Phụ nữ chuẩn bị mang thai có nên ăn dứa không?

Dứa là một loại trái cây thơm ngon, nhiều vitamin tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nó lại được khuyến cáo không sử dụng cho các mẹ bầu trong 3 tháng đầu. Vậy những người đang có ý định sinh con thì sao? Chuẩn bị mang thai có nên ăn dứa hay không?

Hàm lượng dinh dưỡng có trong quả dứa

Dứa còn được gọi là trái thơm hay khóm theo tiếng miền Nam. Loại trái cây này được trồng rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Quả dứa được chia thành 3 loại, gồm: dứa Hoàng hậu, dứa Tây Ban Nha và dứa Cayen. Cả ba loại dứa này đều được trồng nhiều tại Việt Nam, trải dài khắp từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, sản lượng dứa thu hoạch được vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam nước ta.

Dứa rất giàu chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Các chuyên gia cho biết, thành phần của dứa chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Trung bình cứ 100g dứa có chứa tới 85,3 g nước, 25 kcal, 16 mg vitamin C, 0,08 mg vitamin B1, 0,02 mg vitamin B2, 15 mg Canxi, 13,7 g hydrat cacbon, 11 mg photpho, 0,4g protein, 0,4 g chất xơ, 0,2 g lipid, 0,07 mg đồng.

Trong đó có thể thấy, dứa cung cấp một lượng lớn nước, vitamin C và B1 mà không phải loại trái cây nào cũng có được. Ngoài ra, dứa còn chứa một hàm lượng lớn axit hữu cơ gồm axit malic và axit xitric. Đặc biệt, dứa lại chứa cực kỳ ít chất béo và cholesterol.

Chính vì vậy, dứa được đánh giá là loại quả rất tốt cho sức khỏe, với những lợi ích cụ thể như:

  • Giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn

  • Giúp xương chắc khỏe, nướu răng khỏe mạnh

  • Chống viêm, giảm đau

  • Ngăn ngừa tình trạng huyết áp cao

  • Phòng chống bệnh ung thư

  • Giảm thiểu nguy cơ thoái hóa điểm vàng, suy giảm thị lực

  • Chống ho và cảm lạnh

  • Giảm tình trạng buồn nôn

  • Giảm cân hiệu quả, cải thiện vóc dáng và làn da

  • Tăng cường miễn dịch cho cơ thể, phòng chống sự xâm nhập của mầm bệnh

  • Phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch và nguy cơ đột quỵ

Nhờ những lợi ích trên mà dứa được khuyến cáo nên ăn đối với hầu hết tất cả mọi người, ngoại trừ trường hợp phụ nữ đang mang thai vì có nguy cơ gây sảy thai. Điều này khiến cho những bà mẹ đang có ý định sinh con không khỏi lo lắng, liệu chuẩn bị mang thai có nên ăn dứa không và có bị ảnh hưởng gì hay không?

Phụ nữ chuẩn bị mang thai có nên ăn dứa không?

Không thể phủ nhận hàm lượng chất dinh dưỡng trong quả dứa rất cao, đặc biệt là vitamin C và vitamin B1, rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bên trong dứa có chứa enzym bromelain có thể phân hủy protein, gây ra tình trạng chảy máu bất thường. Vì vậy, dứa và các loại viên uống có chứa bromelain không được khuyến khích cho mẹ bầu sử dụng để phòng tránh nguy cơ bị sảy thai.

Song, trên thực tế, chỉ khi mẹ bầu ăn dứa với một lượng lớn trong cùng một lúc mới có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thai kỳ, làm tăng nguy cơ sảy thai. Còn nếu chỉ ăn dứa với một lượng nhỏ sẽ không vấn đề gì. Hơn nữa, dứa còn giúp tăng cường và bảo vệ hệ miễn dịch cho mẹ bầu được tốt hơn, giảm nguy cơ bị virus, vi khuẩn và các mầm bệnh xâm nhập gây hại cho cơ thể.

Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên ăn dứa với lượng vừa phải. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trong tháng cuối của thai kỳ, ăn dứa còn có tác dụng giúp mẹ bầu chuyển dạ nhanh hơn, dễ dàng sinh con bằng phương pháp sinh thường. Bởi enzym bromelain có trong dứa có tác dụng làm mềm tử cung, kích thích tử cung co bóp tốt hơn. Vì vậy, khi sắp đến thời kỳ sinh nở, mẹ bầu nên ăn dứa với lượng vừa phải để giúp cho quá trình chuyển dạ diễn ra thuận lợi hơn.

Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai, việc ăn dứa không những không gây ảnh hưởng cho sức khỏe mà còn mang lại nhiều lợi ích. Vì vậy, chị em phụ nữ có thể ăn dứa thường xuyên để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, sẵn sàng cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Tuy nhiên, để tránh những tác động tiêu cực do dứa gây ra khi ăn uống quá liều, mỗi lần chúng ta chỉ nên ăn với một lượng vừa phải. Đối với những người ít ăn dứa mà sau khi ăn thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường như: ngứa, sưng miệng, mẩn nốt ngứa dị ứng trên da, chảy nước mũi, ngạt mũi, khó thở,…cần đến gặp bác sĩ ngay.

Thông thường, những phản ứng này sẽ xuất hiện sau vài phút đến vài giờ ăn dứa. Các bà bầu là đối tượng dễ gặp nhất vì thời điểm này cơ thể rất dễ nhạy cảm với phấn dứa.

Ăn dứa khi mang thai: Mẹ bầu cần lưu ý điều gì?

Nên ăn dứa vào tuần thứ bao nhiêu của thai kỳ?

Như đã nói ở trên, ăn dứa với một lượng vừa phải sẽ mang lại một số lợi ích nhất định cho sức khỏe thai kỳ. Tuy nhiên, nếu ăn quá liều hoặc cơ thể mẹ bầu dễ nhạy cảm, đặc biệt là những người có tiền sử bị sảy thai cần hết sức lưu ý khi ăn dứa.

Phụ nữ mang thai nên ăn dứa sau 3 tháng đầu tiên. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Để đảm bảo tốt nhất, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các mẹ bầu không nên ăn dứa. Bởi đây là thời điểm thai nhi đang hình thành và phát triển đầy đủ các cơ quan, bộ phận cơ thể. Chỉ cần bị ảnh hưởng bởi những tác động dù rất nhỏ đều có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: sảy thai, sinh non, thai nhi bị dị tật bẩm sinh, mẹ bị đau bụng, chảy máu bất thường,…

Sau khi qua giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, phụ nữ mang thai có thể ăn dứa thường xuyên hơn nhưng vẫn cần đảm bảo số lượng vừa phải trong mỗi lần ăn. 

Ảnh hưởng của việc ăn dứa không đúng cách đến sức khỏe thai phụ

Ăn dứa không đúng cách được hiểu là bạn đang ăn quá liều lượng phù hợp với cơ thể hoặc gọt vỏ không kỹ sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe mẹ bầu.

Trong đó, ăn dứa quá nhiều không chỉ khiến tử cung co bóp mạnh hơn, làm tăng nguy cơ bị sảy thai. Bên cạnh đó, trong dứa chứa hàm lượng axit cao, có thể gây tình trạng ợ nóng, trào ngược dạ dày cho thai phụ, đặc biệt là những người bị bệnh đau dạ dày. Vì vậy, phụ nữ mang thai bị nghén với các triệu chứng ợ nóng và nôn nhiều nên hạn chế ăn loại quả này.

Ăn dứa sai cách sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Với trường hợp ăn dứa sai cách khi gọt vỏ không kĩ có thể khiến thai phụ bị ngộ độc. Do đặc tính cây mọc sát mặt đất, quả xù xì, mắt dứa ăn sâu vào thân quả đã trở thành nơi cư trú lý tưởng cho các loại nấm, trong đó có nấm Candida tropicalis. 

Khi không gọt kỹ vỏ dứa trước khi ăn hoặc quả dứa bị dập nát, nấm và vi khuẩn đã xâm nhập vào bên trong quả dứa, khiến người ăn bị ngộ độc. Biểu hiện của người bị ngộ độc do nấm Candida gây ra là cơ thể mệt mỏi, nổi mề đay, ngứa ngáy, khó chịu, tiêu chảy,…

Vì vậy, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực do dứa gây ra, các mẹ bầu cần lưu ý tránh ăn dứa quá nhiều. Trước khi ăn dứa cần gọt sạch vỏ và mắt dứa, tránh tạo cơ hội để vi khuẩn phát triển và gây bệnh.

Xem thêm:

Hướng dẫn chọn dứa đúng cách cho mẹ bầu

Hướng dẫn mẹ bầu chọn dứa. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Để lựa chọn dứa đúng cách, mẹ bầu cần lưu ý đến màu sắc, hương thơm, hình dáng và xúc giác. Trong đó:

  • Dựa vào màu sắc quả dứa

    • Màu sắc là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá quá dứa ngon hay không. Quả dứa có màu vàng từ cuống đến phần đáy là dấu hiệu đã chín, màu vàng càng đều thì quả dứa vàng ngọt. 

    • Đối với quả có màu chấm vàng, hơi ngả sang màu vàng đồng, màu đỏ hoặc nâu không nên lựa chọn. Đây là những quả đã chín quá, ăn sẽ bị ủng.

    • Với những quả dứa màu xanh chỉ nên mua khi dùng để chế biến món ăn. Trường hợp để ăn tráng miệng không nên lựa chọn quả này vì quả xanh rất chua.

  • Chọn dứa dựa vào hình dáng

    • Nên lựa chọn quả dứa có dáng bầu, tròn. Những quả này sẽ có phần thịt nhiều hơn những quả dài, dáng ống.

    • Cần để ý đến số lượng mắt của quả dứa, quả có nhiều mắt hơn thì phần cùi cũng dày hơn.

  • Chọn dứa dựa vào hương thơm

    • Khi chọn dứa, mẹ có thể đưa phần cuối quả dứa lên mũi ngửi. Nếu dứa chưa chín sẽ thấy ít hoặc không có mùi thơm

    • Quả dứa đã chín sẽ có mùi hơi chua hoặc ngửi thấy mùi thơm ngọt.

  • Chọn dứa dựa vào xúc giác

    • Khi sờ tay lên quả dứa nếu thấy mềm nhũn, thậm chí bị lõm lại khi ấn tay vào thì quả đó đã chín quá.

    • Quả dứa chín vừa phải khi sờ vào vỏ sẽ không quá cứng hoặc quá mềm.

    • Những quả dứa bị nứt vỏ, có dấu hiệu bị hư hỏng không nên lựa chọn vì nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập, ngộ độc rất cao.

Hướng dẫn ăn dứa khi mang thai đúng cách

Ăn dứa đúng cách để tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Để tránh những ảnh hưởng đến sức khỏe do ăn dứa sai cách, bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Không ăn quá nhiều dứa, mỗi ngày chỉ nên ăn nửa quả hoặc uống một cốc nước ép dứa. Đặc biệt với mẹ bầu nếu ăn quá nhiều có thể gây chuyển dạ sớm, sinh non.

  • Người bị đau dạ dày, đói không nên ăn dứa có thể bào mòn dạ dày, gây đau bụng, khó chịu.

  • Cắt bỏ phần lõi dứa khi ăn vì các sợi xơ ở phần lõi có thể gây chướng bụng, tiêu hóa kém.

  • Nên ăn dứa sau bữa ăn khoảng 30 phút.

  • Nên ăn cả miếng dứa thay vì uống nước ép để cơ thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng hơn.

  • Không ăn dứa khi đang uống thuốc điều trị bệnh, trong đó có thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, chống đông máu, thuốc làm loãng máu, chữa bệnh trầm cảm hoặc mất ngủ,…

Như vậy, thắc mắc chuẩn bị mang thai có nên ăn dứa hay không đã được Monkey giải đáp rất rõ ràng trong bài viết này. Ăn đúng liều lượng, thời điểm là yếu tố quan trọng giúp mang lại những lợi ích cho sức khỏe, phòng tránh nguy cơ đối với mẹ và bé.

Should You Avoid Pineapple During Pregnancy? – Ngày truy cập: 12/05/2022

https://www.healthline.com/health/pregnancy/pineapple

Does Pineapple Induce Labor? – Ngày truy cập: 12/05/2022

https://www.webmd.com/parenting/does-pineapple-induce-labor

Rate this post

Viết một bình luận