Sau những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài cuối mùa khô và thỉnh thoảng xuất hiện vài cơn mưa nhỏ kèm theo giông, thời tiết lúc giao mùa đột ngột thay đổi, xen kẽ giữa nắng nóng, mưa ẩm và bầu trời nhiều mây khiến cá nuôi mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm. Càng nắng nóng, kết hợp mưa nắng thất thường cùng với vệ sinh bên trong và bên ngoài ao, bè nuôi cá không tốt sẽ là điều kiện cho mầm bệnh virus, vi khuẩn và ký sinh trùng sinh sôi và phát triển.
Nhiệt độ cao nhất phổ biến 32 – 36 độ C, số giờ nắng kéo dài từ 9-10 giờ mỗi ngày, độ ẩm duy trì dưới 60%, là điều kiện rất bất lợi cho cá trong ao, bè. Nóng khô liên tục khiến nước ao bị nóng, cùng với quá trình bốc hơi nhiều sẽ làm chất lượng nước biến đổi theo chiều hướng xấu rất nhanh, cá dễ bị mắc các bệnh như xuất huyết do Aeromonas sp., thối mang, mòn vây do Flavobacterium sp., sán lá mang, trùng bánh xe dẫn đến chậm lớn hoặc bị hao hụt nhiều.
1. Rủi ro do nhiệt độ nước cao
Trong những tháng mùa khô, khi ngày dài và bức xạ nhiệt cao trực tiếp từ mặt trời là lớn nhất, nước trong ao trở nên phân tầng thành các lớp nước có nhiệt độ chênh lệch nhau trong ao; với nhiệt độ cao nhất là 32 – 33 độ C ở lớp nước bề mặt của ao, lớp nước ở giữa ao có thể là 28 – 30 độ C và lớp nước ở tầng sâu nhất nhiệt độ xuống đến 24 – 26 độ C.
Tác động cơ bản của quá trình tách nhiệt của các tầng nước là làm giảm hàm lượng oxy hòa tan tổng thể trong ao; làm cho ao trở thành môi trường sống bất lợi của cá. Hơn nữa, nhiệt độ nước cao thúc đẩy sự phân hủy của các chất hữu cơ có thể dẫn đến sự tích tụ khí độc có hại. Sự kết hợp ảnh hưởng của giảm oxy hòa tan và tích tụ khí độc NH3 và H2S trong nước sẽ làm giảm sự thèm ăn của cá, gây căng thẳng, và cuối cùng dẫn đến cá bệnh, chết.
2. Rủi ro do khô hạn
Trong mùa hạn, nông dân thường gặp khó khăn trong việc làm thế nào để bổ sung nước cho ao của mình. Điều này đặc biệt đúng đối với những người có ao ngoài khu vực kênh, mương hoặc xa các nhánh sông lớn. Các ao nuôi cá có diện tích lớn dễ gặp rủi ro hơn vì có ít nước bổ sung vào ao hơn. Nhiệt độ không khí cao sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ và thành phần của nước, do đó làm tăng sự phát triển của tảo có thể làm giảm chất lượng nước. Chất lượng nước kém đồng nghĩa với việc môi trường sống không phù hợp, có thể khiến cá bị căng thẳng, yếu ớt và cuối cùng chết
3. Rủi ro do chất bẩn, ô nhiễm vào nguồn nước và vào ao
Những cơn mưa đầu mùa sẽ lôi cuốn các chất bẩn, ô nhiễm, vi sinh vật tích tụ lâu ngày do khô hạn như bùn đất, khí độc, vi khuẩn có hại trong cống rãnh, hóa chất, thuốc trừ sâu dùng cho cây trồng vào kênh mương, nguồn nước chung. Tác động này sẽ rõ ràng hơn khi những cơn mưa lớn bất thường trong lúc giao mùa nắng mưa sẽ kéo đồng loạt các chất độc và vi khuẩn độc hại vào nguồn nước chung. Chất bẩn nhiễm vào nước và vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhanh khi có nguồn nước mới sẽ làm oxy hòa tan giảm nhanh. Điều này giải thích tại sao cá trong kênh, sông hay bị chết đồng loạt sau những cơn mưa đầu mùa do thiếu oxy và khí độc, chất ô nhiễm tăng đột ngột trong nước.
4. Rủi ro do bệnh cá
Điều kiện khô hạn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh trên cá. Các bệnh trong mùa nắng nóng bao gồm xuất huyết do Aeromonas sp., ký sinh sán lá và trùng bánh xe trên mang và da cá. Bất kỳ nguyên nhân gây căng thẳng nào cũng sẽ khiến các bệnh này dễ xảy ra hơn. Các bệnh do ký sinh trùng bao gồm ký sinh trùng ở mang có thể trở thành vấn đề lớn do cá sống chật chội trong các ao nhỏ hơn. Các vi khuẩn luôn có sẵn trong nước thuộc giống Aeromonas thường gây bệnh khi oxy trong nước hòa tan giảm, cá căng thẳng do mật độ dày, cá bị tổn thương trên da và mang do ký sinh trùng hay do phân cỡ, chuyển ao hay mới vận chuyển cá giống về thả vào ao, bè.
Bệnh thối mang mòn vây do Flavobacterium sp. không thường xảy ra trong mùa nắng nóng nhưng sau nhưng cơn mưa lớn bất chợt đầu mùa (vũ lượng có khi lên đến 100 mm) làm chất nước trong ao như pH, nhiệt độ thay đổi đột ngột nên bệnh này thường bộc phát. Vi khuẩn này có trong đất của hầu hết các ao và trở thành mầm bệnh với độc lực cao khi cá bị căng thẳng hoặc mật độ cá quá dày. Độ kiềm trong ao có thể được tăng lên bằng cách bón vôi 20 – 25 kg/1000 m2 giúp làm cho bệnh do vi khuẩn này ít nguy hiểm hơn.
Các biện pháp giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến giai đoạn chuyển mùa
1. Quạt nước, sục khí cho ao: Oxy hòa tan trong ao được biết là yếu tố quan trọng nhất trong các chỉ tiêu hóa học của nước ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và sự sống của cá. Thông thường ai cũng biết rằng sục không khí vào nước là một cách hiệu quả để cải thiện lượng oxy hòa tan và hơn nữa là thúc đẩy sự lưu thông của nước. Các phương pháp đơn giản để tăng hàm lượng oxy bao gồm sử dụng máy sục khí hoặc quạt nước; cả hai đều còn giúp làm giảm tích tụ carbon dioxide trong nước.
Nguy cơ thiếu oxy trong nước ao nuôi tăng lên khi thời tiết khô, nóng. Nước có nhiệt độ cao giữ ít oxy hơn so với nước mát hơn. Tảo phát triển nhiều hơn ở vùng nước nông, ấm. Mặc dù tảo tạo ra oxy vào ban ngày nhưng chúng tiêu thụ oxy vào ban đêm và khi trời nhiều mây. Ánh sáng mặt trời, khi cường độ cao, có thể làm tảo nở hoa sau đó chết đi đồng loạt tạo ra sự suy giảm oxy trong nước. Mật độ của cá sẽ trở nên dày hơn khi mực nước ao giảm và sẽ làm tăng nhu cầu cho oxy cho thể tích nước ao.
Các thiết bị sục khí có thể bảo vệ cá trong ao khi hạn hán. Giải pháp đơn giản là mua một máy sục khí điện cung cấp khoảng 0,2 mã lực nhằm sục khí hiệu quả trên 1000 m2 diện tích ao. Vận hành máy sục khí khi cần thiết trong đêm, sáng sớm và lúc nước đứng. Các giải pháp sục khí khác có thể bao gồm máy quạt nước. Máy quạt nước có thể cũng được sử dụng để tuần hoàn nước ao. Nước nên được quạt bắn vào không khí ít nhất đạt được độ cao 0,6 m để tăng hàm lượng oxy khuếch tán vào nước.
Dấu hiệu cảnh báo về tình trạng cạn kiệt oxy:
– Kiểm tra ao, bè là việc đầu tiên nên làm vào buổi sáng lúc 6h. Đây là thời điểm lượng oxy hòa tan thấp nhất.
– Theo dõi sự thay đổi màu sắc của nước ao. Sự thay đổi từ xanh lục sang nâu hoặc xám có thể cho thấy tảo chết và suy giảm oxy sẽ xảy ra trong 24 đến 48 giờ sau đó.
– Thời tiết nhiều mây làm giảm lượng ánh sáng cho quá trình sản xuất oxy từ tảo. Hai hoặc ba ngày thời tiết có nhiều mây có thể làm thiếu oxy vào ngày hôm sau.
– Gió lớn có thể làm cho ao cạn bị trộn lẫn nước trong các tầng nước khác nhau. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi tảo nở hoa dày đặc.
– Theo dõi tình trạng và hoạt động bắt mồi của cá để phát hiện các dấu hiệu của oxy thấp hoặc bệnh cá. Khi cá được cho ăn thức ăn viên nổi, chúng sẽ ngừng bắt mồi khi oxy thấp.
– Cá sẽ nổi lên mặt nước vào buổi sáng và đớp không khí khi sự suy giảm oxy bắt đầu. Ngay lập tức bật quạt nước hay sục khí.
2. Cấp nước: Người nuôi nên cân nhắc việc bổ sung nguồn nước trong ao của họ thường xuyên khi cần thiết, và kiểm soát lượng sinh vật phù du để chúng không phát triển quá nhiều. Theo đó, độ trong của nước được chấp nhận là 30 cm trên đĩa secchi. Nếu có quá nhiều sinh vật phù du (độ trong < 20 cm trên đĩa secchi), điều này sẽ dẫn đến mức độ thiếu oxy nghiêm trọng (dưới 1 miligam /lít), gây nguy hiểm cho sự sống của cá.
3. Kiểm soát lượng thức ăn cho ăn: Lượng thức ăn dư thừa sẽ chỉ đơn giản là đưa chất thải và NH3 vào nước. Điều này có thể dẫn đến việc cá bị căng thẳng và có thể chết. Khi không thể thay nước hoặc trong thời gian nhiệt độ nước giảm đột ngột do mưa lớn bất thường, cá có xu hướng giảm ăn; và do vậy, việc điều chỉnh giảm lượng thức ăn cho ăn phù hợp sẽ rất có lợi.
4. Xem xét lập kế hoạch sản lượng: Sản lượng trong mỗi vụ nuôi hay đợt sản xuất cá giống cần được tính toán nhằm giảm thiểu những rủi ro liên quan đến mùa đang nuôi cá cho dù đó là mùa lũ lụt hoặc hạn hán. Nên cắt giảm ¼ sản lượng trong những khoảng thời gian khô hạn và giao mùa.
5. Cân nhắc việc thả cá giống: Nên thả cá giống có kích thước lớn để giảm tỷ lệ cá hao hụt sau khi thả nuôi, giảm tổng thời gian nuôi, hoặc thả cá với mật độ thấp hơn. Bằng cách áp dụng như vậy, ao có nhiều khả năng sẽ cho ra cá chất lượng cao hơn, do đó, thu được lợi nhuận tốt hơn.
6. Đối với bè nuôi: Người nuôi cần bố trí tránh nắng chiếu gay gắt trực tiếp bằng hệ thống lưới màng, bạt dễ thao tác và tháo lắp.
7. Chăm sóc nuôi dưỡng: Khẩu phần ăn đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá là yêu cầu quan trọng. Đồng thời bổ sung thêm Vitamin C, B complex, men tiêu hóa để tăng khả năng hấp thụ thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng vật nuôi. Điều này giúp tránh được hiện tượng cá đi phân sống hay xảy ra trong thời kỳ nắng nóng.
8. Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng: Hằng ngày phải vệ sinh sạch sẽ từ trong ra ngoài bè, xung quanh ao nuôi. Dọn dẹp lục bình vướng quanh bè, vớt bỏ xác cá chết vào nơi quy định, vớt sạch rác, vỏ chai lọ thuốc, vỏ bao thức ăn trong ao và trên kênh mương.
9. Công tác phòng bệnh: Hằng ngày theo dõi sức khỏe đàn cá nuôi, phát hiện sớm cá nuôi có biểu hiện bất thường để điều trị kịp thời. Nếu số lượng nhỏ cá bị bệnh nhưng không thấy biểu hiện lây lan thì áp dụng ngay cấp thuốc trợ sức, trợ lực qua thức ăn như vitamin C và điều chỉnh , cải thiện chất lượng nước. Trường hợp thấy cá có triệu chứng bệnh nặng, lây lan nhanh, số lượng chết tăng dần hằng ngày khó kiểm soát, cần báo ngay cho người có chuyên môn và trách nhiệm để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Không nên tác động đến đàn cá như chuyển ao, phân cỡ vào những ngày thời tiết nhiều mây âm u, sau cơn mưa, lúc cá đang bắt mồi yếu. Trước khi tác động vào đàn cá nên tăng cường sức đề kháng bệnh cho cá bằng cách bổ sung vitamin C liều 10 g/tấn cá hay beta glucan (sử dụng theo liều hướng dẫn của nhà sản xuất) liên tục trong 5 – 7 ngày. Thêm vào đó luôn ghi nhớ cắt mồi hoàn toàn 2 – 3 cữ cho ăn trước và sau khi tác động vào đàn cá. Khi bắt đầu cho cá ăn lại nên cho ăn với lượng tăng dần từ 20 – 100 % lượng ăn trong 3 – 4 ngày.
Nếu nghi ngờ nước nhiễm thuốc trừ sâu, không nên cấp nước vào ao. Nếu thể tích nước cần sử dụng không quá lớn, có thể xử lý nước bằng thuốc tím KMnO4 2 – 4 mg/L trước khi cấp cho bể hương hay giống. Nồng độ thuốc tím này cũng có thể xử lý khí độc H2S trong ao.
Theo dõi tin tức dự báo thời tiết hằng ngày. Trước những ngày được dự báo có mưa to nên rải vôi CaCO3 đều khắp bờ ao với lượng 20 – 25 kg tính cho diện tích 1.000 m2 mặt nước ao.