Phương Pháp Học Tập Hiệu Quả

Trong xã hội ngày nay, sự học ngày càng được coi trọng. Chúng ta học kiến thức chuyên môn. Chúng ta học kỹ năng 4.0. Chúng ta còn học để “biết mình” và để “đối nhân xử thế”. Có rất nhiều thứ cần để học. Vậy làm sao để học hiệu quả?

Không có bất kì một cách tiếp cận học tập nào có thể phù hợp hết tất cả mọi người. Mỗi người chúng ta đều có những khả năng khác nhau, vì vậy phương pháp học tập nên được thiết kế riêng biệt cho từng cá nhân để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Bài viết này sẽ giúp các bạn thiết kế phương pháp học phù hợp cho riêng mình. 
1. Sắp xếp công việc hợp lý
Quyển sổ ghi những bài tập, công việc cần làm không bao giờ là thừa thãi. Nó sẽ là người nhắc nhở giúp bạn đảm bảo rằng không có bất kỳ một việc quan trọng nào bị lãng quên. Bạn hãy viết ra giấy và phân loại, sắp xếp công việc dựa vào thời gian dành cho nó.
Việc viết ra giấy bạn có thể giảm tải cho não rất nhiều. Bạn có thể đánh số từng công việc theo thứ tự thực hiện công việc. Hoặc bạn cũng có thể chia công việc theo độ lớn và thời gian giải quyết công việc từ ít tới nhiều, từ nhỏ tới lớn. Và nên nhớ, hãy đặt deadline cho mỗi công việc trên và thực hiện đúng theo kế hoạch mà bạn đặt ra. 
2. Luôn tập trung trong lớp học

Điều quan trọng là phải tập trung khi nghe giáo viên nói. Thực hành lắng nghe tích cực bằng cách tập trung vào những gì được nói và ghi vào vở bằng lời của bạn. Điều này sẽ đảm bảo rằng bạn nghe (và hiểu) những gì đang được dạy trong lớp.
Điều này rất quan trọng nhất là đối với các lớp học online. Việc không thể tương tác ngoài đời thật là một rào cản. Vậy nên bạn cần dồn 100% công lực vào lắng nghe những điều thầy cô giảng giải.
3. Chủ động tránh những sự phiền nhiễu
Sự phiền nhiễu ở khắp mọi nơi, từ điện thoại di động, phương tiện truyền thông xã hội đến bạn bè. Hãy nhận biết những gì làm bạn mất tập trung trong lớp và biết cách tránh xa những phiền nhiễu này.
Tránh ngồi cạnh bạn bè nếu bạn biết họ sẽ làm bạn mất tập trung. Tắt điện thoại di động của bạn cũng sẽ giúp đảm bảo rằng bạn đang chú ý đến giáo viên của mình. Đó là những thứ gây phiền toái nhất, nguy hiểm nhất. Chúng giết chết sự tập trung của các bạn. Có những người làm việc 8 tiếng – 10 tiếng đồng hồ trong 1 ngày nhưng vẫn cảm thấy không đủ thời gian. Chính là vì họ bị chi phối quá nhiều bởi chat facebook, nghe nhạc,…
4. Ghi chú cẩn thận và đầy đủ

Viết ghi chú rõ ràng và đầy đủ trong lớp sẽ giúp bạn xử lý và phân loại thông tin bạn đang học. Những dòng ghi chú này sẽ là tài liệu cho bạn xem lại vài phút trước giờ kiểm tra. Bạn nên nói chuyện với giáo viên hoặc bạn bè nếu bạn đã bỏ lỡ một lớp học hay chưa nghe rõ để đảm bảo ghi chú của bạn được hoàn thiện nhất có thể. Não bộ chỉ có thể vận hành tốt trong 45 phút đầu tiên. Vậy nếu bạn không ghi chép cẩn thận, bạn sẽ không có cơ hội để ôn tập lại lần nữa.
Ngoài ra, trong những lớp học online khi mà không ai theo dõi hay kiểm soát được thông tin bạn tiếp nhận thì bạn phải là người chủ động lưu giữa và kết nối mình với những thông tin thầy cô truyền tải đó. Có vậy, việc học mới hiệu quả được.
5. Đặt câu hỏi nếu bạn không hiểu

Hãy giơ tay và đặt câu hỏi nếu bạn không hiểu điều gì đó. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi hỏi trước mặt mọi người. Hãy đặt một lời nhắc trên điện thoại để nói chuyện với giáo viên sau giờ học.  Đây là điều rất cần thiết. Bởi đặt câu hỏi cho giáo viên đồng nghĩa với việc não bộ của bạn sẽ có cơ hội rà soát lại một lần và phát hiện lỗ hổng kiến thức. Và bạn đang thực hiện quá trình học hai chiều. Việc lấp đầy lỗ hổng đó ngay lập tức sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quan vào hệ thống kiến thức và lưu trữ nó lâu hơn việc tiếp nhận một chiều.
6. Lập chiến lược học tập
Nhìn vào sổ kế hoạch của bạn và suy nghĩ về những gì bạn cần phải hoàn thành, để tạo chiến lược học tập hiệu quả. Hãy suy nghĩ về các loại câu hỏi sẽ có trong bài kiểm tra và các chủ đề sẽ được đề cập đến trong tiết học để biết bạn nên tập trung vào điều gì và đặt mục tiêu cụ thể cho mỗi buổi học để đến cuối buổi bạn sẽ biết bao nhiêu phần trăm bạn đã hoàn thành.
7. Xem lại những ghi chú trong lớp mỗi buổi chiều
Sau giờ học, việc xem lại và mở rộng các ghi chú trong lớp là điều tất yếu. Xem lại các ghi chú giúp bạn chuyển các tài liệu học được từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn. Điều này sẽ rất giúp ích cho lần tới khi bạn có một bài kiểm tra lớn. Hoặc chỉ đơn thuần là giúp bạn lưu giữ lâu hơn các kiến thức đã học. Hãy cố gắng biến nó thành thói quen của mình. Đừng để sự trì hoãn làm bạn thiếu chủ động trong tiếp nhận kiến thức.
8. Nói chuyện với giáo viên

Giáo viên luôn sẵn sàng để giúp bạn phát triển bản thân. Hãy thoải mái nói chuyện với giáo viên và yêu cầu hiểu rõ hơn về bài học. Chủ động yêu cầu được giúp đỡ với giáo viên là một việc khôn ngoan. Họ sẽ hiểu bạn là cô/cậu học trò như thế nào? Cách tiếp thu nhanh hay chậm? Tư duy cố định hay cầu tiến? Từ đó họ sẽ có những cách giúp bạn tiếp cận kiến thức và hòa nhập vào cuộc sống học đường tốt hơn.
9. Học tập trong thời gian ngắn
Cứ sau 30 phút học, hãy nghỉ khoảng 10-15 phút để nạp lại năng lượng. Các buổi học ngắn sẽ có hiệu quả hơn và giúp bạn tận dụng tối đa thời gian học. Như đã nói ở trên, não bộ chỉ có thể tiếp thu kiến thức hiệu quả trong 45 phút đầu tiên. Vậy nên việc kết hợp hợp lý giữa nghỉ và học sẽ giúp cân bằng hoạt động của não bộ, giúp nó hoạt động tốt hơn.
10. Tham gia nhóm học tập

Khi học cùng nhau, bạn sẽ học nhanh hơn. Ví dụ như một số phần quyển sách có thể gây khó hiểu cho bạn, nhưng đối với thành viên khác thì không. Trong một nhóm học, thay vì phải dành thời gian quý báu để giải quyết khó khăn, thì bạn có thể học nhanh chóng bằng việc đặt câu hỏi với các thành viên còn lại. Hơn nữa, bạn có thể giúp các thành viên còn lại khi họ không hiểu vấn đề gì đó mà đó là vấn đề mà bạn biết. Hãy cố gắng tạo nên các cuộc tranh luận trong nhóm vì đó là cách nhanh nhất và tốt nhất để chúng ta bóc tách vấn đề và làm nó sáng tỏ hơn.

Nguồn: leadthechange.asia

Rate this post

Viết một bình luận