Sau đây là những điều kiêng kỵ không nên làm vào ngày Tết:
Không quét nhà vào ngày mùng 1
Tục kiêng quét nhà ở miền Bắc lại kiêng quét nhà cả 3 ngày Tết. Ảnh minh họa
Để chuẩn bị đón Tết mọi nhà đều trang trí, vệ sinh, quét dọn… sạch sẽ. Do vậy trong ngày đầu năm mới không nên quét nhà. Bởi quan niệm dân gian cho rằng, quét nhà sẽ quét tất cả tài lộc, may mắn ra khỏi nhà, không còn ở lại với gia chủ.
Không cho lửa đầu năm
Tục này cũng kiêng cữ việc khách đến gia chủ xin lửa như mượn bật lửa (hộp quẹt) mồi thuốc hay mượn về nhà đốt (thắp) nhang. Bởi lửa (Hỏa) nằm trong ngũ hành (Kim, mộc, thủy, hỏa thổ) tượng trưng cho màu đỏ, màu đỏ đem lại cho sự may mắn nên vào những đầu năm. Do đó, cho lửa cũng đồng nghĩa với việc cho đi may mắn, trong nhà sẽ gặp điều không may.
Không cho nước đầu năm
Nước (Thủy) là một trong ngũ hành (Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Nước lại là nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ nên người Việt Nam quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi ”Tiền vào như nước”. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, mát lành.
Không làm đổ vỡ đồ dùng
Tốt nhất nên tránh làm đổ, vỡ trong những ngày đầu năm. Ảnh minh họa
Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương… trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kỵ.
Không vay mượn đầu năm
Ngày đầu năm đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ. Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.
Không xuất hành ngày mùng 5
Ngày mồng Năm là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân, trẩy hội lấy lộc.
Kiêng chụp hình hoặc chúc Tết người đang nằm ngủ
Bởi đây là tư thế của người chết, người bệnh, nên chụp hình hoặc chúc Tết lúc này không khác gì “rủa” họ bệnh tật, chết chóc cả năm. Ngoại trừ trường hợp nằm để tạo dáng chụp ảnh…
Tránh mặc đồ đen trắng 3 ngày Tết. Ảnh minh họa
Không mặc quần áo màu đen – trắng
Với người Việt Nam, màu đen – trắng tượng trưng cho sự tang tóc, u buồn nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng. Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi trẻ như màu vàng, xanh, đỏ để mong muốn một năm mới may mắn, vui vẻ.
Nên chọn màu đỏ, xanh, vàng mặc trong 3 ngày Tết. Ảnh Nguyễn Tý
Kiêng có tang vào ngày mùng 1
Nhà có tang không nên đi chúc tết. Ảnh minh họa
Ngày mồng Một là ngày vui của tất cả mọi người nên những nhà nào có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng ba ngày, nếu có người mất đúng vào ngày mồng Một thì gia chủ sẽ không phát khăn tang ngay mà để sang sáng mồng Hai, còn nếu nhà có người mất vào ngày 30 thì gia chủ thường thực hiện tang lễ trong ngày hôm đó tránh để sang ngày mồng Một. Nhũng gia đình có tang tránh đi chúc Tết, thăm hỏi người khác.
Kiêng nói điều xui
Ngày đầu năm mọi người chỉ nói những điều may mắn, vui vẻ cho cả một năm. Nên tránh nói những từ ngữ liên quan đến chết chóc hay ốm đau, những từ ngữ xui xẻo.
Kiêng treo tranh xui
Không treo những bức tranh như đánh ghen, đi kiện, treo những bức tranh tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, phát đạt.
Kiêng ăn món xui
Gà- món ăn không thể thiếu trong 3 ngày Tết. Ảnh Nguyễn Tý
Ngày đầu năm, người Việt không ăn những món như thịt vịt, cá mè, thịt chó, tôm (đi thụt lùi) vì theo quan niệm đó là những món ăn không tốt cho năm mới.
Kiêng mua đồ xui
Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, mua gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng bởi nó là món hàng đầu tiên gia chủ mang về nhà. Món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn thực dụng. Đầu năm kiêng mua dao, thớt, chày, cối… Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng 1 với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị.
Kiêng xõa tóc
Mẹ cắt tóc gọn gàng, sạch sẽ cho con để đón Tết . Ảnh minh họa
Ở vùng quê Việt Nam và một số gia đình gốc Hoa, người ta kỵ việc xõa tóc của các thiếu nữ. Họ cho rằng tóc xõa rũ rượi gợi lên liên tưởng đến những hình ảnh ma quái, cõi âm. Vì vậy, tốt nhất, vào những ngày này, phụ nữ nên chọn các kiểu tóc buộc, tết, kẹp gọn gàng khi ra đường. Tuy nhiên theo ghi nhận của Tiến sĩ Nguyễn Đệ, tập tục này không phổ biến lắm.
Không tranh cãi, bất hòa
Vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào. Người lớn tránh quát mắng, trẻ con không khóc lóc để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.
Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2
Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo. Thực ra, người xưa chẳng có nhiều quần áo để giặt, và ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, tiết trời lạnh, việc ngừng giặt hai ngày cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến họ.
Kiêng đánh thức người khác sáng mùng 1
Nếu đi chúc Tết sáng mùng 1, gặp người đang ngủ, khách không nên đánh thức họ dậy mà người đó tỉnh tảo mới được chúc. Nhiều người cho rằng làm như vậy sẽ khiến người ta bị “trù ẻo” cả năm phải nằm trên giường.
Người nhà cũng không giục nhau dậy vào mùng 1 vì quan niệm người nằm ngủ sẽ chịu sự thúc giục về công việc, cuộc sống suốt năm.
Kiêng mở tủ vào mùng 1
Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.
Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa
Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.
Theo TS. Trần Phương, giảng viên khoa Văn hóa và phát triển, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, dịp đầu năm, tùy từng vùng miền mà người dân có những tục lệ kiêng kỵ khác nhau. Tục kiêng kỵ được chi phối bởi nhiều quan niệm, hệ thống tín ngưỡng chồng chéo lên nhau.
Thực tế, việc phạm phải điều kiêng kỵ đầu năm mới sẽ bị xui xẻo suốt năm chưa ai kiểm chứng được. Mỗi người trải qua hàng tỷ hành động, sự việc trong năm. Chẳng ai đủ kiên nhẫn, tập trung để liên hệ cái phạm phải ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ. Vì vậy, nếu lỡ phạm vào điều gì thì ta nên quên nó đi để vững tâm lý, tập trung vào mục tiêu sống của mình.
Theo nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường trong Nghi lễ vòng đời người: “Còn nhiều điều kiêng kỵ khác cần biết là trong dịp đón năm mới phải nói năng giữ gìn, không văng tục, không mắng mỏ lẫn nhau, đánh đập con cái, vân vân, tóm lại không làm điều gì bị coi là xấu là giở để tránh giông cả năm. Đó là điều kiêng kỵ tốt cần phát huy, giữ gìn”.