Khí chất sẽ đẹp nhất khi nó là thứ khiến mọi người cảm nhận được, chứ không phải là nhìn thấy được.
Nhắc đến phụ nữ khí chất, tôi định sẽ viết về những “chủ tịch” mà tôi từng có dịp trao đổi, gặp gỡ. Họ đều xinh đẹp, giỏi giang, có cuộc sống gia đình êm ấm và đặc biệt về mặt công việc và địa vị xã hội rất thành công. Thế nhưng, như con tim dẫn đường, người tôi muốn kể hôm nay lại là một chị bạn rất bình thường. Chị ấy mỗi ngày đều ung dung bên con cái, miệt mài bên cỏ hoa…
Chị Hoàng luôn vui với những niềm vui bình dị.
Chị Nguyễn Thị Hoàng (sinh năm 1989) từng tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, Khoa Kinh tế, Trường đại học Phú Xuân (TP Huế). Trong khoảng thời gian gần 10 năm sau khi ra trường, chị có công việc thu nhập tốt tại cố đô. Đến năm 2017, chị nghỉ việc, theo chồng chuyển đến sinh sống tại thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Từ một cô gái xứ Huế “một tiếng dạ, hai tiếng thưa”, chị bắt đầu xắn tay áo, cầm cuốc, cầm rựa cùng chồng trồng cây, gây vườn.
Sự nỗ lực của chị không hề mông lung, không có định hướng. Từ lâu, khi còn ở Huế, chị đã tính liệu, chờ thời điểm thuận lợi để cùng bạn đời xây dựng một homestay nghỉ dưỡng kết hợp trang trại nông nghiệp tổng hợp ngay tại quê chồng.
Những loài cây chị trồng, nếu không tỏa hương, khoe sắc thì cũng là loài cây cho lá, cho trái ăn được. Chúng sẽ góp mặt trong những bữa ăn sạch cho du khách gần xa. Mỗi chiếc chậu gốm, mỗi viên gạch chị đặt hờ hững trên những lối đi đều có ý đồ…
Miệt mài, cần mẫn, đồng sức đồng lòng, đến nay, sau nhiều năm gầy dựng, homestay nhỏ xinh Phương Gia Trang của gia đình đã phát triển, trở thành địa chỉ ghé thăm thú vị cho bạn bè, khách du lịch gần xa.
Chị cho biết: “Trước đây, tôi làm về lĩnh vực du lịch tại thành phố Huế nên có nhiều bạn bè làm việc trong các công ty lữ hành tại đây. Vì thế, sau khi mở quán, tôi kết nối với những người bạn này. Hiện nay, chúng tôi liên kết với các tua du lịch như: DMZ, Đường 9… để phục vụ khách du lịch trải nghiệm. Khách du lịch có cả trong và ngoài nước. Khi đến với Phương Gia Trang, du khách ngoài thưởng thức ẩm thực sẽ được trải nghiệm các hoạt động tại trang trại như cuốc đất trồng rau, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, thả lưới bắt cá…”.
Thời gian rảnh Hoàng dành thời gian vui chơi, trải nghiệm cùng các con.
Khi tôi kể câu chuyện này, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi, những người như chị Hoàng là những nhân vật mang tính chất “hàng loạt” trong bối cảnh nhiều người đang theo xu hướng bỏ phố về rừng hiện nay, có gì mà khí chất?
Khí chất phải là một điều gì đó gây ấn tượng thật mạnh, khí chất phải là thứ đặc biệt, khác biệt. Khí chất phải là một nguồn năng lượng dồi dào có thể “phát sáng” và lan tỏa, dẫn dắt người khác.
Tuy nhiên, “một ngọn cỏ cũng giá trị như một vì sao”, anh làm vườn có bản lĩnh của anh làm vườn, chị làm nông cũng có khí chất của chị làm nông.
Thời điểm cách đây mấy năm, khi anh Phương – chị Hoàng bắt đầu nghỉ việc cơ quan, vay vốn đầu tư vào “trồng cây, nuôi con”, không những bạn bè, hàng xóm mà chính những người thân trong gia đình, nội ngoại hai bên đều không ngớt bàn ra tán vào: “Sướng không thích, lại thích khổ”; “Làm việc nhà nước, mình ổn định thì cho con cái có tương lai, trồng cây phụ thuộc đủ thứ, sau này già hết sức lấy gì mà sống”, “Có kiến thức nhưng chắc gì đã có trải nghiệm, làm nông mà thiếu kinh nghiệm thì vứt đi”…
Những ý kiến cũng là lời khuyên đó không ít lần khiến chị buồn lòng. Và có lúc, cay đắng, chị nhận ra những cảnh báo của bà con chòm xóm, người thân là không thừa. Dòng thực phẩm sạch của vợ chồng chị khâu đầu tư, sản xuất thì kỳ công, hao phí mà đến khi bán ra lại kém về yếu tố cạnh tranh giá cả, mùa được mùa mất, lãi ngân hàng thì tháng này kế tiếp tháng kia… khiến chị nhiều ngày rơi vào lo lắng, mệt mỏi… Chị trầm buồn, lắng lại nhưng tuyệt nhiên không nản chí.
Những chuyến tham quan, dã ngoại cũng là dịp để Hoàng học hỏi những mô hình hay, cách làm mới sau đó về áp dụng tại homestay gia đình.
“Người không muốn tìm lý do, người muốn sẽ tìm cách”. Những ngày chưa bán được cây giống, gà sạch, chị xoay sang nấu cháo lòng, làm cơm hến, làm kẹo nougat để bán cho bạn bè, những người quen biết. Món cơm hến từ cố đô được chị mang ra “phổ cập” cho bà con gần xa trong vùng khiến không ít người thòm thèm, thương nhớ.
Càng làm chị càng có trải nghiệm, con đường phía trước như càng sáng ra. Mùa nào thời tiết đẹp, chị đầu tư mạnh vào dịch vụ, mùa nào thời tiết “ẩm ương”, chị tiếp tục kiên nhẫn với những sản phẩm sạch – đẹp tại gia, mày mò lập fanpage, sản xuất clip để truyền thông… Thời gian rảnh rỗi nữa chị dành cho con cái, gia đình.
Phương Gia Trang hấp dẫn khách du lịch gần xa về với xứ Cùa, Quảng Trị.
Khi được hỏi, chị nghĩ như thế nào về khái niệm khí chất ở một người phụ nữ, chị chia sẻ: “Chỉ cần chăm chỉ, ham học hỏi và biết sáng tạo thì sẽ ổn hết. “Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, mọi duyên lành rồi sẽ đến. Tôi nghĩ khí chất là một điều gì đó xuất phát từ bên trong, như sự bình an, nhẫn nại; như biết yêu thương chính bản thân mình, dành thời gian cho những người thân yêu ruột thịt. Khí chất là khi được sống với chính mình chứ không phải trở thành bản sao của người khác”.
Sáng nay, chị đăng lên tường Facebook dòng trạng thái: “Mình vui khi có căn nhà nằm nghe nắng mưa”…
Đúng như chị chia sẻ, tôi cũng nghiệm ra, khí chất sẽ đẹp nhất khi nó là thứ khiến mọi người cảm nhận được, chứ không phải là nhìn thấy được.
Khí chất là phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ, nó giúp mỗi chị em biết yêu thương, tự tin hơn với những gì mình đang có trong khi vẫn giữ được mối tương hỗ hài hòa với mọi người, ngoại cảnh xung quanh…
Theo phunuonline.com.vn