Ngày 03/10/2018 13:33 PM (GMT+7)
Sau khi sinh, nhiều mẹ hoang mang tự hỏi có phải mình đã… để quên não trong phòng đẻ.
Đoạn clip triệu view chứng tỏ “não cá vàng” sau sinh là có thật.
“Não cá vàng” sau sinh là câu chuyện bi hài không hồi kết của các mẹ bỉm sữa. Nhiều chị em thời còn con gái vốn có trí nhớ rất tốt nhưng đến khi mang bầu, sinh con mới “ngã ngửa” bởi chứng quên trước quên sau bỗng dưng xuất hiện.
Gần đây, trong một hội nhóm dành cho các mẹ bỉm sữa trên mạng xã hội, bà mẹ Q.T đã “mở màn” câu chuyện “rớt não” sau sinh với hàng loạt những tình huống dở khóc dở cười.
Sau sinh chắc hẳn mẹ nào cũng khổ sở vì chuyện suy giảm trí nhớ.
“Có mom nào sinh bé xong mà não cá vàng như em không. Em xin phép được kể những câu chuyện rớt não của em nhé.
Đầu tiên là em đi dép đi trong nhà ra ngoài sân, xong một hồi em lại đi chân không vào nhà. Thứ 2 là chuyện tiền chồng đưa, em cất kỹ vào trong tận lõi gối, đến khi quên lại tưởng ai lấy mất. Thứ 3 là em luộc bình sữa cho con tới mức cháy cả bình cả nồi. Thứ 4 là câu chuyện gần đây nhất, bố chồng em nhờ đi mua thuốc đau đầu, ngớ ngớ ngẩn ngẩn đi ra đường lại quên rồi vào quán mua ngay thuốc lá. Còn nhiều chuyện nữa mà giờ em cũng chẳng nhớ để kể luôn”, chị T. viết.
Nồi, niêu, xoong, chảo… là những “nạn nhân” thường gặp của các mẹ bỉm sữa sau sinh.
Hưởng ứng câu chuyện của chị T., hàng loạt mẹ bỉm sữa cũng tranh thủ vào thở ngắn than dài vì chuyện quên chuyện nọ chuyện kia, thậm chí nhầm lẫn tai hại đã xảy ra thường xuyên kể từ sau khi họ thực hiện thiên chức thiêng liêng của mình.
“Nạn nhân” thường gặp nhất của các mẹ sau sinh có lẽ là những chiếc nồi, chiếc chảo thường xuyên bị quên đến cháy đen.
“Từ ngày đẻ xong nhà mình cháy thủng 4 cái nồi rồi các mẹ ạ! Cái tội bếp dưới nhà còn phòng ở tầng 2 nên cứ đặt nồi gì rồi bảo lên phòng ngó con tí nhưng lại quên ngay được. Khổ quá!”, chị M.A than vãn.
Cùng cảnh ngộ, chị T.N chia sẻ: “Vụ đun đồ ăn hay luộc bình sữa cho con đến cháy nồi chắc mẹ nào cũng dính nhỉ. Nhà mình mấy tuần là hết bình ga vì tội cứ quên lên, quên xuống. May chưa lần nào cháy nhà”.
Món trứng luộc của bà mẹ này bỗng biến thành trứng nướng.
Bên cạnh đó là những lần hậu quả của “rơi não trong phòng sinh” mà ai chưa trải qua chắc không tin nổi.
“Hôm trước mình đi tiêm phòng cho con, y tá hỏi con sinh ngày bao nhiêu để ghi vào giấy mà ngồi ngẩn tò te 10 phút không nhớ nổi. Cuối cùng phải gọi điện hỏi chồng làm mấy bác bên cạnh cứ trêu có tí tuổi đầu mà thua bà già, con đẻ ngày nào không nhớ”, chị K.N chia sẻ.
“Mình đây cả ngày quanh quẩn chỉ đi ra tìm điện thoại, đi vào tìm điện thoại… Nhờ chồng tìm thì chồng cứ nhè lò vi sóng với tủ lạnh mà tìm trước. Có hôm ăn cơm xong chồng rủ đi chơi, ngồi trong xe lại bảo chồng đi ăn đi đói quá. Chồng ngớ ra bảo vừa ăn đã đói rồi à. Lúc đấy mới nhớ ra là mình ăn rồi”, chị B.N kể lại những tình huống oái oăm mình gặp phải.
Đọc những tình huống các mẹ kể lại quả thật vừa thương vừa buồn cười.
Và “bá đạo” nhất có lẽ phải kể đến trường hợp của chị G.N. Chị kể lại: “Mình sau sinh phải đi làm sớm. Hôm đấy phòng có nhân viên mới nên muốn làm quen giới thiệu mà chào rồi không nhớ ra mình tên là gì để mà nói tiếp. Mặt ngẩn ra như ngố, phải quay ra hỏi đồng nghiệp “Chị ơi em tên gì?” nghe có hài không cơ chứ”.
Vậy nhưng có vẻ như không phải chỉ các mẹ đã sinh con mới bị giảm trí nhớ. Nhiều mẹ bầu tâm sự từ khi chưa đẻ đã bắt đầu có triệu chứng này.
Không ít chị em còn đang bầu bí cũng đã bắt đầu có biểu hiện “não cá vàng”.
Chia sẻ về vấn đề suy giảm trí nhớ ở phụ nữ sau sinh, PGS.TS. Chu Quốc Trường (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết: Hay quên là tình trạng thường xuyên gặp ở phụ nữ sau sinh. Nguyên nhân là do áp lực công việc, gia đình, thiếu máu não, suy giảm estrogen, thoái hóa tế bào thần kinh….
“Ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh, hàm lượng hocrmon estrogen ở trong máu bị suy giảm một cách đột ngột. Do vậy, cùng với rối loạn các hocrmon khác, sẽ gây ra rối loạn hoạt động cơ bản của các tế bào thần kinh ở não, trong đó có các trung khu có chức năng ghi nhớ, xử lý thông tin (liên quan đến trí nhớ). Tình trạng suy giảm trí nhớ ở các sản phụ có tỷ lệ khá cao”, PGS.TS.Chu Quốc Trường phân tích.
Sau sinh, mẹ nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. (Ảnh minh họa)
PGS.TS. Chu Quốc Trường tư vấn: Để cải thiện tình trạng “đãng trí” sau sinh, các sản phụ cần có sự chia sẻ, giúp đỡ của người thân trong gia đình để tránh quá căng thẳng trong việc chăm sóc con mới sinh; sắp xếp công việc hợp lý, tránh thức khuya, tránh làm quá nhiều việc cùng một lúc, làm việc cần kết hợp với nghỉ ngơi, thư giãn.
Ngoài ra, sản phụ nên chú ý rèn luyện trí nhớ như tăng cường ghi chép, đọc sách, giải trò chơi đố chữ, tham gia các hoạt động xã hội ngoài trời, sắp xếp đồ đạc hay dùng ngăn nắp, thứ tự, dễ tìm…
Theo Minh An (Khám phá)