Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

* Xin cho biết quốc hiệu nước ta qua các thời kỳ lịch sử dân tộc. (Trần Hoàng Anh, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Văn Lang [khoảng đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên (TCN) đến năm 257 TCN] được coi là quốc hiệu đầu tiên của nước ta. Kinh đô Văn Lang đặt ở Phong Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ); lãnh thổ gồm khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Nhà nước Văn Lang được cai trị bởi các vua Hùng.

Âu Lạc (năm 257 TCN – đầu thế kỷ thứ II TCN) được dựng lên từ liên kết các bộ lạc Lạc Việt (Văn Lang) và Âu Việt, dưới uy thế của Thục Phán – An Dương Vương. Âu Lạc có lãnh thổ bao gồm lãnh thổ của Văn Lang trước đó và một phần Đông Nam Quảng Tây (Trung Quốc). Nhà nước Âu Lạc bị xóa sổ khi quận úy Nam Hải (nhà Tần, Trung Quốc) là Triệu Đà đem quân đánh chiếm và An Dương Vương không kháng cự được.

Vạn Xuân (544 – 603) là quốc hiệu do Lý Bí đặt sau khi đánh đuổi quân Lương và lên ngôi vua với vương hiệu là Lý Nam Đế. Tuy đây là quốc hiệu của nước ta chỉ trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi nhưng đã khẳng định niềm tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập và mong muốn đất nước được bền vững muôn đời.

Đại Cồ Việt (968 – 1054) là quốc hiệu của nước ta từ Triều Đinh (968 – 979), Tiền Lê (980 – 1009) và đầu Triều Lý (1010 – 1054). Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn 12 sứ quân, thống nhất quốc gia, lên ngôi hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng) và cho đổi quốc hiệu này, có nghĩa là “Nước Việt Lớn”.

Đại Việt (1054 – 1804) là quốc hiệu do vua Lý Thánh Tông đặt sau khi lên ngôi. Tương truyền, nhân điềm lành lớn là trên trời xuất hiện một ngôi sao sáng chói nhiều ngày mới tắt, vua bèn đổi quốc hiệu. Quốc hiệu này tồn tại không liên tục (gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh), đến năm 1804, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, khoảng 743 năm.

Đại Ngu (1400 – 1407) là quốc hiệu của nước ta riêng thời nhà Hồ, được Hồ Quý Ly đặt sau khi phế Trần Thiếu Đế và lên nắm quyền. Chữ Ngu (虞) ở đây có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình”, chứ không có nghĩa là “ngu si” (愚癡).

Việt Nam là quốc hiệu xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Ban đầu, vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng “Nam” có ý nghĩa “An Nam” còn “Việt” có ý nghĩa “Việt Thường”. Tuy nhiên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa. Nhà Thanh có ý e ngại rằng, nếu công nhận quốc hiệu Nam Việt thì sẽ gây nên nhầm lẫn về đất đai lãnh thổ nên đã yêu cầu nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam và chính thức tuyên phong quốc hiệu này năm 1804.

Đại Nam quốc hiệu do vua Minh Mạng (1820 – 1841) đổi vào năm 1838. Dù vậy, hai tiếng “Việt Nam” vẫn được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm văn học, trong nhiều giao dịch dân sự và quan hệ xã hội đương thời.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quốc hiệu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân đồng bào và cả thế giới vào ngày 2-9-1945 khi Người đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Suốt 30 năm tiếp theo, tuy đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, rồi chia cắt, nhưng hai tiếng “Việt Nam” vẫn được sử dụng phổ biến từ Bắc chí Nam và trở thành thân thiết, thiêng liêng đối với mọi người.

Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc hiệu được thông qua tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất vào ngày 2-7-1976.

ĐNCT

Rate this post

Viết một bình luận