Nguồn kinh phí hạn hẹp trong khi giá cả nguyên liệu ngày càng tăng cao đã khiến các cơ sở bán cơm hỗ trợ người nghèo ở TP.HCM gặp khó khăn để duy trì hoạt động.
Gần 12h, quán chay Mãn Tự (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM) đông nghịt khách. Những người đến ăn ở đây có cả dân văn phòng, sinh viên, người khó khăn và bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện gần đó.
Xem những bài chia sẻ trên mạng về quán buffet chay trả tiền tùy tâm này đã lâu, nhưng đây là lần đầu anh Trần Bá Phong (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn), tài xế xe ôm công nghệ, có dịp ghé vào ăn.
“Tôi thấy hình thức kinh doanh của quán chay này rất hay. Những người khó khăn có thể tới ăn và trả một số tiền vừa sức mà không mang cảm giác ngại ngần. Người lao động bị ảnh hưởng bởi bão giá như chúng tôi cũng có điểm ăn uống thoải mái hơn mà không lo tốn kém”, anh Phong nói.
Quán chay Mãn Tự phục vụ theo hình thức buffet, khách trả tiền tùy tâm.
Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng (39 tuổi), chủ quán chay Mãn Tự, nói với Zing trước dịch, quán có 5 chi nhánh tại TP.HCM. Những quán này hoạt động theo hình thức buffet và để thực khách trả tiền tùy tâm, tùy điều kiện tài chính của mỗi người.
“Tuy nhiên, do khó khăn sau dịch, quán hiện chỉ còn 2 chi nhánh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai và Tôn Thất Đạm. Với tình hình tài chính như hiện tại, các quán ăn của tôi cũng chưa biết sẽ trụ được đến lúc nào, có phải đóng cửa thêm chi nhánh nào nữa hay không”, chị bày tỏ.
Trong thời gian bão giá, không riêng quán chay của chị Phượng mà nhiều quán cơm từ thiện hỗ trợ người khó khăn ở TP.HCM cũng phải gồng mình để tồn tại.
Nguồn kinh phí hạn hẹp đã khiến các cơ sở này phải thu hẹp quy mô hoặc tăng giá để có thể tiếp tục hoạt động.
Xoay xở vượt bão giá
“Nói thật là giờ tôi làm bằng niềm tin là chính. Quán hoạt động chủ yếu để giúp đỡ những người lao động khó khăn, nhóm có thu nhập thấp nên không tính đến chuyện lời lãi, nhưng chắc chắn vẫn phải cần đủ tiền để trang trải những chi phí cơ bản nhất như thuê mặt bằng, lương nhân viên”.
Dịch bệnh mới tạm ổn định, quán lại phải xoay xở vượt qua bão giá. Bài toán thu chi chưa cân bằng được thì giờ càng rối hơn do nguyên liệu, điện nước, xăng dầu đồng loạt lên giá.
Quán chay thu hút nhiều khách là sinh viên và người khó khăn.
Chị Phượng kể khoảng 3 tháng trước, chị tá hóa khi nhận được hóa đơn từ các bên bỏ mối nguyên liệu cho quán.
“Trước đây, một can dầu 30 lít có giá 700.000-800.000 đồng, giờ đã tăng lên 1,2 triệu đồng. Gas lúc trước xài một tháng khoảng 30-40 triệu đồng, nhưng giờ tăng lên hơn 50 triệu đồng. Tháng vừa rồi, chúng tôi phải dùng thêm than đá để đun những nồi nước lớn vì không kham nổi tiền gas. Cái gì cũng lên giá mà nhiều cái còn lên gấp đôi. Quán chay thì nặng nhất là tiền rau củ quả. Trước đây, một kg rau củ mua ở chợ đầu mối chưa đến 10.000 đồng giờ tăng lên 15.000-20.000 đồng là chuyện bình thường”, chị liệt kê.
Mở quán từ năm 2017 và từng nhiều lần phải vay mượn để duy trì hoạt động, chị Phượng chia sẻ hiện tại là một trong những giai đoạn khó khăn nhất với quán mình. Chủ tiệm ăn nói đang cố gắng cầm cự được ngày nào hay ngày đó, không dám nghĩ xa hơn.
“Mỗi ngày hoạt động là quán đã giúp được hơn 1.000 người có được bữa ăn đàng hoàng. Tôi cứ nghĩ như vậy thôi. Mình gieo yêu thương sẽ nhận về yêu thương, bằng một cách nào đó, tôi tin sẽ có người đồng hành để duy trì quán cơm thiện nguyện này”, chị Phượng chia sẻ.
Sợ phải đóng cửa quán cơm từ thiện
Trạm cơm Nghĩa tình trên đường Trần Bình Trọng (quận 5) được chị Đỗ Thị Tưởng và người bạn của mình mở ra từ tháng 12/2021 với mục đích giúp người nghèo có bữa cơm ngon chỉ với 10.000 đồng. Quán miễn phí cho sinh viên, người khó khăn, người bệnh.
Mỗi ngày, quán nấu 400 suất cơm bán tại chỗ, cùng với 150-300 phần cơm phát miễn phí tại Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp quận 8. Bếp luôn cố gắng để nấu nhiều món khác nhau, đủ cơm, thịt, cá, rau và canh để mọi người được ăn no.
Trạm cơm nghĩa tình bán đồng giá 10.000 đồng/suất, miễn phí cho người khó khăn và người bệnh.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí chủ yếu được các mạnh thường quân hỗ trợ, nhóm của chị Tưởng phải cố gắng để cân đối chi phí, duy trì quán cơm này trong bão giá.
Chị cho biết giá gà, nguyên liệu được nấu nhiều nhất, đã tăng gấp đôi so với trước, lên gần 50.000 đồng/kg. Mỗi can dầu ăn 5 lít cũng tăng từ 100.000 đồng lên trên 200.000 đồng.
“Cách đây 2 tháng, tôi đã phải xin bà con được tăng giá mỗi hộp cơm lên 12.000 đồng. Họ cũng hiểu tình hình và vui vẻ chấp nhận. Gặp những cô chú hay sinh viên khó khăn quá, chúng tôi sẵn sàng phát miễn phí chứ không lấy tiền. Nhưng nhiều người họ muốn được trả tiền chứ không muốn mình cho không”, chị Tưởng giải thích.
Công việc chính của chị hiện tại là buôn bán vỉa hè trên đường An Dương Vương từ 17h đến 2h sáng hôm sau. Sau khi dọn hàng về nhà, chị cùng mọi người đi chợ mua nguyên liệu lúc 4h30 và bắt đầu nấu đồ ăn từ 5h.
“Cứ 10h mở hàng, bà con đã xếp hàng đông nghịt. Mấy trăm phần cơm nhưng hết rất nhanh, khoảng 30 phút là bán xong rồi. Không có chỗ để ngồi lại nên mọi người chỉ mua mang đi thôi. Giờ tôi sợ nhất là hôm nào mình có việc, không bán cơm thì người ta không có chỗ mua bữa cơm giá rẻ”, chị nói.
Mức giá hiện tại là để giúp đỡ mọi người. Với tình hình giá cả tăng ngày càng cao, chị không biết có thể duy trì tiếp hay phải giảm số lượng phần cơm nấu mỗi ngày.
“Vừa buôn bán, vừa làm thiện nguyện cũng vất vả lắm nhưng tôi nghĩ mình cố được đến lúc nào hay lúc đó. Trước đây mình nghèo khó, phải đi tha phương cầu thực nên giờ rất muốn quay lại giúp đỡ những người khó khăn”, chị trải lòng.