hoàng được nguồn tin cho biết Già Thu, Thu Sơn xuất hiện ở biên giới Việt-Trung chính là  Nguyễn Ái Quốc.

Nguyễn Ái Quốc một cái tên để lại nhiều dấu ấn lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong cách mạng Việt Nam. Song Người chỉ khiêm tốn nhận mình là “Tôi vẫn là tôi ngày trước, một người yêu nước”.

 

11. Phéc-đi-năng

Phéc-đi-năng là biệt hiệu bạn bè Pháp gọi Nguyễn Ái Quốc khi Người hoạt động Pháp đầu những năm hai mươi của thế kỉ XX. Bí mật, khôn khéo, thông minh, phán đoán nhanh nên hoạt động của  Người ở Pháp không chỉ che được mắt mật thám mà cả những người xung quanh, nếu không thật gần gũi cũng không thể nào biết được.

Những người bạn Pháp của Nguyễn Ái Quốc lúc đó cũng ngạc nhiên, khâm phục tài biến hóa của Người. Nữ đồng chí Maria Lêôni, một cán bộ của Đảng Xã hội Pháp thắc mắc về hoạt động  của anh Nguyễn  với Pônvayăng Cutuyariê. Chị đọc một cuốn truyện trinh thám, Phécđinăng, nhân vật của câu chuyện là người cách mạng châu Á bị cảnh sát lùng bắt, cải trang thành một người châu Âu, giống đến nỗi hoạt động ngay trước mặt cảnh sát mà họ cũng không biết. Chị bị cuốn tiểu thuyết ám ảnh, không biết Nguyễn Ái Quốc có phải là Phéc-đi-năng hay không. Pôn nói nếu chị nghĩ thế cứ gọi Nguyễn là Phéc-đi-năng. Từ đó Nguyễn Ái Quốc có thêm biệt hiệu là Phéc-đi-năng với lòng đầy cảm phục và yêu mến.

12. An-be đơ PU-VUA-VIN (Anbert de POUVOURVILLE). 1920

Theo báo cáo ngày 30 tháng 1 năm 1920 của Bộ Nội vụ, Giám đốc sở liêm phóng trung ương, Sở kiểm tra trung ương cảnh sát hành chính về phong trào đòi độc lập của Đông Dương ở Pari, Nguyễn Ái Quốc là linh hồn của phong trào đòi độc lập cho Đông Dương, Người là Tổng Thư ký của nhóm những người Việt Nam yêu nước.

Đây là một trong những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pari mà báo cáo ghi lại: “Ông Nguyễn Ái Quốc còn cho công bố dưới dạng truyền đơn những đoạn trích từ nhiều tờ báo có liên quan đến vấn đề Đông Dương, đăng trong báo “Điện tích thuộc địa” và ký tên An-beđơ PU-VUA-VIN (Anbert de POUVOURVILLE).

13. Nguyễn A.Q.1921-1926

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh Nguyễn A.Q vào đầu những năm hai mươi. Hiện sưu tầm được 2 bài báo Người ký bút danh Nguyễn A.Q. Bài báo đầu tiên Người ký bút danh Nguyễn A.Q là “Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ các anh”, đăng trên báo  Người tự do (Le Libertaire), ngày 7 đến 14-10-1921.

“Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ các anh” là dòng chữ to màu trắng treo trong tất cả các lớp học ở Đông Dương. Song mỉa mai thay, nước Pháp đã bảo hộ bằng sự cướp bóc, chém giết, hãm hiếp những người dân Đông Dương. Bài báo lên án tội ác của thực dân Pháp, đồng thời cũng chỉ cho những người còn mơ hồ, ảo tưởng về sự bảo hộ của nước Pháp.

Nguyễn A.Q. còn được ký dưới bức tranh biếm hóa, đăng trên báo Người cùng khổ (Le Paria), số 5, ngày 1-8-1922. Trong một số thư Người cùng ký tên Nguyễn A.Q.

14. CULIXE.1922

Nguyễn Ái Quốc ký bút danh CULIXE trong bài báo: “Rủi ro: Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An nam”, đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité), ngày 18-3-1922.

Nội dung bài báo: Người thợ kéo xe giữa cái nóng oai bức của trời Sài Gòn. Khách lên xe là một tên thực dân, không trả tiền xe. Khi người phu kéo xe đòi trả tiền, thay cho việc móc túi lấy tiền trả, vị khách thực dân đã vác súng ra đáp lại. bài ký bút danh CULIXE và ghi ở dưới là Nguyễn Ái Quốc dịch, song thực ra đây là bài báo do Nguyễn Ái Quốc viết.

15. N.A.Q.1922

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh là N.A.Q vào những năm 1922-1930.

Với bút danh N.A.Q, người viết bài đăng trên các báo Người cùng khổ (Le Paria), báo Nhân đạo (L’Humanité).

Bài báo đầu tiên Người ký bút danh N.A.Q là bài: “Bình đẳng”, đăng trên báo Nhân đạo, ngày 1-6-1922. Bài báo viết: “Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột, giết người, Chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang cho huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: “Bác ái, Bình đẳng, v.v…”. Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần những thủ đoạn bóc lột, bất bình đẳng, phân biệt, đối xử với bọn thực dân đối với người dân thuộc địa. Hiện đã tập hợp 5 bài báo bút danh này Người còn ký trong một số thư và báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản.

16. Ng.A.Q.1922

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh Ng.A.Q từ năm 1922 đến năm 1925.

Bài báo đầu tiên Người ký bút danh Ng.A.Q là bài: Sở thích đặc biệt, đăng trên báo Người cùng khổ (Le Paria), ngày 1-8-1922. Tác giả mượn lời giải thích của Bộ trưởng Bộ thuộc địa Anbe Sarô về những “sở thích đặc biệt” của “đức vua Khải Định” để tố cáo sự trác táng của vị “hoàng đế nước An Nam này. Cũng với bút danh trên, Người ký dưới bức tranh Triển lãm thuộc địa (exposition coloniale), đăng trên báo Người cùng khổ, số 2, ngày 1-5-1922.

17. Hăngri Trần (Henri Tchen). 1922

Henri Tchen là tên ghi trong thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp của Nguyễn Ái Quốc. Số thẻ 13861.

18. N.1923

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh N. trong các năm 1923-1924, 1928.

Với bút danh N. Người viết bài: Lòng ngay thẳng của Chính phủ thuộc địa, đăng trên báo Người cùng khổ (Le Paria), số 11, NGÀY 1-2-1923. Hiện sưu tầm được 6 bài báo ký bút danh N..

Nội dung chủ yếu của bài báo: Tố cáo sự lừa đảo, bịp bợm, vạch trần những thủ đoạn lừa đảo, núp dưới các từ bóng  bẩy như bình đẳng, nhân quyền…Đồng thời cũng lên tiếng phản đối, mỉa mai những kẻ luồn cúi, nịnh bợ bọn thực dân cướp nước.

19. Chen Vang.1923

Khi quyết định trở về gần Tổ quốc, ngày 13-6-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pari đi Liên Xô, Tổ quốc của cách mạng, đất nước mà từ lâu Người mơ ước đặt chân tới.

Ngày 16-6-1923, Người đến nước Đức. Tại đây, Người được cơ quan đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết liên bang Nga tại Becslin cấp cho giấy đi đường số 1829, trong giấy này Người mang tên Chen Vang.

20. Nguyễn.1923

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh Nguyễn trong các năm 1923,1924,1928.

Người ký bút danh Nguyễn trong bức tranh “Sự phục thù của Tu-tăng Ca-mông” (Repsésailles de Toutan Kamon), đăng trên báo Người cùng khổ (LeParia), số 13, năm 1923.

Bài “Đông Dương khổ nhục”, viết năm 1928. Bài viết tố cáo tội ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương, kêu gọi sự đoàn kết giúp đỡ của giai cấp vô sản thế giới đối với cách mạng Đông Dương: “Những người bạn bất hạnh của các bạn hiện đang giãy giụa ở Đông Dương. Họ đang trải qua những giờ phút khó khăn để tự giải phóng. Đế quốc Pháp đang giết hại họ, đang tước đoạt của cải họ. Mong các bạn nghĩ tới họ; tiếng thét căm thù của họ phải được hòa lẫn với tiếng thét của các bạn để ngăn chặn bàn tay giết người của bọn đế quốc Pháp ăn cướp. Mong rằng sự quan tâm của các bạn đối với phong trào đấu tranh sẽ cổ vũ họ trong tương lai lật đổ được bọn đế quốc áp bức bóc lột”.

21. Chú Nguyễn. 1923

Chú Nguyễn là tên Nguyễn Ái Quốc ký trong bức thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, trước khi Người rờ Pari đi Liên Xô năm 1923. Một bức thư tình cảm để chia tay với các bạn cùng hoạt động và các cháu nhỏ. Bức thư đã cho thấy quan điểm về cuộc đấu tranh và mục đích ra đi của Người: “Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”.

22. Lin.1924

Nguyễn Ái Quốc dùng tên Lin trong khoảng thời gian ở Liên Xô lần thứ nhất 1923-1924 và trong các năm 1934-1939.

Tên Lin xuất hiện sớm nhất trong bức điện của Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, ngày 14-4-1924.

Tháng 10 năm 1934, Người được nhận vào học trường Quốc tế Lênin Liên Xô, năm học 1934-1935, tên của Người trong danh sách sinh viên là Lin, số hiệu 375.

Tháng  8 năm 1935, Người dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế  Cộng sản và trong  bản lý lịch tham dự đại hội Người khai: Họ, tên, bí danh trong Đại hội: Lin.

Lin còn được ký trong một số bài báo đăng trên báo Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), tuần báo công khai bằng tiếng Pháp của Đảng xuất bản tại Hà Nội trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939)v.v…

23. Ái Quốc.1924

Ái Quốc là tên ghi trong thẻ dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản của Nguyễn Ái Quốc (Tháng 6-1924).

Tháng 8 năm 1927, Nguyễn Ái Quốc gửi đồng chí Phơrăngxoa Biu (Francois Billous) tấm bưu ảnh, trong đó có ghi địa chỉ để liên lạc của mình là : Ái Quốc, Krưm – Eppatôria, Nhà an dưỡng Lênin. Sau này Người còn ký tên Ái Quốc trong một số thư khác.

24. Un Annamite (Một người An Nam).1924

Nguyễn Ái Quốc ký bút danh Un Annamite trong bài viết: “Tình hình những người lao động ở Đông Dương”, đăng trên báo  Người cùng khổ (Le Paria), số 28, tháng 8-1924. Nội dung bài báo là bản tham luận Công hội đỏ ngày 21-7-1924, đã được Người sửa chữa và bổ sung thêm.

25. Loo Shing Yan.1924

Bài “Thư từ Trung Quốc, số 1”, ngày 12-11-1924, của Nguyễn Ái Quốc viết về phong trào cách mạng Trung Quốc, sự thức tỉnh, giác ngộ cách mạng cho phụ nữ Trung Quốc, gửi tạp chí RABÓTNHÍTXA. Trong bài Người ký bút danh  Loo Shing Yan (nữ đảng viên quốc dân đảng). Lý do dùng bút danh này, Người viết trong bức thư gửi Ban biên tập Tạp chí, ngày 12-11-1924: “Khi tôi còn ở Quốc tế Cộng sản, tôi rất phấn khởi được đôi lần cộng tác với tờ báo của các đồng chí. Nay muốn tiếp tục sự cộng tác ấy. Nhưng vì tôi ở đây hoạt động bất hợp pháp, cho nên tôi gửi bài cho các đồng chí dưới hình thức “ Những bức thư từ Trung Quốc” và ký tên một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng làm như vậy bài viết có tính chất độc đáo hơn và phong phú hơn đối với độc giả, đồng thời cũng đảm bảo giữ được tên thật của tôi”./.

(Còn nữa)

Theo “Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh,”

Bảo tàng Hồ chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2001

 

Theo http://bachovoihue.com

Huyền Trang (st)

Rate this post

Viết một bình luận