Phòng trị bệnh xuất huyết và bệnh viêm ruột trên cá nước ngọt

Nghề nuôi thủy sản nước ngọt hiện nay đã và đang phát triển mạnh cả về diện tích nuôi, đối tượng nuôi và hình thức nuôi. Tuy nhiên, với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, môi trường nuôi bị ô nhiễm trầm trọng, bệnh trên cá ngày càng diễn biến phức tạp và lây lan nhanh.

rong khi đó, người nông dân còn nuôi theo kinh nghiệm là chính, việc phòng bệnh cho cá chưa được quan tâm đúng mức, nên trong quá trình nuôi, mỗi khi cá bị bệnh việc chữa trị còn lúng túng. Đối với các loại cá nước ngọt, một trong những bệnh thường xảy ra trong giai đoạn chuyển mùa thường gặp phải là xuất huyết và bệnh viêm ruột gây thiệt hại lớn đến kinh tế cho người nuôi trồng thủy sản. Sau đây chúng tôi giới thiệu đến bà con nông dân cách phòng và trị các bệnh trên như sau:

Bệnh xuất huyết: Bệnh gây thiệt hại lớn, thông thường cá phát bệnh khi nhiệt độ nước từ 25 – 320C, xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Bệnh xuất huyết đốm đỏ ở cá thể hiện ở hai dạng đó là xuất huyết đốm đỏ do vi khuẩn và vi rút gây ra.

 Về dấu hiệu bệnh lý bên ngoài: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn bơi lờ đờ trên tầng mặt. Da cá màu tối, mất nhớt, trên thân cá xuất hiện các đốm đỏ, mang xuất huyết và tái xám, dính bùn, mắt lồi, hậu môn sưng đỏ, đặc biệt cá có mùi tanh đặc trưng, ruột xuất huyết và không có thức ăn, cơ quan nội tạng đều xuất huyết và có dịch.

 Cá bị bệnh xuất huyết do vi khuẩn: Vảy rụng  bong ra, các vây xơ rách, tia vây cụt dần, xuất hiện các đốm đỏ trên thân và các gốc vây quanh miệng, dần dần các vết loét ăn sâu vào cơ thể, ruột chứa đầy hơi, thành ruột xuất huyết, nhiều chỗ bị hoại tử. Cá bị bệnh từ 1-2 tuần có thể chết với tỉ lệ từ 30-40%.

Cá bị bệnh xuất huyết do vi rút: Xoang miệng, xoang mang, nắp mang, mắt và gốc vây đều xuất huyết đặc biệt là dưới lớp da xuất huyết, cá bị nặng toàn thân xuất huyết, tróc vảy và lớp da của cá làm cơ dưới da có màu đỏ, bên trong thành ruột xuất huyết cục bộ nhưng không hoại tử. Nếu cá bị bệnh 3-5 ngày có thể chết và tỉ lệ chết từ 60-80% nhiều ao tỉ lệ chết 100%.

Biện pháp phòng bệnh

Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, qua mỗi vụ nuôi cần có thời gian tẩy trùng ao, giống thả phải đạt kích cỡ và không có mầm bệnh, mật độ thả nuôi phù hợp. Trong quá trình nuôi thường xuyên khử trùng môi trường nước nuôi bằng vôi với liều lượng 2kg vôi bột/100m3, định kỳ một tháng bón từ 1-2 lần. Vôi được hoà loãng với nước tạt đều khắp ao. Trong khẩu phần ăn hàng ngày giảm lượng thức ăn xanh tăng thức ăn tinh, cho ăn đầy đủ không để cá bị đói và bổ sung các loại vitamin C, B. Complex. Đặc biệt tăng cường chất dinh dưỡng trước thời gian chuyển mùa và trong mùa phát bệnh.

Trị bệnh

– Cá bị bệnh xuất huyết do vi rút nên khoanh vùng để tiêu huỷ đàn cá bệnh và có biện pháp tẩy trùng ao nuôi kịp thời tránh bệnh lây lan sang những vùng nuôi xung quanh.

 – Đối với bệnh xuất huyết do vi khuẩn: Sử dụng một trong các loại thuốc để phòng, trị cho cá như: Thuốc KN – 04- 12 cho cá ăn 3 ngày liên tục, liều lượng 2 – 4g thuốc/kg cá/ngày. Hoặc sử dụng Sulfamid liều dùng 150 – 200 mg/1 kg cá/ngày.

Bệnh viêm ruột: Do vi khuẩn Aeromonas punctata, thích hợp với nhiệt độ 250C. Bệnh xuất hiện vào mùa nhiệt độ cao, không khí oi bức, chất đáy nhiều mùn bã hữu cơ, môi trường ao bị ô nhiễm nhất là ở khu vực cho cá ăn.

Cá bị bệnh có biểu hiện kém ăn, bỏ ăn, bụng cá trương to, có ban đỏ, hậu môn đỏ lồi. Xoang cơ thể tiết dịch, thành ruột bị viêm và chảy máu, trên thành ruột có màu đỏ, dịch vàng hay hồng chảy ra từ hậu môn. Cá vận động chậm chạp, bơi tách đàn, chết nhanh.

Phòng bệnh

Làm tốt công tác cải tạo ao, xử lý và vệ sinh ao nuôi trước khi thả giống.

Cho cá ăn tuân theo nguyên tắc 4 định (định lượng, định chất, định vị trí và định thời gian cho ăn), sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không dùng thức ăn bị ôi thối.

Xử lý cá giống trước khi thả nuôi (tắm cho cá bằng nước muối nồng độ 2-3% trong 10-15 phút để loại bỏ mầm bệnh). Định kỳ dùng 10 gram tỏi trộn với 10kg thức ăn cho cá ăn trong 3 ngày.

Trị bệnh: Khi cá bị bệnh trong cùng một lúc phải dùng cả thuốc tiêu diệt các tác nhân bên trong và tác nhân bên ngoài, cụ thể:

Dùng Ca(OCl)2 (Clorua vôi ) rải xuống ao với nồng độ 1g/m3 nước để diệt vi khuẩn ngoài môi trường nước.

Dùng Sulfaganidin trộn vào thức ăn để diệt vi khuẩn bên trong cơ thể với liều lượng cứ 10kg cá cho ăn 1 gram thuốc trong một ngày, ăn liên tục 6 ngày nhưng từ ngày thứ 2 giảm đi 1/2.

Văn Thành – TTKN Lâm Đồng

Rate this post

Viết một bình luận