Anh chị Nguyễn Văn Hùng, Trần Thị Ngọc Diễm vốn là người dân thôn Ánh Mai 3, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc. Thôn Ánh Mai 3 đất cằn, trồng cây cà phê xuống, hai năm chưa ra nổi trái. Vậy là cùng với bà con trong xóm, chị Diễm anh Hùng cũng đào ao, thả cá vì thôn vốn thuộc vùng trũng của xã.
Chị Trần Thị Ngọc Diễm vốn là người dân thôn Ánh Mai 3, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) bên vườn mía và ao nuôi cá rô phi đơn tính của gia đình.
Thử nuôi rất nhiều loại cá khác nhau, cuối cùng anh chị gắn bó với con cá rô phi đơn tính.
Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Ở khu này, khí hậu lạnh nên nuôi cá chậm lớn, chỉ con cá rô phi chịu lạnh tốt, sức sống dai là hợp. Nhà tôi nuôi cá rô phi 10 năm nay, làm nhà làm cửa, nuôi con đi học cũng từ cá rô phi”.
Ban đầu anh chị gặp khó khăn, hai vợ chồng hì hụi đào tay được cái ao tầm 1 sào mặt nước. “Đào tay cực lắm cô ạ, đào đất lên, thuê người vác đất bỏ ra cho người ta tôn nền chứ sao vứt đất bừa bãi được. Rồi từ từ thu được từ cá rô phi đơn tính, nhà tôi đào thêm ao, sửa sang lại ao cũ, giờ cũng coi như hoàn chỉnh”.
Hiện anh chị Hùng – Diễm có 5 ao nuôi cá rô phi đơn tính, với tổng diện tích 1,7 ha mặt nước. Trung bình một năm, anh chị thả từ 100.000-120.000 cá rô phi giống trên tổng diện tích 5 ao.
Chị Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, khác với nhiều vùng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện hay các khúc sông lớn, nuôi cá trong ao đất như bà con thôn Ánh Mai 3 có rất nhiều khác biệt.
Một năm, ngay sau khi ăn tết, bà con thả cá rô phi giống xuống ao. Vài tháng cá rô phi quen ao, ổn định là bước vào mùa mưa, bà con cho ăn thúc để cá rô phi mau lớn. Tới tháng 11, 12, bước vào mùa cà phê là tới vụ thu hoạch cá rô phi, chủ yếu cung cấp cho bà con Bảo Lộc và vùng lân cận.
Chị Diễm cho biết: “Cá rô phi Lộc Châu nuôi khó hơn vì ao kín, không có nước chảy. Mùa mưa nước nhiều, chúng tôi cho cá rô phi ăn 2 lần/ngày. Tới mùa khô, cá rô phi lớn, nước cạn, chỉ cho cá ăn 1 lần/ngày với lượng vừa đủ, tránh để cá ngợp, thiếu oxy dễ chết cá. Bình thường mùa mưa cá rô phi nhà tôi ăn 5 tạ cám/ngày, mùa khô chỉ 2-3 tạ”.
Không chỉ cho ăn hạn chế, ao nhà chị Diễm đều có các dàn phun mưa mở suốt ngày đêm, tạo độ thông thoáng, tăng oxy cho cá rô phi.
Chị Trần Thị Ngọc Diễm tính toán, một năm chị thu chừng 70 tấn cá rô phi thương phẩm. Không chỉ là nông hộ nuôi cá rô phi lớn nhất thôn Ánh Mai 3, anh chị còn kiêm luôn việc thu mua cá, cung cấp cá rô ohi giống cho bà con trong thôn.
Tới mùa thu hoạch, anh chị tới ao từ 1 giờ đêm, thả lưới bắt cá rô phi mang đi tiêu thụ cho bà con. Gia đình anh chị Hùng – Diễm là thành viên nòng cốt của Tổ hợp tác nuôi cá thôn Ánh Mai 3, góp phần giúp các thành viên phát triển nghề nuôi cá rô phi.
Con cá rô phi cũng mang lại cho anh chị từ 1,5-2 tỷ đồng/năm, giúp anh chị nuôi con đi học trong và ngoài nước, xây dựng cơ ngơi khang trang, rộng rãi.
Không chỉ nuôi cá rô phi đơn tính, gia đình anh chị Nguyễn Văn Hùng, Trần Thị Ngọc Diễm còn là nhà cung cấp mía chuyên phục vụ các xe quay nước mía nổi tiếng Bảo Lộc. Anh chị đã có 20 năm chuyên trồng và cung cấp mía cây cho hầu hết các xe nước mía.
Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, mía dùng để quay nước là loại mía thân xanh, vỏ cứng, vị ngọt đậm, năng suất rất cao. Anh chị trồng mía tại các khu vực đất không đào ao. Cây mía rất dễ chăm sóc, chỉ cần chặt ngọn, đào rãnh bằng máy, thả xuống phủ đất là cây tự mọc.
Nếu có thời gian, chặt ngọn sau đó ủ ít ngày cho ra mầm mới trồng thì cây lớn rất nhanh, chặt ngọn trồng ngay cây lớn chậm hơn. Một năm, anh chị cung cấp cả trăm tấn mía cây, giá 3,5 triệu đồng/tấn.
Chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đánh giá, gia đình anh chị Nguyễn Văn Hùng, Trần Thị Ngọc Diễm là nông hộ làm ăn giỏi, thu nhập cao từ con cá rô phi.
Đồng thời, anh chị cũng rất sẵn sàng chia sẻ nguồn cá rô phi giống, thu mua cá rô phi thương phẩm cho bà con, hỗ trợ bà con các kỹ thuật như bắc giàn phun mưa, làm bè cho cá rô phi ăn…, là thành viên nông dân nhiệt tình, hỗ trợ nghề nuôi cá thôn Ánh Mai 3 cùng vươn lên.