Các nhà sinh vật học cho biết con cá có hình quả ngư lôi, màu vàng đồng là loài cá hiếm gặp, mới chỉ được nhìn thấy bốn lần trong gần 30 năm nghiên cứu dưới đáy biển sâu.
Cá rồng hiếm hình ngư lôi xuất hiện ngoài khơi bờ biển California Các nhà nghiên cứu đã bắt gặp cá rồng vây cao có hình quả ngư lôi – loài hiếm nhất trong nhóm cá sống ở biển sâu khu vực vịnh Monterey, California (Mỹ).
Trong chuyến thám hiểm vịnh Monterey ở California, một nhóm nhà nghiên cứu đã phát hiện ra loài cá biển sâu quý hiếm có tên cá rồng vây cao (Bathophilus flemingi) và quay lại video, Guardian đưa tin ngày 7/5.
“Trong hơn ba thập kỷ nghiên cứu về biển sâu và hơn 27.600 giờ quay video, chúng tôi mới chỉ nhìn thấy loài đặc biệt này bốn lần”, các nhà nghiên cứu cho biết trong một đoạn video. “Chúng tôi đã phát hiện cá thể này ngay bên ngoài vịnh Monterey ở độ sâu khoảng 300 m”.
Con cá được các nhà nghiên cứu quay lại có màu vàng đồng không giống với bất kỳ loài sinh vật biển sâu nào khác.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cá rồng vây cao hiếm có ngoài khơi bờ biển California. Ảnh: MBARI.
“Cá rồng vây cao là động vật rất thú vị, một phần do màu sắc của chúng”, Bruce Robison, nhà khoa học cấp cao tại Viện nghiên cứu thủy cung vịnh Monterey (MBARI), cho biết.
Ông nói thêm màu đồng có thể là một dạng ngụy trang vì tông màu này hấp thụ ánh sáng xanh chiếu tới vùng biển sâu, khiến cá rồng gần như vô hình trong môi trường sống của chúng.
Được đặt theo tên của sinh vật thần thoại, cá rồng vây cao có hình giống như ngư lôi, được biết đến là kẻ săn mồi dưới đáy đại dương.
Loài cá này có thể dài tới 16,5 cm và có các tia vây dài mỏng. Các nhà khoa học cho rằng các sợi giống như cánh có thể phát hiện ra các rung động và cảnh báo cá về những kẻ săn mồi và con mồi đang tới.
Theo MBARI, cá rồng sử dụng chiến thuật ngồi chờ bất động trong nước. Chúng trôi nổi trong bóng tối, chờ cá nhỏ và động vật giáp xác bơi qua. Tuy nhiên, những con mồi không bơi qua ngẫu nhiên mà thường bị cá rồng thu hút bởi sợi phát quang sinh học chìa ra từ cằm của chúng.
Chúng sử dụng bộ phận đó để thu hút con mồi bơi tới gần hơn do tưởng nhầm chấm sáng là thức ăn, theo ông Bruce Robison.
Khi con mồi tới đủ gần, cá rồng sẽ dùng hàm răng sắc nhọn để ngoạm chúng.