Đề bài: Em hãy phân tích câu ca dao sau:
“Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.
Bài làm
Bài học kiến thức đầu tiên của bạn có thể là số 1, số 2, số 3… hay chữ o, chữ ô, chữ ơ… nhưng bài học đạo đức đầu tiên bạn cần biết phải là lòng hiếu thảo. Ông cha ta từ xưa tới nay luôn dạy con cháu phải đặt chữ hiếu lên đầu. Bài dạy đó được đúc kết qua một câu ca dao hết sức sinh động mà gần gũi, quen thuộc:
“Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.
Trước hết, ta sẽ đi giải nghĩa câu nói này. Câu nói được viết theo thể lục bát. Ở câu lục, “Ngó lên nuộc lạt mái nhà” tả hành động. “Ngó” chỉ hành động nhìn, ngước, tìm kiếm một thứ gì đó. “Lạt” là một vật dụng quen thuộc dùng để buộc, được làm từ giang, tre, nứa…. “Nuộc lạt” là các mối buộc của sợi lạt. Thường thì mái nhà của các ngôi nhà tranh truyền thống sử dụng lạt để thắt chặt các đoạn giao cắt của lá cọ. Mỗi mái nhà phải có vài ba trăm mối buộc trở lên. Câu thứ hai có dạng so sánh, giữa “nuộc lạt” và “nhớ ông bà”. Những mối lạt nhiều vô kể, không thể dùng con số chính xác đề thể hiện cũng giống như nỗi nhớ nhung với ông bà vậy. Cả câu ca dao mang tính giáo dục con người phải biết ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên.
Tại sao nhìn nuộc lạt lại nhớ ông bà? Rất đơn giản! Ông bà chính là người làm ra ngôi nhà ấm áp và vững chãi để ta được an tâm học tập và phát triển. Mỗi mối nuộc lạt tựa như giọt mồ hôi và tình thương vô bờ bến của ông bà cha mẹ đã hi sinh cho con cháu họ. Vì vậy chúng ta phải ghi nhớ và biết ơn công lao đó.
Bàn về đạo hiếu, ca dao tục ngữ Việt Nam không thiếu:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chay ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Hay câu
“Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm”.
Đạo hiếu vốn không phải là điều gì to tát như “rời sông lấp bể”, nó vô cùng đơn giản và bình dị. Đạo hiếu có thể chỉ là nhìn nuộc lạt mà nhớ tới ông bà. Đạo hiếu có thể chỉ là thờ cúng hương khói cho ba mẹ những ngày giỗ Tết. Đạo hiếu có khi chỉ cần tôn trọng bậc sinh thành. Các em nhỏ thể hiện đạo hiếu bằng câu “Cháo ông, chào bà, con đi học!”. Học sinh giữ đạo hiếu bằng bài văn, bài toán điểm chín, điểm mười. Thanh niên chỉ cần hỏi thăm “Cha mẹ hôm nay thế nào, có khỏe không?” cũng đã là người con hiếu thảo.
Nho giáo dạy chữ “Trung” trước chữ “Hiếu”, nhưng tôi tin rằng muốn “Trung” thì phải biết “Hiếu” đầu tiên. Chẳng phải thế sao? Từ anh bộ đội cụ Hồ đến chị thanh niên xung phong, họ cũng xuất phát từ tình yêu cha mẹ, mong muốn người thân ruột thịt được sống trong hòa bình, thái thịnh nên mới quyết tâm cầm súng đánh đuổi bọn xâm lăng cường bạo. Do đó, hiếu thảo là đức tính cơ bản nhất của con người, là nguồn gốc của những tình yêu lớn lao hơn như tình yêu quê hương, yêu giống nòi, yêu Tổ quốc.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn trẻ lại “quên” cách hiếu thảo. Họ dựa vào cái cớ văn minh để bác bỏ công ơn cha mẹ, ông bà. Từ việc hiểu lệch lạc hai chữ “văn minh”, các bạn trẻ cho rằng cha mẹ có nghĩa vụ nuôi nấng, chăm sóc mình tới khi trưởng thành. Trong khi đó, nghĩa vụ của một người con là hiếu kính cha mẹ thì họ cố tình bác bỏ. Lại có những bạn trẻ đua đòi, ham chơi, không tu chí học hành trong khi cha mẹ vất vả “một nắng hai sương” kiếm tiền cho ăn học. Câu ca dao là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với bộ phận giới trẻ này.
Như vậy, câu ca dao
“Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”
Có thể tóm gọn lại trong một chữ “hiếu”. Đó là đức tính và bản chất của người Việt bao đời mà nhiều quốc gia phải học hỏi. Là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, mỗi bạn trẻ cần biết giữ gìn và phát huy truyền thống đó.
Hoài Lê