Nuôi cá lóc kết hợp cá trê vàng trong mùng lưới trên sông

Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã phát triển mô hình nuôi “Cá lóc trong mùng lưới trên sông kết hợp cá trê vàng” cho năng suất cao, vừa tiện lợi dễ làm, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư thức ăn.

Mô hình nuôi kết hợp cho năng suất cá lóc từ 600-800 kg/10m2, cá trê vàng từ 100-150kg/10m2. Ảnh minh họa

Hiện nay để tận dụng diện tích mặt nước sông đưa vào sản xuất thì một số người dân ở các xã Ninh Quới, Ninh Quới A, Vĩnh Thanh, Vĩnh Bình của tỉnh Bạc Liêu đã phát triển mô hình nuôi “Cá lóc trong mùng lưới trên sông kết hợp cá trê vàng”.

Đây có thể nói là một trong những mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả như: năng suất cao (cá lóc từ 600-800 kg/10m2, cá trê vàng năng suất từ 100-150kg/10m2), vừa tiện lợi dễ làm, vừa tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá nuôi, tận dụng được thức ăn dư thừa, không những giúp cá không thất thoát mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, phòng ngừa dịch bệnh trên cá nuôi và tăng thêm lợi nhuận để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ở mô hình này mặc dù chi phí đầu tư mùng lưới cao hơn so với cách nuôi truyền thống nhưng lại có nhiều tiện lợi: tránh cá lóc nuôi thất thoát, mùng lớn phía bên ngoài tận dụng nuôi được cá trê vàng gặt nên nâng cao thêm thu nhập cho hộ nuôi, theo thông tin từ Trang TTĐT Việt Linh. 

Nguồn nước ngọt ổn định trên sông quanh năm giúp nông dân Bạc Liêu thuận lợi nuôi cá lóc kết hợp cá trê vàng. 

Cá trê vàng nuôi bên ngoài có thể tận dụng thức ăn dư thừa của cá lóc, làm sạch các chất bùn đáy lắng đọng phía dưới đáy và thành mùng lưới nuôi cá lóc nên hạn chế được vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên sông rạch cũng như dịch bệnh cho cá nuôi. Từ đó giúp cá lóc nuôi lớn nhanh, nâng cao được năng suất và thu nhập.

Mô hình nuôi này nên lấy công làm lãi bằng hình thức bắt ốc bươu vàng cho cá ăn, vừa giảm chi phí thức ăn vừa làm giảm địch hại trên ruộng lúa. Với cách làm này mỗi mùng lưới có thể giảm được khoảng 2.5-3 triệu đồng tiền thức ăn.

Bên cạnh đó một kinh nghiệm không thể bỏ qua đối với mô hình nuôi cá lóc kết hợp cá trê vàng trong mùng lưới trên sông là việc bố trí mùng phải làm sao cho đáy mùng lưới phải cách đáy sông khoảng 0,5m. Như vậy vừa giảm ô nhiễm cho đáy mùng, vừa hạn chế cua kẹp rách đáy có thể làm thất thoát cá, ngoài ra vì cá lóc có thể nhảy cao từ 1-1.2m nên miệng mùng phải cao hơn mặt nước khoảng 1,5m và phải may lưới phía trên để tránh chim bói cá ăn cá lúc mới thả giống, có thể che mát cho cá bằng cách bố trí tàu dừa bên trên mùng lưới.

Với hình thức nuôi này, thông thường người nuôi chọn loại lưới có kích thước mắt lưới 2,5 cm. Mùng lưới được bố trí trên sông gồm hai phần: Phần mùng lưới bên ngoài là một mùng lưới lớn hình chữ nhật bao bọc rộng 20 – 30 m2 dùng để nuôi cá trê vàng; phần phía trong mùng lưới có thể bố trí 2 – 3 mùng lưới nhỏ, mỗi cái rộng 8 – 10 m2 để nuôi cá lóc.

Trong đó, cần lưu ý để tránh tình trạng cá nuôi bị thất thoát, mùng lưới phía bên ngoài rộng gấp 2 lần các mùng nhỏ nuôi cá lóc bên trong, mùng lớn phía ngoài tận dụng nuôi được cá trê vàng. Cá lóc có thể nhảy cao 1 – 1,2 m nên miệng mùng phải cao hơn mặt nước khoảng 1,5 m và phải may lưới phía trên để tránh địch hại xâm nhập và cá nhảy ra ngoài làm thất thoát.

So với phương thức truyền thống, trong mô hình nuôi kết hợp này cá trê vàng sẽ tận dụng lượng thức ăn dư thừa và sản phẩm thải từ cá lóc để làm thức ăn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế, theo tin tức từ Tạp chí Thủy sản Việt Nam. 

Đối với hình thức nuôi cá lóc lồng kết hợp thả cá trê vàng, có thể bố trí mật độ nuôi cá lóc 100 – 150 con/m2, cá trê vàng 60 – 70 con/m2. Trong quá trình nuôi, thường xuyên kiểm tra sức khỏe cá để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đặc biệt, cá nuôi thường mắc phải một số bệnh: nấm thủy mi, ký sinh trùng, rận cá… khiến cá chết nhiều nếu không xử lý kịp thời. Do đó, khi gặp vấn đề khó khăn, người dân cần liên hệ với cán bộ kỹ thuật tại địa phương để được tư vấn kịp thời.

Rate this post

Viết một bình luận