“Ông lão đánh cá và con cá vàng” thời công nghệ số
Mạnh tay phá vỡ màu sắc cổ tích
– PV: Dựng kịch thiếu nhi từ truyện cổ tích, điều này không còn mới. Vậy điều gì đã biến một câu chuyện cổ tích quen thuộc trở nên sinh động hơn?
– Đạo diễn Dominic Gunther: Tôi có một nguyên tắc là không dựng một vở kịch tới lần thứ hai. Nhưng với “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, tôi sẽ dựng tới 3 lần. Đầu tiên là với các nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi trẻ, sau đó là các nghệ sỹ của Nhà hát Thế hệ trẻ Dresden và cuối cùng là sự hòa trộn giữa nghệ sỹ 2 nhà hát. Mỗi lần dựng sẽ có những điều chỉnh và sửa chữa cho phù hợp với thị hiếu thưởng thức của khán giả mỗi nước. Tất nhiên, điều đó nằm trong mục đích chung là tạo ra một vở kịch thiếu nhi đương đại dựa trên câu chuyện cổ tích nổi tiếng.
– Việc mạnh tay phá vỡ màu sắc cổ tích của câu chuyện liệu có làm tác phẩm trở nên khô cứng không, thưa đạo diễn?
– Tôi luôn cố gắng mang những vấn đề hiện tại vào tác phẩm. Cứ thử hình dung, những điều không còn liên quan tới chúng ta, những điều đã lùi vào quá khứ sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán với những cô bé và cậu bé của thời công nghệ số. Tôi đưa vào vở kịch video clip trò chuyện với các em nhỏ Việt Nam-Đức. Ở đó, các em cũng được hỏi về những điều các em mong muốn, những điều các em thích từ chính cuộc sống.
– Tuy là một câu chuyện đến từ Đức nhưng đạo diễn hẳn sẽ đưa các hình ảnh quen thuộc của Việt Nam vào vở kịch?
– Lấy hình ảnh “Múa rồng” quen thuộc tại các lễ hội Việt Nam, trong vở kịch “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, khán giả sẽ thấy hình ảnh của con cá được rước với 2 chiếc gậy. Còn với phần âm nhạc, tôi đã nhờ sự giúp sức của một nhạc sỹ gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Đức. Nữ nhạc sỹ này sẽ hòa trộn các nhạc cụ của Đức và Việt Nam để tạo nên phần âm thanh cho vở kịch. Để không tạo khoảng cách với các em nhỏ, việc đưa thêm các yếu tố văn hóa bản địa là điều không thể thiếu.
– Anh kỳ vọng điều gì vào tác phẩm?
– Cũng giống như “Vòng phấn Kavkaz”, sự đón nhận của khán giả luôn là điều đạo diễn mong muốn nhiều nhất. Tôi hy vọng tác phẩm của mình không chỉ có các em nhỏ mà còn có các bậc phụ huynh tới thưởng thức. Thông điệp của vở diễn rất cụ thể: đó là câu trả lời cho câu hỏi “cái gì mang lại hạnh phúc cho con người”, đôi khi con người mong muốn những điều lớn lao nhưng lại quên đi những điều nho nhỏ trong cuộc sống.
Yêu Hà Nội từ những điều nhỏ nhặt
– Thử tưởng tượng sự nghiệp của đạo diễn sẽ thế nào nếu thiếu đi 2 vở kịch dàn dựng tại Việt Nam-“Vòng phấn Kavkaz” và “Ông lão đánh cá và con cá vàng”?
– Tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ có được những kinh nghiệm quý báu trong công việc nếu không dựng “Vòng phấn Kavkaz” và “Ông lão đánh cá và con cá vàng” tại Việt Nam. Không tiền bạc nào có thể mua nổi những kinh nghiệm đó và tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời, tiếp tục làm giàu thêm trong sự nghiệp đạo diễn của mình.
– Anh có ý định sẽ dựng kịch Việt Nam tại sân khấu Đức?
– Lần thứ hai đến Việt Nam, tôi đã nghĩ ngay về điều này. Việt Nam có một kho tàng truyện cổ tích phong phú và việc giới thiệu quảng bá ra nước ngoài là điều cần thiết. Tôi luôn hỏi mọi người ở đây xem có dự án nào có thể đưa kịch Việt Nam sang Đức dàn dựng được không.
– Cảm giác của đạo điễn khi tới Hà Nội lần thứ hai?
– Lần đầu tiên tới Hà Nội, tôi thấy mình còn xa lạ với thành phố này. Nhưng lần thứ hai, cảm giác dè dặt và e ngại đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là cảm giác trở về nhà khi tôi bước ra đường, quen ngay với giao thông tại Hà Nội và được những người dân Hà Nội chào đón bằng nụ cười và lời chào thân mật. Đặc biệt, với lần dàn dựng vở kịch “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, tôi còn được làm việc với nhiều gương mặt mới của Nhà hát Tuổi trẻ và điều đó làm tôi thấy vui mừng và phấn khởi. Tôi nhận thấy mình đã “phải lòng” Hà Nội từ những điều nhỏ nhặt như thế.
– Xin cảm ơn đạo diễn và chúc tác phẩm của anh sẽ thành công tốt đẹp!
Phạm Thu Hương – An Ninh Thủ Đô