Phú Thọ: Nhộn nhịp làng nuôi cá chép phục vụ lễ cúng ông Táo về trời

Thương lái tập trung về làng cá trước ngày 23 tháng Chạp để lấy hàng kịp vận chuyển đi các tỉnh chủ yếu ở phía Bắc.

Thương lái tập trung về làng cá trước ngày 23 tháng Chạp để lấy hàng kịp vận chuyển đi các tỉnh chủ yếu ở phía Bắc.

Người buôn cá chép đỏ không chỉ từ Sơn La, Điện Biên, Hà Nội hay Hải Phòng, Quảng Ninh mà chép đỏ Thủy Trầm còn có mặt tại Trung Quốc để đảm nhận trách nhiệm “hộ tống” Táo Quân lên trời bẩm báo với Ngọc Hoàng kết quả một năm làm việc dưới trần gian. Nhờ đó mà cá chép đỏ Thủy Trầm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước, đem lại đời sống sung túc cho người dân nơi đây.

Nhiều ngôi nhà khang trang được xây lên nhờ hiệu quả từ nuôi cá chép đỏ.

Nhiều ngôi nhà khang trang được xây lên nhờ hiệu quả từ nuôi cá chép đỏ.

Làng Thủy Trầm là một làng nhỏ ven sông Hồng với gần 700 hộ dân sinh sống ở 3 khu 1, 2 và 3, trong đó có tới 90% số hộ nuôi chép đỏ với diện tích hơn 30ha. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, hàng tấn chép đỏ được đưa đi khắp nơi để bán. Lý do cá chép đỏ ở đây thu hút đông đảo giới thương buôn mỗi độ Tết ông Công ông Táo bởi cá ở đây có kích cỡ vừa phải, khỏe, đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên, vì thế nên được thị trường khắp nơi ưa chuộng. Ông Bùi Văn Tuấn – một trong những hộ nuôi nhiều chép đỏ ở khu 3, làng Thủy Trầm cho hay, cái anh chép đỏ này muốn được vừa ý, lúc xuất “chuồng” đạt tiêu chuẩn khoảng 40 con/1kg, (cá to hơn lại khó bán) thì cũng phải tuyển lựa kĩ lắm. Muốn có cá tốt, khâu đầu tiên phải chọn được cá bố mẹ. Cá mẹ phải đầu mình thon, cân đối; vây đuôi vàng, không rách, vẩy phải đều đặc biệt màu khi lộ dưới ánh nắng phải óng ánh. Khi lật ngửa lên phía dưới bụng cá phải hơi có rãnh lõm ở giữa, hai bên hơi lồi, khi lấy tay vuốn nhẹ xuống hậu môn, tức thì trứng cá phải phòi ra. Còn cá bố thì phải khỏe, chắc. Trước khi đánh bắt cá từ ao lên, các chủ cá đã chuẩn bị sẵn những túi lưới khoảng 1-2m3 để sau khi vớt cá từ ao lên cho vào “ép”. Kể cả cá giống và cá cúng nếu như không có công đoạn “ép” này thì sẽ bị “bạch vĩ”, đứt ruột chết ngay trên đường vận chuyển. “Ép” làm cho cá thải ra ngoài hết lượng phân và thức ăn còn trong cơ thể, đồng thời làm cho cá quen với môi trường chật trội, ôxy thấp khi vận chuyển. Bán cá giống và cá trưởng thành đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Đến nay, nhiều gia đình đã xây được nhà to, mua sắm được đồ gia dụng phục vụ cuộc sống, trẻ con được học hành đoàng hoàng.

Người dân vui mừng với thành quả chăn nuôi của mình.

Người dân vui mừng với thành quả chăn nuôi của mình.

Trong thời gian tới, xã Tuy Lộc sẽ hướng người dân đến việc ổn định để phát triển làng nghề theo hướng bền vững.Theo những cụ cao niên trong làng, người dân Thủy Trầm nuôi cá chép trước hết là để phục vụ và làm đẹp cho đời sống tâm linh của chính làng mình. Vì vậy, mỗi độ giáp ngày 23 tháng chạp, chợ phiên Thủy Trầm, xã Tuy Lộc lại rực đỏ, rực vàng màu cá. Cá được đựng trong những chiếc chậu nhôm trắng càng tô thêm sắc đẹp của cá. Những năm gần đây, cá chép còn được đựng trong túi ni lông, người mua có thể ngắm nghía cá, nếu vừa lòng sẽ tự tay bắt cá mang về. Rời Thủy Trầm trong lúc mọi người đang tấp nập lo đánh bắt cá, và chỉ còn vài ngày nữa những chú chép đỏ sẽ lên đường đi khắp miền Trung, miền Bắc đem những thỉnh cầu ước nguyện, lòng thành của mọi người lên bẩm tấu Ngọc Hoàng, mong cho mùa màng bội thu, cửa nhà êm ấm. Còn người dân Thủy Trầm chỉ mong sao Táo tấu lên Ngọc Hoàng phù hộ cho người dân nơi đây sớm có hệ thống bơm, tiêu nước để người dân yên tâm sản xuất “phương tiện” của Táo Quân đi khắp mọi miền đất nước./.

Đức Thọ

Rate this post

Viết một bình luận