Bọ cạp (hay bò cạp) có tên khoa học là Arachnida. Ở Việt Nam có bò cạp đất, bò cạp núi, bò cạp tranh (bò cạp lửa, rất độc)… có mặt khắp nơi, nhiều nhất là rừng núi và trung du. Bò cạp thích sống ở nơi có nhiệt độ 20 – 37 độ C nhưng giới hạn chịu đựng của nó là 14 – 45 độ C. Bò cạp là động vật sống về đêm và hay đào bới, để tìm nơi trú ẩn mát mẻ, thường là mặt dưới các tảng đá và ban đêm ra ngoài săn mồi. Bò cạp sợ ánh sáng và các loài chim, rết, thằn lằn, những thú có túi và chuột…
Các loài bò cạp đều có độc tố ảnh hưởng đến thần kinh, mà bò cạp dùng để giết hoặc làm tê liệt con mồi. Nọc độc của đa số loài bò cạp vô hại đối với con người, tuy nhiên nó có thể gây ra các phản ứng khác, từ đau, tê cứng đến sưng phồng. Một vài loài bò cạp, chủ yếu trong họ Buthidae, có thể gây nguy hiểm, nhất là đối với một số người bị dị ứng. Nhưng bò cạp nói chung khá nhút nhát và vô hại, chúng chỉ chích khi bắt mồi hay tự vệ. Nọc độc bò cạp được dùng như một vị thuốc y học cổ truyền, là vị thuốc rất quý và có giá cao hơn cả nọc rắn. Bò cạp còn là món ăn “thượng đẳng”. Tuổi thọ của các loài bò cạp có khác nhau. Chúng có thể sống tới 4 – 5 năm, thậm chí 25 năm hoặc lâu hơn.
Nghề nuôi bò cạp không có gì nặng nhọc nhưng đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên theo dõi để điều chỉnh chế độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, cho ăn uống đầy đủ, đặc biệt trong quá trình giao phối của chúng…
Bò cạp là động vật hoang dã, có sức đề kháng cao, ít bệnh nên rất dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế rất cao. Yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng rất đơn giản.
Chọn giống, thả giống và thu hoạch
Chọn những con đã trưởng thành, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không dị dạng, không gãy càng, màu sắc đẹp… theo tỷ lệ 1 đực/2 cái. Từ lúc thả con giống tới lúc thu hoạch khoảng 6 tháng.
Chuồng và thiết bị nuôi
Chuồng nuôi phải đảm bảo nhiệt độ, ẩm độ, yên tĩnh, thoáng mát… có mái che mưa che nắng, xung quanh có lưới đề phòng rắn, mèo, chuột… Trước khi nuôi, phải rửa sạch, phơi khô chuồng nuôi và trang thiết bị. Chuồng nuôi, có thể là xô, chậu nhựa loại 70 – 80 lít… bên trong úp 3 – 4 cái rế tre giúp bò cạp chui ra, chui vào, bên trên có nắp đậy (có thể là lồng bàn hoặc nắp xô đục lỗ), ban ngày mở ra, chiều tối đậy lại. Cũng có thể xây chuồng (cao cỡ 0,8 m, rộng 1 m, dài 2 m) hay lớn hơn, nhỏ hơn, bên dưới tráng xi măng để bò cạp không đào hang chui đi mất và có lỗ thông thoát nước để giữ ẩm và tránh ngập nước; bên trong chuồng, úp ít vỏ dừa, miếng ngói cho bọ cạp trú ẩn, xung quanh đóng tôn để bò cạp khỏi bò ra ngoài.
Nếu dùng chậu nhựa có đường kính 60 cm, cao 70 cm (loại 70 – 80 lít), thì thả khoảng 100 con. Từ lúc thả giống tới lúc thu hoạch khoảng 6 tháng, bắt bò cạp cho vào túi lưới nhỏ, giao cho khách hàng.
Trong tự nhiên, vào mùa nắng, khí hậu nóng nực, bò cạp thường đào sâu xuống những nơi ẩm thấp, mát mẻ sinh sống. Ngược lại, vào mùa mưa chúng tìm đến những nơi cao ráo hơn để ở, nhằm tránh nước ngập… Vì vậy, chúng ta có thể dùng quạt máy phun sương cho bò cạp mát, không để bọ cạp chết vì thời tiết quá nóng hoặc bị ngập nước, nhất là lúc có con non (nếu có điều kiện nên tách ra nuôi riêng vì chúng đòi hỏi độ ẩm cao).
Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ, nhiệt độ, ẩm độ và môi trường sinh thái phù hợp… sẽ giúp cho bò cạp sinh trưởng, phát triển nhanh, sinh sản nhiều và không bị dịch bệnh.
Khi vận chuyển bò cạp, phải cho vào nhiều thùng với mật độ vừa phải, đảm bảo nhiệt độ, ẩm độ, thoáng mát.
Thức ăn
So với nuôi dế, nuôi bọ cạp còn đơn giản hơn, tiêu tốn thức ăn ít hơn, 2 – 3 ngày cho ăn 1 lần. Thức ăn chính của bò cạp là động vật không xương sống (như côn trùng hay động vật chân đốt…), hay động vật có xương sống (như thằn lằn nhỏ…). Trong điều kiện nuôi nhốt, ta có thể cho bò cạp ăn dế (3 – 6 con dế 1 tuần), ốc sên, cuốn chiếu, bướm, mối, sâu bọ… Ngoài ra, ta cũng có thể cho ăn thêm thịt bò, tôm, cá, phổi heo, bò, gà, vịt… (nấu chín rồi tán nhuyễn vo thành viên), nên cho ăn vào ban đêm.
Trung bình 500 con bọ cạp, trong thời gian 3 tháng, chỉ tiêu tốn 1 – 2 kg thức ăn. Bò cạp ăn và tiêu hóa thức ăn ở dạng dịch và sống trong môi trường ẩm ướt nên chúng ít uống nước. Tuy nhiên, trong điều kiện nuôi nhốt, nên dùng quạt máy phun sương (hơi nước) chuồng nuôi hay để sẵn những đĩa xi măng, sành sứ hoặc gáo dừa… đựng nước sạch, để đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm và nước uống cho bò cạp.
Sinh sản
Bò cạp đực có 2 càng to hơn, đen thẫm hơn, bóng hơn, thân hình ngắn và dẹp hơn. Bọ cạp cái có 2 càng nhỏ hơn, thân hình dài và bầu hơn bọ cạp đực. Sau khi chọn giống bò cạp đực, cái, ta cho chúng “làm quen” nhau khoảng một tháng trong chuồng hoặc xô, chậu, để chúng phối giống, mang thai và sinh sản. Một con bò cạp có thể sống 25 năm hoặc hơn, nhưng chỉ trong thời gian 6 – 7 tháng đủ để bò cạp con lớn lên và trưởng thành. Lúc này, nó có thể giao phối và sinh sản. Nó có thể đẻ 15 – 50 con. Khoảng cách giữa các lứa đẻ có sự khác nhau: có thể là 1 tháng hoặc 2 – 3 tháng (tùy theo loài). Trung bình, mỗi lứa, con cái đẻ 15 – 20 con, khoảng cách giữa hai lứa đẻ là 1 tháng. Những con cái đẻ nhiều con (trên 30 con) thì 2 – 3 tháng sau mới có thể cho ra lứa tiếp theo.
Bò cạp được sinh ra từng con một và bám trên lưng mẹ cho tới khi trải qua ít nhất một kỳ lột xác, chúng mới được “hạ thổ”. Giống bò cạp nuôi con cũng lạ, chúng cõng cả đàn con trên lưng như đeo mớ bong bóng tí hon trong gần cả tháng, bất kể “ngày, đêm, ăn, uống, ngủ, nghỉ”… Trước kỳ lột xác đầu tiên, bò cạp con không thể sống sót nếu không phụ thuộc vào mẹ. Khi bò cạp vừa đẻ ra thì phải tách khỏi bầy ngay vì nếu không những con bò cạp khác sẽ ăn thịt bò cạp con…
Phòng bệnh
Bò cạp là động vật không xương sống, sống hoang dã, mới được thuần hóa, sức đề kháng rất mạnh nên ít dịch bệnh. Tuy nhiên, để chủ động phòng bệnh cho bò cạp, chuồng trại cần đảm bảo nhiệt độ, ẩm độ, môi trường sinh thái phù hợp, sạch sẽ, thoáng mát, tránh ngập nước hoặc nắng nóng trực tiếp… ăn uống phải đảm bảo vệ sinh. Tuyệt đối không cho bò cạp ăn những thức ăn bị hôi thối, ẩm mốc… nếu không, bò cạp có thể bị đau bụng, tiêu chảy, sình bụng và chết (có khi chết hàng loạt). Giá bò cạp thương phẩm hiện nay là 2.000 – 3.000 đ/con, bò cạp giống 7.000 – 15.000 đ/con.
Các địa chỉ liên hệ mua bán bò cạp:
– Cơ sở nuôi bò cạp của ông Nguyễn Trọng Suôn, khu phố 6, phường Long Bình, Q.9, TP.HCM. ĐT 0976218341.
– Cơ sở nuôi bò cạp của ông Nguyễn Quang Huy, số 10, đường 15, khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM. ĐT 0989034559.
– Cơ sở nuôi bò cạp của ông Lê Thanh Tùng, ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM. ĐT 08 7961753.
– Trang trại Phú An hay còn gọi là trang trại “kỳ cục”của anh Lê Kỳ Phùng, xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. ĐT 061 528515 – 528268 – 528968 – 528969 hoặc 061 923930 – 923931.
– Cơ sở chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Sửu, ĐT: 0903000405 – 061 519919.
– Hoặc liên hệ mua giống qua số ĐT 0915552280 – 0987874097.