Hoa cẩm chướng là loài hoa đẹp rực rỡ, có nhiều màu sắc và thường được tặng cho phụ nữ trong những ngày lễ đặc biệt. Loài hoa này mang nhiều ý nghĩa và thông điệp sâu sắc trong tình yêu và cuộc sống.
1. Nguồn gốc hoa cẩm chướng
Có rất nhiều câu chuyện xung quanh nguồn gốc Hoa Cẩm Chướng. Theo một truyền thuyết kể lại rằng, hoa cẩm chướng được trồng ở thiên đường sau đó rơi xuống trần gian. Tuy nhiên, ở một câu chuyện khác thì lại cho là hoa cẩm chướng xuất hiện ở các ngôi mộ của các cặp tình nhân trẻ tuổi.
Cẩm chướng là một trong các loài hoa lâu đời nhất được con người gieo trồng. Ở Anh, nó được biết đến từ thế kỷ 14 và đã được văn hào Chaucer nhắc đến trong các tác phẩm của mình. Với tên tiếng Anh là Carnation, người ta đoan chắc Cẩm chướng có nguồn gốc từ Incarnacyon.
Cẩm chướng là loài hoa có mối quan hệ với tôn giáo rất sâu sắc vì sự hoá thân của nó, người ta dùng Cẩm Chướng để gọi tên các sự kiện nhiều dấu ấn: sự khổ nạn của chúa Giêsu, giọt máu của Chúa, loài hoa thần thánh…
Các tu sĩ La Mã thế kỷ 13 được xem như những người đầu tiên đã đem trồng những cây hoa cẩm chướng. Và bông hoa này đã rất quan trọng đối với người Hy Lạp và La Mã lúc đó, nó trở thành biểu tượng của người La Mã vào giai đoạn đỉnh cao của nền văn minh của họ. Nó cũng còn được gọi là “Jove’s flower” (bông hoa của thần Jupiter), do Jove (Jupiter) là một trong những vị thần được họ tôn kính.
Thời Hy Lạp cổ đại. cẩm chướng là bông hoa được sủng ái nhất. Theo một truyền thuyết của Cơ đốc giáo, khi nhìn thấy Jesus trên thập tự giá, Mary đã khóc, và những bông hoa cẩm chướng đã mọc lên từ nơi mà những gịọt nước mắt của bà đã nhỏ xuống.
Cụ thể, hoa cẩm chướng có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, sau đó được du nhập sang Anh từ thế kỷ 14 và được mang về trồng tại Việt Nam từ thế kỷ 20.
Hiện nay, trên thế giới hoa cẩm chướng có khoảng 300 loài với màu sắc đa dạng như: đỏ, hồng, tím, xanh, trắng, vàng, cam… Đặc biệt, với mỗi màu sắc, hoa cẩm chướng lại mang một thông điệp, ý nghĩa khác nhau.
2. Ý nghĩa của Hoa Cẩm Chướng
Hoa cẩm chướng mang nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau. Tùy thuộc vào thời gian, địa điểm, hình thái và màu sắc mà bông hoa cẩm chướng lại thể hiện một ý nghĩa riêng biệt.
Ý nghĩa hoa cẩm chướng theo màu sắc
- Cẩm chướng thuần một màu: Đồng ý.
- Cẩm chướng có vằn: Lời từ chối tình yêu.
- Cẩm chướng: Anh sẽ không bao giờ quên em.
- Cẩm chướng: Sự ái mộ.
- Cẩm chướng đỏ thẫm: Trái tim tôi đau nhói vì em.
- Cẩm chướng vàng: Sự từ chối, sự khinh thường, thất vọng, hối hận.
- Cẩm chướng trắng: Ngọt ngào và đáng yêu, ngây thơ, tình yêu trong sáng, món quà may mắn cho phụ nữ.
- Cẩm chướng tím: Tính thất thường, đồng bóng.
Ý nghĩa hoa cẩm chướng theo những hình thái khác nhau
- Hoa cẩm chướng: Tượng trưng cho tình bè bạn, lòng quý mến,tình yêu trong trắng, thanh cao.
- Hoa cẩm chướng có sọc: tỏ ý từ chối, không tiếp nhận.
- Hoa cẩm chướng tước hết lá: biểu tượng của sự từ chối.
Ý nghĩa biểu tượng của hoa cẩm chướng
- Bông hoa của tháng 1 – The flower of January. Bạn có thể tặng loài hoa này như một món quà sinh nhật ý nghĩa cho những người sinh nhật vào tháng 1.
- Biểu tượng hoa cho “Ngày của mẹ” (Mother’s Day): Loài hoa này được sử dụng làm quà tặng các bà, các mẹ trong ngày ý nghĩa này.
- Biểu tượng quốc gia của người Slovene (ở Nam Tư).
- Cẩm chướng đỏ (Scarlet Carnation) : Biểu tượng hoa của tiểu bang Ohio, U.S.
- Hoa cẩm chướng là quốc hoa của Tây Ban Nha và Monaco.
Ý nghĩa hoa cẩm chướng tại mỗi quốc gia khác nhau
- Tại Anh: Hoa cẩm chướng được dùng như một món quà giúp các chàng trai bày tỏ tình cảm với cô gái mà anh ta đang thầm yêu thương. Về phía các cô gái, nếu họ chấp nhận tình cảm của chàng trai, họ sẽ gửi tặng lại một bó cẩm chướng 1 màu như đỏ, hồng…Ngược lại, nếu từ chối lời tỏ tình cô gái sẽ gửi lại cho chàng trai một bó hoa cẩm chướng sọc nhiều màu.
- Tại Trung Quốc: hoa cẩm chướng được sử dụng rất nhiều để trang trí trong các lễ cưới và làm hoa cưới cầm tay cho cô dâu. Người Trung Quốc tin rằng, cẩm chướng là biểu tượng của hạnh phúc và một cuộc hôn nhân viên mãn, trọn vẹn.
- Tại Nhật Bản: hoa cẩm chướng đỏ được xem là biểu tượng của tình yêu. Đây cũng là loài hoa được sử dụng để làm quà tặng nhiều nhất trong ngày lễ của mẹ.
- Tại Mỹ: hoa cẩm chướng được lựa chọn là loài hoa chính thức trong Ngày của Mẹ. Bên cạnh đó, đây cũng là loài hoa được sử dụng rất nhiều để làm hoa đeo tay cho phù dâu trong lễ cưới hay trong những dịp đặc biệt.
- Tại Tây Ban Nha và Monaco: Hoa cẩm chướng là quốc hoa.
Ngoài ra, ở Hàn Quốc – Triều Tiên, có quan niệm mê tín xem bói bằng 3 bông hoa cẩm chướng được cài trên tóc một cô gái. Số phận của cô được suy đoán từ thứ tự các bông hoa dần chết đi.
Nếu bông hoa ở dưới cùng tàn héo trước, cô ấy bất hạnh suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nếu bông hoa trên cùng úa tàn trước, những năm cuối đời của cô sẽ rất khó khăn. Còn nếu bông hoa ở giữa héo trước, những năm đầu đời của cô khá vất vả, nhưng có lẽ hậu vận sẽ tốt hơn.
Dù sự tích hoa cẩm chướng chưa biết chính xác thế nào, nhưng chắc chắn rằng, đây là một trong các loài hoa lâu đời nhất được con người gieo trồng.
3. Những giai thoại về hoa cẩm chướng
Vì hoa cẩm chướng xuất hiện và tồn tại qua nhiều năm lịch sử, cùng với sự nổi tiếng của nó trên thế giới mà có nhiều phiên bản giai thoại khác nhau về loại hoa này tại nhiều quốc gia.
Giai thoại về hoa cẩm chướng tại Italia
Một truyền thuyết Italia kể rằng, Margherita – một thiếu nữ đã tặng cho người yêu của nàng – chàng hiệp sĩ Orlando một bông cẩm chướng màu trắng mà anh đã mang nó theo mình trên suốt đường chinh chiến.
Không may chàng trai bị thương nặng và chết. Máu anh nhuộm thẫm nơi chính giữa bông hoa trắng sau đó đã được đem về cho nàng Margherita với trái tim tan vỡ.
Từ những hạt giống đó, Margherita trồng nên những bông cẩm chướng xinh đẹp màu trắng và luôn có khoảng màu đỏ nơi chính giữa cánh hoa. Margherita đã chung thuỷ mãi mãi với Orlando và ở vậy đến cuối đời. Sau đó, có tục lệ tặng cho mỗi em bé gái mới sinh ra trong gia đình cô một chậu hoa cẩm chướng đặc biệt ấy.
Giai thoại về hoa cẩm chướng tại Paris – Pháp
Marie Antoinette, một tù nhân tại Paris năm 1793 đã vạch ra kế hoạch vượt ngục lên một mảnh giấy bé xíu giấu trong đài hoa của một cành Cẩm chướng đã tước hết lá và gửi cho bạn mình. Mảnh giấy bị phát hiện và bà đã bị lên máy chém hai tháng sau đó.
Giai thoại về một nàng công chúa chung thủy chờ chồng
Cẩm chướng cũng xuất phát từ một chuyện tình. Câu chuyện tình của một cô công chúa tóc dài sống lẻ loi trong cung điện trên vùng thượng nguồn.
Trời cao nguyên lành lạnh đủ làm tăng màu đen óng ả của mái tóc, làm căng làn da mặt trắng hồng mịn màng như bông, làm màu đỏ của đôi môi người con gái như mọng hơn lên trong màn sương sáng, và nhất là làm đôi mắt ướt của nàng như sáng long lanh trong những giọt sương…
Cẩm chướng đẹp nổi tiếng khắp nơi, nhưng đồng thời nàng bao giờ cũng mang một vẻ buồn.
Sở dĩ nàng phải chịu cảnh sống lẻ loi giữa vùng hẻo lánh này chỉ vì lời tiên đoán của một ông lão với vua cha ngay khi nàng vừa chào đời, rằng nàng sẽ phải chịu nhiều bất hạnh. Vua cha vì thương con, nên đành đem nàng đi cất giấu nơi đèo heo khuất gió để tránh khỏi hung tà.
Thế nhưng tiếng đồn xa gần về sắc đẹp của Cẩm chướng cũng lan nhanh, nhất là những buổi chiều khi giọng hát của nàng lan rộng khắp núi đồi, hoà vào hợp âm của những chú chim non hót véo von xung quanh, và những cơn gió reo bên ngoài…Bao nhiêu người đánh tiếng hỏi vợ, nhưng vua cha một mực từ chối, thâm tâm vẫn để ý kiếm tìm một phò mã xứng danh…
Một ngày kia, Cẩm chướng lâm bạo bệnh. Thầy thuốc hết sức chữa nhưng đành cúi đầu chịu thua. Bỗng đâu vị lão phu ngày nọ đòi diện kiến nhà vua, và phán rằng bệnh của nàng chỉ có thể chữa được bằng cánh lá của một loài hoa trắng, mọc cheo leo trên đỉnh núi, giữa hai vực thẳm và một ngọn thác….
Vua phải tìm cho bằng được cánh hoa đó để cứu con nên truyền lệnh hễ ai kiếm được đóa hoa đó, sẽ lấy được nàng và sẽ được truyền ngôi cho. Bao nhiêu chàng trai đua nhau vào rừng tìm kiếm, nhưng đều thất vọng, trong khi đó sức khoẻ của Cẩm chướng tắt dần…
Trong lúc mọi người thất vọng, một hôm, người tiều phu trẻ, dáng nghèo nàn, xuống ngựa đem dâng vua cha bông hoa màu trắng…Từng cánh hoa phục hồi sức khỏe của nàng. Đôi mắt từ từ mở ra, lần đầu tiên để người ân nhân nhìn thấy bóng hình của hai đóa hoa thấp thoáng trong ánh mắt đó…
Lễ cưới được cử hành chưa được bao lâu thì tai biến xảy đến cho đất nước. Tuân lệnh vua cha, chàng phò mã trẻ cầm quân, tạm chia tay với vợ ra xa trường dẹp giặc ngoại xâm. Họ hẹn nhau ngày đoàn tụ, và chiều chiều nhờ gió hát gửi theo hướng đến người kia như một lời trò chuyện… Những lá thư viết trên những cánh chim làm tin, đều đặn bay đi về…
Một hôm nàng bặt tin chồng, tiếng hát của nàng dường như loãng vào khoảng không, chỉ còn tiếng vọng lại từ gió núi. Cẩm chướng chờ mãi nhưng những cánh chim bay đi rồi không trở về nữa. Đoán điềm chẳng lành đã xảy ra, chiều chiều nàng ra nơi thác núi, tiếp tục chờ tin. Cho đến một buổi chiều, chim bay về đem tin chẳng lành. Nàng bật khóc trong tuyệt vọng, Cẩm chướng tung mình theo dòng thác, mất tích giữa cột nữa ồ ạt chảy.
Từ chỗ chân nàng đứng, theo những giọt nước mắt rơi xuống, người ta về sau tìm thấy một loài hoa mới với dáng dấp y hệt như đóa hoa trắng của anh tiều phu trẻ cứu người, chỉ khác màu đỏ thắm. Đóa hoa nở cạnh dòng thác êm đềm, dịu dàng, nhưng vẫn kiêu sa, vững vàng giữa trời gió cao nguyên và khí trời khắc nghiệt của cao nguyên.
Lạ hơn nữa, trong những ngày u uất nhất, người lữ khách vô tình soi bóng trên dòng nước, sẽ thấy bóng phản chiếu của những đóa hoa mang màu mắt long lanh và bóng hình y hệt đôi mắt nàng công chúa. Từ đó hoa mang tên Cẩm chướng, để tưởng nhớ đến nàng công chúa chung thuỷ chờ chồng…
Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết này!
Nếu bạn là người yêu hoa cẩm chướng, bạn có thể tìm hiểu thêm