Nổi mề đay là một trong những loại bệnh dị ứng da tương đối phổ biến, tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và công việc của người bệnh.
29/05/2020 | Nguyên nhân gây mề đay mẩn ngứa và cách điều trị hiệu quả
21/05/2020 | Cách trị ghẻ ngứa dứt điểm hiệu quả và an toàn
23/03/2019 | Mẩn ngứa gan bàn tay – biểu hiện của bệnh gì?
1. Bệnh nổi mề đay là gì?
nổi mề đay (hay còn có tên gọi khác là mày đay) là một dạng bệnh lý dị ứng. Đây chính là hiện tượng phù cấp tính hoặc mãn tính ở trung bì gây ra bởi phản ứng giữa các mao mạch trên da với nhiều các yếu tố khác. Bệnh rất phổ biến và cũng rất dễ nhận biết bởi những triệu chứng điển hình, ngoài ra bệnh cũng không có khả năng lây lan từ người này sang người khác.
Nổi mề đay là dạng bệnh lý dị ứng khá phổ biến
Người bị mề đay trên da sẽ xuất hiện những sẩn phù có kích thước khoảng từ 1mm và cũng có thể lên đến vài cm. Những sẩn phù này tồn tại trên da từ 30 phút – 36 giờ.
Có 2 dạng chính của bệnh, được chia ra dựa vào tiến triển bệnh:
-
Nổi mề đay cấp tính: thời gian bệnh kéo dài là từ 24 giờ đến dưới 6 tuần.
-
Nổi mề đay mạn tính: bệnh tái phát nhiều lần và kéo dài hơn 6 tuần.
2. Nổi mề đay có những triệu chứng gì?
Bệnh có những triệu chứng rất dễ phát hiện, bao gồm:
Trên da xuất hiện những nốt sẩn phù và mẩn đỏ: các vùng da trên cơ thể người bệnh có thể xuất hiện rải rác hay tập trung nhiều những nốt mẩn đỏ và sẩn phù. Các nốt có thể có kích thước khác nhau và tạo thành từng mảng, ban đầu chỉ ở một vùng nhỏ nhưng sau đó sẽ lan ra toàn thân.
Ngứa ngáy, khó chịu: đây chính là cảm giác điển hình của bệnh nổi mề đay. Người bệnh luôn có cảm giác ngứa mà càng gãi thì càng ngứa, đặc biệt là vào chiều tối và đêm, kèm theo cảm giác nóng rát khó chịu.
Một số triệu chứng khác: bên cạnh những triệu chứng điển hình kể trên, người bị bệnh nổi mề đay cũng có thể gặp phải những triệu chứng khác như môi và mắt bị sưng phù, mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, nổi mụn nước, tiêu chảy, tụt huyết áp,…
Nốt sẩn phù và mẩn đỏ trên da là triệu chứng điển hình của bệnh
3. Những triệu chứng thường gặp của bệnh nổi mề đay
Tuy là bệnh phổ biến nhưng việc xác định nguyên nhân gây bệnh lại rất phức tạp bởi bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nhiều trường hợp bệnh nhân nổi mề đay do nhiều nguyên nhân cùng một lúc, gây khó khăn cho việc xác định căn nguyên và điều trị. Một vài những nguyên nhân gây bệnh thường gặp có thể kể đến như:
Dị ứng thức ăn: những người có cơ địa dị ứng với một số loại thực phẩm như hải sản, phô mai, socola, sữa,… cũng có thể bị nổi mề đay khi ăn những thực phẩm đó.
Do thuốc: bệnh cũng có thể là phản ứng phụ của một số loại thuốc khi được đưa vào cơ thể. Trong đó, nhóm thuốc dễ gây dị ứng, nhất phải kể đến thuốc ức chế men chuyển, nhóm thuốc cyclin, vacxin, cloramphenicol, macrolid, thuốc chống viêm không steroid,…
Do dị nguyên trong không khí: lông động vật, khói mốc, khói bụi các loại, phấn hoa, len, men mốc,… đều có thể gây ra bệnh.
Mề đay có thể xuất hiện do dị ứng thuốc hoặc dị ứng thức ăn
Do yếu tố di truyền: theo số liệu thống kê được cho thấy, 50 – 60% trong tổng số người bị nổi mề đay là do yếu tố di truyền. Nếu cả hai bố mẹ đều bị bệnh thì 50% con sinh ra sẽ mắc bệnh. Trường hợp chỉ có bố hoặc mẹ có tiền sử bị mày đay thì tỉ lệ mắc bệnh của con là 25%.
Do bệnh lý: bệnh có thể xuất hiện ở những người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như lupus ban đỏ, cryoflobulinemia hay bệnh tuyến giáp tự miễn,…
Không xác định được nguyên nhân: các trường hợp này được xếp vào dạng bệnh vô căn hoặc tự phát, chiếm khoảng 50% trong tổng số những người bị mề đay.
Bên cạnh đó, còn có những yếu tố có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như:
– Tuổi tác: nguy cơ mắc bệnh ở người trẻ tuổi cao hơn so với người già.
– Giới tính: tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh mề đay nhiều gấp 2 lần đàn ông.
4. Bệnh nổi mề đay có nguy hiểm không?
Các chuyên gia da liễu cho biết, nổi mề đay không thể lây truyền từ người này sang người khác nhưng bệnh có khả năng tái phát nhiều lần ở cùng một người.
Mức độ nguy hiểm của bệnh còn tùy thuộc vào thể trạng cơ thể của người bệnh cũng như tình trạng mề đay là cấp tính hay mạn tính. Người bệnh thường thấy ngứa ngáy khủng khiếp và thường gãi để giảm bớt cảm giác khó chịu đó. Tuy nhiên, càng gãi thì càng ngứa và làm tổn thương vùng da khi gãi, dẫn đến trầy xước, nhiễm trùng và để lại thâm sẹo lâu dài.
Nổi mề đay cấp tính tuy không nguy hiểm nhưng dễ để lại thâm sẹo
Ở mức độ nguy hiểm hơn, khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng có thể dẫn đến những biến chứng chàm mạn tính, sưng mạch khí quản, nghẹt thở, khó thở do sưng mạch họng và đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nếu mề đay phát triển trong đường tiêu hóa sẽ dẫn đến những cơn đau thắt bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Đặc biệt, trường hợp bệnh mề đay ở não cực kỳ nguy hiểm bởi có thể gây phù nề não.
5. Nổi mề đay có cần điều trị không hay có thể tự khỏi?
Nếu người bệnh ở giai đoạn đầu (cấp tính), bệnh có thể tự khỏi mà không cần chữa trị. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể đến gặp bác sĩ để được điều trị các triệu chứng ngứa ngáy, giảm bớt cảm giác khó chịu. Bác sĩ cũng có thể sẽ kê thêm các loại thuốc như kháng histamin hoặc corticoid nhằm giúp bệnh khỏi nhanh hơn.
Còn với những trường hợp mạn tính thì thời gian khỏi bệnh sẽ lâu hơn, đồng thời người bệnh có thể bị tái phát nhiều lần. Do đó, khi thấy có những triệu chứng của bệnh, người bệnh nên đến gặp các bác sĩ da liễu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển đến giai đoạn mạn tính.
6. Một số lời khuyên giúp hạn chế nổi mề đay
Để hạn chế bệnh, bạn nên lưu ý một số điều dưới đây:
– Tránh các loại đồ ăn, thức uống có thể gây dị ứng.
– Với những vùng da bị nổi mẩn nên sử dụng những kem dưỡng da loại nhẹ hoặc làm mát với quạt, vòi sen,…
– Kiêng ăn các loại thực phẩm cay nóng, đồ ngọt, giàu protein và các chất kích thích như cà phê, thuốc lá,…
– Tránh tiếp xúc với nước nóng vì dễ làm da bị tổn thương.
Người bị mề đay nên kiêng các loại thực phẩm cay nóng
Bệnh nổi mề đay tuy không quá nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và công việc của người bệnh. Do đó, người bệnh cần nắm được những thông tin cơ bản về bệnh để tránh làm bệnh nghiêm trọng hơn, đồng thời cũng giúp bệnh nhanh khỏi.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hay cần được tư vấn, bạn có thể liên hệ ngay đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp ngay.