–
Thứ sáu, 04/02/2022 15:00 (GMT+7)
Quốc gia nào có nhiều hòn đảo nhất thế giới? Hy Lạp, Indonesia hay là Canada, quê hương của quần đảo Bắc Cực?
Thụy Điển là quốc gia có nhiều đảo nhất thế giới với 221.800 hòn đảo. Ảnh chụp màn hình
Nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới có thể tự hào về cái nhất của mình như Canada – số lượng hồ nước lớn nhất thế giới, có nhiều cây nhất là Nga, nơi có khoảng 45% diện tích đất được coi là rừng. Vậy, đâu là quốc gia có nhiều đảo nhất thế giới?
Theo Statista, một công ty của Đức chuyên cung cấp số liệu thống kê, Thụy Điển là quốc gia có nhiều đảo nhất thế giới với 221.800 hòn đảo, chủ yếu là không có người ở. Con số này bao gồm các hòn đảo nhỏ tới 25m2, theo một nghiên cứu năm 2005 trên tạp chí Địa lý nhân văn Geografiska Annaler: Series B.
Phần Lan, đất nước có nhiều đảo thứ hai thế giới, có khoảng 188.000 hòn đảo, trong khi Na Uy với khoảng 55.000 hòn đảo đang giữ vị trí thứ ba. Cả ba quốc gia này đều là một phần của khu vực Bắc Âu (bao gồm Iceland và Đan Mạch). Điều đó đặt ra một câu hỏi thú vị: Tại sao khu vực này của thế giới lại có nhiều đảo như vậy?
Bà Karin Sigloch, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), nói với Live Science: “Đó là do khu vực này có một quá khứ đặc biệt về mặt địa chất. Trong vài triệu năm qua, Trái đất đã có rất nhiều băng bao phủ ở Bắc Cực và tồn tại các kỷ băng hà định kỳ ở Bắc bán cầu. Trước đó thì không”.
Nhà khoa học cũng giải thích rằng các nước Bắc Âu đã trải qua quá trình sáp hóa và suy yếu của các sông băng cứ sau 41.000 năm.
Kỷ băng hà không chỉ đơn giản là một khoảng thời gian dài với nhiệt độ như nhau. Trong các kỷ băng hà lớn tồn tại các kỷ băng hà nhỏ hơn, được gọi là “glacials” và các thời kỳ ấm hơn, được gọi là “thời kỳ interglacial”. Trong thời kỳ interglacial thứ tư – một giai đoạn đang diễn ra với một loạt các giai đoạn băng hà và xen kẽ bắt đầu cách đây 2,6 triệu năm – các giai đoạn băng hà lạnh giá này xảy ra cứ sau 41.000 năm hoặc lâu hơn, cho đến khoảng 800.000 năm trước, khi khoảng thời gian giữa hai thời kỳ giãn ra tới 100.000 năm, theo Live Science.
Trong thời kỳ băng hà cuối cùng, các khu vực Bắc Âu khác nhau bị những tảng băng cao “hàng km” bao phủ. Những tảng băng này nặng tới mức “buộc vỏ Trái đất chìm xuống”. Sau đó là một thời kỳ ấm áp kéo dài được gọi là Holocene Climatic Optimum (5.000 trước Công nguyên đến 3.000 trước Công nguyên, theo Đại học Arizona) đã khiến lớp băng này tan chảy và giúp lớp vỏ, hiện không bị áp lực bởi trọng lượng của băng, nổi lên trở lại, theo cuốn sách “Biến đổi khí hậu trong kỷ Holocen (12.000 năm qua)”. Hiện tượng này – được gọi là cân bằng đẳng áp – khiến quần đảo Kvarken – Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận duy nhất của Phần Lan, “nổi lên” nhẹ mỗi năm.
Trong “thời kỳ interglacial”, mực nước biển toàn cầu cao hơn nhiều so với thời kỳ băng hà. Logic đằng sau điều này rất đơn giản: Khi các sông băng tan chảy, nước sẽ chảy vào đại dương, làm tăng mực nước biển. Đôi khi, các tác động của hiện tượng này rất mạnh mẽ. Trong thời kỳ “Cực đại băng hà” cuối cùng, xảy ra trong khoảng 2,6 triệu đến 11.700 năm trước, mực nước biển thấp hơn mức ngày nay khoảng 122 mét, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Bà Sigloch cho biết, khi phần lớn lớp băng này tan chảy, những vùng đất rộng lớn sẽ bị ngập lụt, “chỉ có những điểm cao ngẫu nhiên nhô ra như những hòn đảo”.
Tuy vậy, bà Siglock cho rằng các hòn đảo của Thụy Điển, nói một cách chính xác, hoàn toàn không phải là đảo.
“Các ‘hòn đảo’ của Scandinavia không phải là những hòn đảo về mặt địa chất. Chúng vẫn nằm trong lục địa như đất liền và chỉ tình cờ nhô ra khỏi mặt nước”, nhà khoa học nhận xét.
Tác giả của nghiên cứu năm 2005 cho rằng, Thụy Điển chỉ có 401 hòn đảo, ít nhất là khi định nghĩa “đảo” được thu hẹp thành các vùng đất liền với dân số thường trú của con người nhưng không có sự kết nối lâu dài với đất liền.
Vì vậy, liệu Thụy Điển có phải là quốc gia có nhiều đảo nhất thế giới hay không chắc chắn vẫn là câu trả lời đáng để tranh luận.