Nuôi cá lồng – Hướng phát triển kinh tế mới ở Đà Vị

Điều kiện thuận lợi phát triển cá lồng

Hiện nay, diện tích nuôi thả cá của toàn xã đạt 162 ha, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 90 tấn/năm với nhiều loại cá đặc sản như cá nheo, cá bỗng, cá lăng…

Ông Dương Văn Nội, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, nghề nuôi cá lồng đã tạo ra một hướng làm ăn kinh tế khác hẳn cho bà con nơi đây. Ngày trước, người dân trong xã gắn bó với kinh tế rừng và làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm, quy mô không lớn nên hiệu quả kinh tế thu về hầu như không được bao nhiêu. Từ ngày có hồ sinh thái với diện tích mặt nước lớn, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, dồi dào đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng phát triển.


Anh Lương Văn Tần, thôn Xá Thị, xã Đà Vị (Na Hang) kiểm tra sức khỏe,
độ phát triển của cá trong lồng nuôi.

Anh Lương Văn Tần, thôn Xá Thị, một người nuôi cá lồng lâu năm chia sẻ, năm 2015, gia đình anh mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đầu tư 10 lồng cá đặc sản gồm các loại cá bỗng, cá lăng, cá trắm đen… Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên trong những năm qua, cá luôn phát triển khỏe mạnh, cho thu hoạch đúng thời điểm. Trung bình hàng năm cho thu lãi trên 100 triệu đồng.

Cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nuôi được nhiều chủng loại cá, nhất là những loại cá đặc sản, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng ô-xy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Bí quyết của người nuôi cá lồng

Toàn xã Đà Vị hiện có 13 hộ nuôi cá lồng với 93 lồng nuôi, các hộ gia đình nuôi cá thường làm lồng có kích thước từ 6-8 m3, mỗi m3 lồng cho thu từ 25 – 30 kg cá/năm. Lồng được buộc vào khung lồng và làm nổi bằng hệ thống phao nhựa hoặc thùng phuy đính vào khung lồng. Các góc lồng được cố định bằng các cọc hoặc gỗ buộc thẳng góc với khung lồng.


Những lồng nuôi cá tại xã Đà Vị (Na Hang)

Anh Lường Văn Châm, thôn Xá Thị chia sẻ: “Kinh nghiệm nuôi cá lồng của tôi gón gọn trong 2 chữ “cẩn trọng”. Tôi luôn quan tâm, theo dõi sát sao đến tình hình đàn cá và đảm bảo từng khâu nuôi dưỡng, từng giai đoạn phát triển đều được thực theo đúng quy trình và kỹ thuật”.

Khi chọn cá giống, cá phải có sức khỏe tốt, kích thước phù hợp độ tuổi, không có dấu hiệu của bệnh. Cá giống phải đồng đều về kích cỡ không dị hình và xây xát, cá phải có kích cỡ lớn để không chui lọt vách lồng. Mật độ thả cá cần phù hợp với kích thước lồng nuôi, lượng thức ăn được điều chỉnh theo trọng lượng cá nuôi tránh tình trạng dư thừa ảnh hưởng đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế.

Nghề nuôi cá lồng tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng rất vất vả. Người nuôi hầu như phải túc trực ở khu vực lồng bè, cùng ăn, cùng ngủ với đàn cá. Thường xuyên làm vệ sinh lồng nuôi để đảm bảo nước lưu thông tốt, cung cấp đủ oxy hòa tan cho cá. Khi nước chảy mạnh phải có biện pháp che chắn làm giảm lưu lượng của nước qua bè. Khi nước chảy yếu phải có biện pháp quạt làm tăng cường lượng nước lưu thông cho bè nuôi. Chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của cá, nhất là khi cho ăn để phát hiện bệnh dịch kịp thời.


Cá được nuôi trong lồng chuẩn bị thu hoạch.

Theo chia sẻ của anh Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã, cá đặc sản nuôi ở Đà Vị hiện được rất nhiều thực khách sành ăn ở Hà Nội ưa thích, chính vì vậy mà cá nuôi ở đây thường được các tiểu thương, nhà hàng từ thủ đô lên tận đây thu mua.

Trong tương lai khi quy mô và sự chuyên nghiệp được nâng lên chắc chắn thị trường tiêu thụ của cá đặc sản Đà Vị nói riêng và cá đặc sản của huyện Na Hang nói chung sẽ còn được mở rộng hơn nữa, nâng cao đời sống kinh tế của người dân địa phương.  

Rate this post

Viết một bình luận