Phải làm gì khi cảm thấy cô đơn và không còn điểm tựa?

– Vâng – tôi đã nhận được thư bạn!

Một bạn trẻ xin được yểm tên:

“Con chào sư ạ!

Thưa sư, con đã đắn đo mãi là có nên gửi tin nhắn này không vì con biết sư rất bận, có lẽ sư cũng không có nhiều thời gian để kiểm tra thư, và nếu có thì trong hàng trăm tin nhắn có khi nào sư đọc được những dòng tin này không, nhưng thật sự con rất cần có ai đó có thể cho con lời khuyên và con nghĩ sư có thể giúp con.

Con không biết con sinh ra trên đời này là có ý nghĩa gì, lý tưởng sống của con là gì, mục đích sống của con là gì, con cảm thấy rất ngột ngạt, muốn buông xuôi tất cả, thậm chí đôi khi muốn thoát ly khỏi ải trần gian này, con không có bạn bè, không người thương, không con cái, có người thân nhưng không thể trải lòng, con thấy mình cô độc lắm, con biết có ý nghĩ tiêu cực là điều không nên nhưng quả thật con cảm thấy bi quan vô cùng, con phải làm gì đây sư, sư cho con xin lời khuyên được không ạ, con cảm ơn sư ạ!”.
 

Gửi người thương! 

Chào bạn! Mình đã nhận được thư của bạn gửi, nhưng thiết nghĩ những câu hỏi của bạn cũng là những ưu tưvà khó khăn chung của những ai có duyên đọc được.

– Bạn ạ! Mình vẫn thường đọc thư của các bạn gửi về tâm sự, sẻ chia, và mình vẫn trả lời đầy đủ hết! Trừ khi mình không biết hoặc do chưa đóng tiền mạng nên có gửi mà hổng tới.

Bạn biết không, có những cuộc thẩm vấn nhẹ mà mình thường phải đối mặt như: – Sư đang ở đâu – Sư tu chùa nào – chùa sư tên gì – Sư nặng bao nhiêu kg và cao bao nhiêu mét – hình sư đưa lên mạng có được chỉnh sửa không hay giống ngoài đời thật – khi nào sư về Việt Nam – Sư tu lâu chưa – rồi có ai để ý sư chưa! – Hử – hú hồn hú vía – trợn tròng hai mắt hỏi thầm:

– What are you talking about?.

Rồi thêm những câu hỏi mang tính tu học một chút thì: – Sư ơi! Con muốn quy y với sư thì phải làm cách nào – con muốn xuất gia với sư thôi chứ không một ai cả (nhìn thấy Avatar là một người con gái) – Sư ơi! Làm thế nào để con có thể trả thù người đã làm con khổ – Sư ơi! Làm sao trúng số mà không phải tốn tiền mua vé mỗi ngày – Sư ơi! Con không tin vào thằng chồng con nữa, nó thèm cơm chán phở rồi – Sư ơi! Sao con hỏi mà sư không trả lời – Sư đi tu rồi mà chảnh hả! – xỉu – chắc tôi xỉu cho em vừa lòng.

Bạn biết không những lúc như vậy tôi thấy mình như đang rơi vào khoảng không vô định với bốn bức tường ngay trong căn phòng tối và đối diện tôi là một nhân viên thẩm vấn làm việc cho tổ chức CIA (Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ) để hỏi tôi về tất cả những thông tin cần thiết cho một cuộc điều tra nhanh có liên quan đến một phi vụ cực kỳ nghiêm trọng.

Khi ấy! Tôi sợ quá nên im lặng luôn tới giờ, và kết quả thì như bạn đã biết!

– Ông sư này, ngó vậy chứ không phải vậy – đi tu rồi mà còn chảnh choẹ – sớ – sớ (xì hơi miệng có s) – tôi viết tới đây tôi mắc cười quá bạn ạ! Mong bạn hiểu cho nỗi lòng của tôi.
Còn bây giờ tôi sẽ trả lời những câu hỏi mà bạn đã ưu tư gửi về:

– Sinh ra đời này có ý nghĩa gì?

Bạn ạ! Tôi cũng không biết tại sao tôi sinh ra cuộc đời này như bạn vậy – khi ấy! Tôi chỉ biết khóc oà í e và thế là lớn lên tới giờ. Hình như là tôi bị sinh ra và phải sống trên hình tướng này chứ không phải được sinh ra, được chọn lựa – nên thôi chúng ta cứ sống và bước đi cho hết cuộc hành trình của cuộc đời mình vậy, vì ai thì cũng như thế mà thôi!

Nhưng trong cuộc hành trình này của tôi và bạn, hãy ráng giúp được thêm cho ai thì giúp, phụng sự được gì cho cuộc đời này thì phụng sự để sau này có về với “cát bụi” thì cũng còn có gì đó để lưu lại kỷ niệm với đời – rồi ráng vui được ngày nào thì vui và ráng làm cho nó có ý nghĩa được ngày nào thì được.

– Lý tưởng sống của con là gì?

Trời! Nếu bạn hỏi về lý tưởng sống của tôi thì mình còn có cái để kể cho bạn nghe và khoe cho bạn thấy, còn giờ bạn hỏi về bản thân bạn thì chắc tôi chỉ biết pó răng – Ừ thì! Thôi bạn cứ tìm cho mình lý tưởng nào đó thiêng liêng nhất, bự nhất để hướng đến như trở thành nữ hoàng Alizabeth đệ tam năm lên 30 tuổi, hay được Tổng thống Trump nhận làm con dâu năm lên 40 tuổi thì đó cũng là một dạng lý tưởng lớn mà tôi chỉ gợi ý để bạn tham khảo – còn bình thường một chút thì bạn có thể có một lý tưởng về học hành, về ước mơ như ráng học cho xong cái gì đó, ráng xây cho mẹ một căn nhà thật bự, ráng lấy cho được một tấm chồng dễ thươngvà bên cạnh là một đàn con dại, hay vì đời một chút thì ráng làm một người tình nguyện viên năng động, một người phụng sự nhân sinh và trở thành một con người khuôn mẫu về đạo đức.
 

– Mục đích của con là gì?

Câu này giống câu trên quá – ui trời! Làm sao tôi biết được mục đích của bạn – vì nó nằm ở trong con ngườibạn thì làm sao tôi tìm ra được. Nhưng tìm mục đích cũng dễ lắm – bạn cứ chia ra làm 2. 1 là sống cho mình. 2 là sống cho người. Nếu chọn cả hai thì tức là chia khoảng thời gian ra để làm việc đó. Bạn cứ năng động vàtích cực tham gia các hoạt động từ thiện, tu học dành cho lứa tuổi của bạn như tôi có thành lập một tổ chức Nhân Sinh (nhansinhclub.com) ở Việt Nam, nên bạn có thể tham gia sinh hoạt để tìm lại cho mình mục đíchsống ở bước thứ hai tức vì người. Còn như bước đầu cho mình thì cứ ráng làm những gì mình thích và cố gắng để đạt được trong công việc, học tập, sự nghiệp và cả tương lai chồng con đùm đề vậy.
 

– Những điều còn lại: cô độc, chán nản, buồn bã, không người thân bên cạnh.

Bạn nè! Ngay chính tôi và tất cả những ai cũng phải đều thừa nhận rằng: Chúng ta ai cũng có những lúc cảm thấy mình thật sự cô đơn, cô đơn hơn bao giờ hết và bạn cũng đang rơi vào trạng thái này. Bạn có biết những nhà du hành vũ trụ họ phải sống một mình với khoảng không vô định trong một thời gian dài với một môi trường hoàn toàn khác: không con người, không không khí, không tiếng nói, không nụ cười.

Nhưng tại sao họ lại vượt qua hết và hoàn thành nhiệm vụ, vì họ phải tập thích nghi với những điều đó. Vậy vấn đề là chúng ta cũng phải tập thích nghi với cuộc sống hiện tại vậy. Như tôi đã từng nói đùa: “Tôi thấy ai cũng là người cô đơn hết – chỉ qua là họ hợp lại và chơi cùng với nhau thôi” nghĩ vậy để tự an ủi ấy mà.
 
Nên bạn và tôi cũng vậy, khi nào cảm thấy ngột ngạt quá thì mở cửa sổ ra thở còn có nhiều tiền thì bắt máy lạnh luôn cho dễ thở hơn, còn không thì chạy ra ngoài và bắt chuyện với một ai đó để làm quen, về nhà thì trồng hoa, nuôi mèo – nuôi chó, đọc sách “Khổ răng mà khổ rứa” chẳng hạn, rồi đi chùa đọc kinh mỗi đêm và có thể như tôi đã nêu trên: ghi danh tham gia vào các tổ chức từ thiện để mình được đi đây đó giúp người – giúp đời và cũng làm cho tinh thần được mở rộng, thoả mái mà còn học được nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống này – vậy nha bạn.

“Khi mà bạn quá bận rộn với cái lịch làm việc, vui chơi, thư giản, từ thiện, tu học thì không còn thời gian để cô đơn chiếm ngự đâu”. Một chàng trai còn mớ ngủ cho biết.

Nói thêm: Buồn quá, chán nản quá thì cứ khóc cho đã – ngủ một giấc cho lâu – rồi khi thức dậy thì cứ tập nói với lòng: ta phải làm lại từ đầu – rồi mở bài hát: Đời cho ta thế của Trịnh Công Sơn lên nghe trong đó có câu mà tôi rất thích: “Đời cho ta thế – cứ hãy sống tới như mọi ai – mặc dòng sông kia – sẽ cuốn đất cát ra biển khơi”.

Và tôi xin gửi đến bạn một đoạn kinh ngắn của Đức Thế Tôn đã nói về sự nương tựa Hải Đảo Tự Thân trong kinh tạp A Hàm:

“Tôi đã từng nhắc nhở quý vị nhiều lần rằng tất cả những gì ta trân quý hôm nay, ngày mai thế nào ta cũng phải buông bỏ và xa lìa. Chính tôi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đi. Vì vậy quý vị phải thực tập làm hải đảo tự thân, biết nương tựa nơi chính mình mà đừng nương tựa vào một kẻ nào khác, phải thực tập nương tựa vào hải đảo chánh pháp, biết nương tựa vào hải đảo chánh pháp, biết nương tựa nơi chánh pháp chứ đừng nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một ai khác.

Điều này có nghĩa là phải thực tập an trú trong phép quán niệm nội thân trong nội thân, sử dụng các bài tập một cách chuyên cần để nuôi dưỡng chánh trí vàchánh niệm, để điều phục và chuyển hóa những đam mê và âu lo trên đời, và cũng có nghĩa là thực tập an trútrong phép quán chiếu ngoại thân trong ngoại thân, sử dụng các bài tập một cách chuyên cần để nuôi dưỡng chánh trí và chánh niệm, để điều phục và chuyển hóa những đam mê và âu lo trên đời.

Đó gọi là phép quay về nương tựa hải đảo tự thân để nương tựa nơi hải đảo tự thân, quay về nương tựa nơi hải đảo chánh pháp để nương tựa nơi hải đảo chánh pháp mà không nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một nơi, một vật nào khác.

Nghe Phật dạy kinh này, các vị thầy đều vui mừng làm theo”. (Việt dịch Thích Nhất Hạnh)
 
Thương bạn và thương cả tôi!

Chào bạn hỉ! Chắc bạn sẽ vui lại khi đọc những dòng tâm sự này của một ông sư “già” tội nghiệp.
 

Rate this post

Viết một bình luận